Không gian Chămpa từ Thu Bồn đến sông Cái Phan Rang

VÕ VĂN THẮNG 26/02/2023 07:45

Văn khắc chữ Sanskrit có niên đại thế kỷ 6 và 7 tìm thấy ở thung lũng sông Thu Bồn xác định sự ra đời của một vương quốc có tên là Chămpa, hoặc Champapura, với các vị vua nối tiếp nhau xây dựng các đền tháp Hindu giáo ở Mỹ Sơn, Quảng Nam.

Tháp Po Nagar (Nha Trang).
Tháp Po Nagar (Nha Trang).

Một số văn khắc cuối thế kỷ 8 và đầu thế kỷ 9, phát hiện ở Khánh Hòa và Ninh Thuận, cho thấy ít ra đến thời kỳ này, vùng đất phía nam đèo Cả đến sông Cái Phan Rang cũng đã hội nhập vào không gian Chămpa.

Từ vị trí địa lý

Về mặt địa hình, khu vực nam đèo Cả đến hết Bình Thuận có ba con sông chính, bắt nguồn từ cao nguyên phía nam của dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông, lần lượt từ Bắc vào Nam là sông Cái Nha Trang, sông Cái Phan Rang và sông Cái Phan Thiết.

Về khí hậu, đây là khu vực khô hạn nhất của miền Trung Việt Nam, lượng mưa hàng năm rất thấp, không thuận lợi cho canh tác lúa nước và các loại cây lương thực. Tuy nhiên, khu vực này có giao thông đường bộ thuận tiện nối liền với đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn ở phía tây nam, chỉ đi ngang qua những ngọn đồi thấp.

Đây cũng là vùng đất nổi tiếng với loại gỗ cho sản phẩm trầm hương, có tên là “kỳ nam”, được nói đến nhiều trong sử liệu cổ của Trung Hoa và còn nổi tiếng cho đến những thế kỷ gần đây. Các vịnh biển nước sâu với nhiều cù lao chắn gió cũng là nơi dừng nghỉ an toàn trên hải trình giao thương giữa các thị trường lớn là Ấn Độ, châu Âu và Trung Hoa.

Chứng cứ khảo cổ học ở Hòa Diêm (Khánh Hòa) cho thấy từ những thế kỷ trước công nguyên, tại đây đã có khu dân cư tập trung và mang yếu tố nhóm tộc người - ngôn ngữ Nam Đảo. Khu vực gần cửa sông Cái Nha Trang là nơi tiếp xúc sớm với văn hóa Ấn Độ. Một chứng cứ cho sự có mặt của văn minh Sanskrit tại khu vực này là tấm bia tìm thấy ở làng Võ Cạnh, nay thuộc TP.Nha Trang, niên đại khoảng thế kỷ 4.

Về lịch sử, vào thời kỳ đầu công nguyên, vùng nam đèo Cả có thể đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đế chế Phù Nam, một đế chế đa sắc tộc gồm cả cư dân ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo, hưng thịnh với cảng thị Óc Eo (An Giang).

Từ thế kỷ 6 về sau, thuyền bè giao thương không còn trung chuyển qua eo đất Kra mà đi vòng qua eo biển Malacca; Óc Eo mất ưu thế, đế chế Phù Nam suy yếu theo.

Cộng đồng cư dân ngôn ngữ Khmer cổ (nhóm Nam Á) tạo dựng vương quốc riêng, chiếm lĩnh vùng đồng bằng cửa sông Mê Kông và sâu hơn trong nội địa, với các kinh thành đặt tên theo các vị vua như Bhavapura, Isanapura.

Cộng đồng cư dân ngôn ngữ Chăm cổ (nhóm Nam Đảo) vùng ven biển phía nam đèo Cả cũng tập hợp theo các thủ lĩnh (vua) của mình và tiếp tục phát triển trên nền tảng tín ngưỡng chủ đạo là Hindu giáo từ thời Phù Nam.

Cùng với nét chung Hindu giáo, yếu tố cùng ngôn ngữ đã dẫn đến sự hội nhập nhanh chóng của cộng đồng cư dân vùng nam đèo Cả vào không gian Chămpa đã hình thành từ mấy thế kỷ trước ở phía bắc.

Còn trong bia đá

Một số văn khắc cuối thế kỷ 8 - đầu thế kỷ 9 cho thấy đã có những biến cố trong khu vực và đó cũng là một cơ hội để các vị thủ lĩnh ở vùng nam đèo Cả trở thành “vua của toàn cõi Chămpa”.

Văn khắc Chăm tại tháp Po Nagar (Nha Trang).
Văn khắc Chăm tại tháp Po Nagar (Nha Trang).

Văn khắc C 24 (Glai Lamov, năm 801) mở đầu với lời tôn vinh vị vua có tên là Pṛithivīndravarman, là người đã “chinh phục tất cả kẻ thù” và “thụ hưởng toàn bộ Chămpa” (campāni ca sakalām bhuktvā).

Khi ông qua đời, người con của chị/em gái (bhāgineya) của ông có tên là Satyavarman nối ngôi vua. Văn khắc C 38 (Po Nagar, năm 784) ghi sự kiện vua Satyavarman đã đánh bại một cuộc tấn công năm 774 của những người đã đến bằng thuyền, cướp linga và đốt cháy đền thờ ở Kauṭhāra; vị vua dựng lại một linga thờ thần Siva (Īśvara) thay thế cho một linga bị đánh cướp.

Văn khắc C 25 (Phan Rang) ghi sự kiện năm 799, vua Indravarman dựng lại ngôi đền thờ thần Siva, danh hiệu Bhadrādhipatīśvara, trước đó bị đốt cháy vào năm 787 bởi “đội quân Java đến bằng thuyền”.

Vùng nam đèo Cả được ghi với các danh xưng bằng chữ Sanskrit là Kauṭhāra (Khánh Hòa ngày nay), Pāṇḍuraṅga (Ninh Thuận ngày nay); đồng thời văn khắc ở vùng này cũng ghi nhận danh xưng Champapura, là tên của vương quốc đã xuất hiện trên các văn khắc các thế kỷ trước tại vùng Thu Bồn (Quảng Nam).

Văn khắc C 31 (Po Nagar, năm 817), tôn vinh vị vua Śri Harivarmandeva, với danh xưng “vua của các vua, vua tối cao của Champapura” (rājadhirāja śri campapura-parameśvara) và cho biết Śri Harivarman-deva đã phong cho con trai của mình là Śri Vikrāntavarman cai quản Pāṇḍuraṅgapura, với sự trợ giúp của một tể tướng (senāpati).

Không tìm thấy một bản văn khắc nào được lập ở vùng Quảng Nam trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9. Những biến cố lớn đã xảy ra ở các vương quốc hải đảo và ven biển Đông Dương thời kỳ này.

Không gian Champapura khởi phát ở vùng Thu Bồn được mở rộng với sự hội nhập của các lãnh địa Pāṇḍuraṅga và Kauṭhāra từ phía nam đèo Cả, nhưng đồng thời cũng trải qua một giai đoạn chia sẻ quyền lực giữa các địa phương, hình thành các “tiểu quốc”.

Các sử gia Trung Hoa sử dụng một danh xưng mới, Hoàn Vương để thay cho danh xưng Lâm Ấp xưa cũ đã không còn phù hợp để chỉ vùng đất phía nam Giao Châu lúc bấy giờ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không gian Chămpa từ Thu Bồn đến sông Cái Phan Rang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO