Hôm Chủ nhật tuần rồi, con ghé nhà bạn chơi. Bữa cơm trưa được mẹ bạn dọn ra. Đạm bạc thôi, chỉ trứng chiên, rau luộc chấm nước mắm tỏi ớt, ấy thế mà con thấy sao thân thương quá.
Bạn cười xởi lởi: “Không gì ngon bằng cơm mẹ nấu. Đơn giản vậy chớ mình lúc nào mình dùng cơm cũng cạn đáy nồi”. Chợt giật mình nghĩ lại, đã nhiều năm trôi qua rồi con chưa dùng cơm do chính tay mẹ nấu. Và con quên hẳn những buổi không khí ấm cúng cùng gia đình quây quần bên mâm cơm chiều.
Hồi nhỏ, ngày nào con (và cả nhà) cũng được dùng cơm do mẹ nấu. Nhà nghèo, mâm cơm có gì đâu ngoài rau luộc, chao, tương và ít con cá nhỏ mà ba bắt được sau buổi đi làm đồng về. Ăn hoài đâm ra ngán. Trẻ con mà, thích thay đổi, muốn được ăn ngon. Lẽ thường tình là vậy. Con đòi ăn thịt cá, mẹ nhín chút tiền chợ mua một ít thịt về chiên, kho tiêu cho mình con ăn. Còn ba mẹ, ông bà thì vẫn ăn rau luộc chấm chao, tương, nước mắm trường kỳ.
Con ngây thơ hỏi: “Sao mẹ không mua nhiều cho cả nhà dùng”. Mẹ cười, xoa đầu con rồi bảo: “Thịt cá đắt như vàng, không rẻ đâu con. Con cứ ăn đi cho chóng lớn, thông minh, học giỏi”. Bỏ qua câu nói khắc khổ ấy, con hồn nhiên ngồi ăn một mình. Cứ thế, dù kinh tế eo hẹp nhưng mẹ vẫn nhín chút ít mua cho con, khi thì tép bạc, tôm, cá tràu, thịt bò… để con không giận, không hờn rồi bỏ bữa ăn. Ba mẹ sợ con mà không ăn thì sinh ra gầy nhom, ốm đói, bệnh tật, lúc ấy còn khổ hơn nữa. Bởi yêu thương con mà ra. Cũng từ đấy con xa dần những bữa ăn đạm bạc do chính tay mẹ vẽ nên.
Khi lớn lên con mới dần hiểu ra điều đó. Những đọt rau lang, rau muống, hoa bí sau nhà non mướt, ngọt ngào là do chính tay mẹ trồng. Để tiết kiệm tiền chợ, mẹ trồng nhiều loại rau xanh mướt sau nhà dùng làm bữa ăn. Dù công việc đồng áng và nội trợ đã chiếm hết thời gian của mẹ. Chẳng những thế, những trái bí, dưa leo mập ú được mẹ mang ra chợ bán để lấy số tiền đó mà mua những thức ăn ngon cho con.
Những bữa cơm “sơn hào hải vị” của riêng con thấm đẫm giọt mồ hôi mặn chát của ba và mẹ. Suốt một quãng thời gian dài diễn ra như thế nhưng con nào hay. Để khi con nhận ra điều đó thì cũng là lúc con xa rời làng quê thanh bình của mình, nơi có ba mẹ già đang ngóng đợi từng ngày: “Về đi con! Muốn ăn gì ba mẹ nấu!”. Mẹ hay gọi điện lên bảo thế!
Công việc cuốn con đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn ngon, lạ khác nhau. Nhưng con thấy chẳng đâu bằng cơm do chính tay mẹ nấu. Sự thật là vậy, dù đơn sơ thôi mà chất chứa cả tình yêu thương đặc biệt. Để hôm nay, con tim yếu mềm của con lại một lần nữa bồi hồi nhớ về bữa cơm quê nhà. Bạn thúc giục: “Về đi, thời gian ngắn thôi nhưng sẽ nối dài hạnh phúc”. “Ừ! Mình về!”. Để rồi như kẻ bị thôi miên vì một điều thiêng liêng nhất, con vội ra ga đón xe về với gia đình.