Không dứt tiếng chiêng...

MỘC MIÊN 26/01/2023 07:23

(Xuân Quý Mão) - Nắng hiếm hoi giữa Chạp khiến gió biển như bớt xôn xao. Chùa làng vốn đã vắng, thêm cái lặng im của cát nữa, khiến mọi thứ thường như cuốn vào cõi tịch mịch. 

Nhà thờ nối nhau ở thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.VIỆT
Nhà thờ nối nhau ở thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.VIỆT

Ấy là tôi nghĩ và thấy, khi trước sân chùa Phước Sơn (xã Duy Hải, Duy Xuyên) có mấy phụ nữ đang trồng hoa. Hàng trăm chậu nhỏ như cái bát sứ, đủ loại hoa. Bà Hai nói tết về đây, sẽ thấy hoa rợp sân. Họ thì thào như sợ vang động, bởi trong chánh điện, có tiếng tụng kinh rì rầm. Khuôn viên chùa mênh mông, có cảm giác rộng ra hơn cái lần tôi đảo qua đây.

“Dạ đúng đó anh. Hồi đó nhỏ hơn, chừng 4.000m2, nhưng năm 2019, khi Nhà nước chỉnh trang quy hoạch thì chính quyền nói rằng muốn cắt, nới cho vuông vức, lại thêm phần đất chùa được đền bù thêm nên hơn 1.000m2 nữa” - thầy Giác Đắc nói. 

Tôi ngồi với thầy Đắc trong nhà khách, thấy tường xi măng còn như tươi nước hồ. “Trước chưa xây tường, bão Naru vừa rồi thổi bay tùm lum, nên mới làm thêm tường” - thầy giải thích.

Nắng đổ dài trên sân như rót mật. Chùa làng, nên phần sân dù có muốn rộng mấy cũng chừa lại đất trồng khoai, trồng đậu. Tiếng chuông nhẹ nhàng, đúng nhịp đều đều đưa thanh âm lan trong chánh điện rồi qua các cửa, như cái vỗ vai vô thường nhắc nhớ.

Mấy lần về khu tái định cư Tây Sơn Đông (Duy Hải) này, cứ lơ mơ lướt qua, lần này thì muốn chậm lại, dừng lại. Trên một tuyến đường là đối diện hoặc sát nhau đến 5 nhà thờ.

Ở làng miền Trung, sự phân bố dân cư kiểu quần cư nhiều đời, đã hình thành nên tộc họ sống gần nhau, vừa là chỗ anh em bà con gần gũi, vừa là gắn bó với nhau bởi nhà thờ gần đó. Nhưng cái lối bố trí nhà thờ các tộc họ sát nhau thế này, hình như chỉ có ở đây.

Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống cho hay, chừng đó chưa hết vì tại khu đã quy hoạch nhưng chưa giải tỏa, còn 7 nhà thờ tộc nữa. “Khi tiến hành giải tỏa, quan điểm của Nhà nước là có chi bồi thường bố trí nấy. Trước đây bên dự án bố trí mỗi nhà thờ 300m2, nhưng nay còn chừng 150 - 200m2. Nhà thờ, lăng, miếu, hễ đụng quy hoạch là nơi mới phải có đất để bà con làm mới. Biển mà anh, chuyện tâm linh là quan trọng…” - ông Thống nói.

Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình) ngổn ngang chuyện quy hoạch đô thị. Từ lâu rồi, đã không ít lần những tiếng kêu lo lắng cho chuyện biến mất của những trầm tích văn hóa biển, khi dự án được đặt bút ký. Tôi ngồi với ông Võ Quốc Hai ở thôn Tây Sơn Tây, biết rằng nhà ông còn ở dưới đó, chưa lên khu mới.

Chuyện thờ cúng như kéo dài ra, miên man trong suy tư người già, khi tôi kể rằng, có lần ngồi uống rượu ở làng An Lương chỗ bến cá, mấy ông già nói bài cúng đất có nhắc tới cái tên Trung Phường thuở Chămpa. Ông Hai gật đầu, ừ, thì ở đâu khai tên đất đó, chừ lên Tây Sơn Đông thì phải khai địa chỉ chỗ mới, nhưng cúng tộc thì phải nói mình chỗ cũ ở đâu.

Ông nói rằng, tộc Võ của ông đang làm nhà thờ sát chùa Phước Sơn. “Đó là nhà thờ phái - ông cười - chỗ cũ có 3 nhà thờ của 3 chi”. “Có được bố trí đất không?”. “Có chứ, lúc họp di dời, có ông nói căng, là đi thì phải đền bù bố trí làm nhà thờ cho chúng tôi, có rứa bà con mới thuận! Xã hội đi lên, mình không thể đi xuống, thụt lùi, bởi phát triển thì tốt quá, nhưng nếp cũ mà hay thì phải giữ gìn. Tâm lý dân mình, là ta ở đâu thì ông bà thần linh ở đó, đi, bỏ mặc, đâu có được, ông bà xưa nói “miễu rách mặc miễu, thần linh vẫn còn”.

Đã có hết trong đồ án quy hoạch về bảo tồn làng biển, khu tâm linh chốn này, dựa trên nhất quán quan điểm, là làm đô thị mà không giữ được nếp làng quê, phá vỡ và nhấn chìm văn hóa làng, là thất bại… Bức tranh làng biển trong hình hài đô thị, xem ra còn lâu lắm.

Nhưng chắc chắn con đường làng ở khu Tây Sơn Đông mặt hậu mặt tiền có đến 7 nhà thờ, dịp tết rồi tiết Thanh minh, tiếng chiêng, trống, rồi tiếng chuông ở ngôi chùa gần đó, sẽ cộng hưởng, gióng giả không dứt, như một thông điệp rằng, mọi thứ còn nguyên đó dòng chảy ngầm mấy trăm năm thuở cha ông lặn lội lập làng. Dẫu có dịch chuyển cuộc đất, thì làng, tộc và cái cựa mình của gió khi qua những nếp nhà cõng theo tâm tư của biển của người, có mất đâu.

“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (“Đất nước” - Nguyễn Khoa Điềm). Ở đây cũng gánh, và khác ngày xưa, là họ ra đi bình yên không phải trải qua tao loạn. Vài chục năm nữa, nó sẽ không còn gọi là làng mới, và như chưa từng ra đi…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không dứt tiếng chiêng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO