Không gian dự trữ cho phố

QUỐC TUẤN 14/05/2023 09:03

Khi ở mọi nẻo phố thị, “tấc đất” hơn “tấc vàng”, những không gian dự trữ cho tiến trình phát triển ngày sau của phố ngày càng khan hiếm và cần được quan tâm đúng mức.

Quỹ đất dự trữ phục vụ phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp nên cần chiến lược quản trị, sử dụng hiệu quả. Trong ảnh: Một góc đô thị vùng đông Điện Bàn. Ảnh: Q.T
Quỹ đất dự trữ phục vụ phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp nên cần chiến lược quản trị, sử dụng hiệu quả. Trong ảnh: Một góc đô thị vùng đông Điện Bàn. Ảnh: Q.T

Chật vật với không gian dự trữ

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Nghĩa Tự (Điện Dương, Điện Bàn) đã được UBND tỉnh phê duyệt vào đầu năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa thi công bởi đang trong quá trình xét tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Một thời gian dài, chính quyền địa phương phải “chạy đôn chạy đáo” xoay quỹ đất tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án này bởi khu vực lân cận đã cạn kiệt quỹ đất dự trữ. 

Thực tế tại Điện Dương nói riêng và nhiều khu vực khác ở vùng đông Điện Bàn nói chung, quỹ “đất trống” còn không ít nhưng phần lớn đều nằm trong các khu vực có quy hoạch dự án giao cho nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư thiếu năng lực dẫn đến bỏ hoang đất đai trong nhiều năm.

Kết quả là để phục vụ bố trí tái định cư dự án cầu Nghĩa Tự, vào năm 2022 một dự án khu đô thị gần đó đã phải thu hẹp quy mô để lấy đất phục vụ tái định cư cho người dân. 

Quảng Nam là địa phương có diện tích tự nhiên lớn (đứng thứ 6 cả nước) nhưng diện tích các đô thị, nhất là 3 đô thị chính gồm: Tam Kỳ, Hội An và Điện Bàn đều rất khiêm tốn. Trong đó, Hội An chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh và nằm trong tốp 10 đô thị có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam.

Một giải pháp để tăng thêm không gian dự trữ cho phố đang được nhiều đô thị trên toàn quốc áp dụng và tính đến hiện tại là mở rộng địa giới đô thị. Tuy nhiên, điều này cần lộ trình dài hơi và tùy đặc thù của vùng đất.

Theo dự thảo quy hoạch chung TP.Hội An, dự báo đến năm 2035, diện tích đất dự trữ phục vụ phát triển đô thị của thành phố cả ở vùng nội thị lẫn ngoại ô chỉ còn vỏn vẹn gần 10ha.

Chính quyền TP.Hội An cũng nhìn nhận, quỹ đất quá hạn hẹp là một trở lực lớn cho việc cân bằng giữa bảo tồn với phát triển bất động sản, du lịch và đầu tư. Mở rộng địa giới cũng là một ý tưởng từng được đề cập nhưng vẫn chỉ là câu chuyện để ngỏ ở thì tương lai…

Cần quản trị để sử dụng hiệu quả

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích đất phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 sẽ đạt gần 85 nghìn héc ta (tăng thêm hơn 15,8 nghìn héc ta so với hiện trạng năm 2020).

Phần lớn dư địa diện tích phát triển đô thị tăng thêm được hoạch định ở trên xuất phát từ việc mở rộng địa giới hành chính đô thị, nhất là sáp nhập Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành để hướng đến xây dựng đô thị loại I. 

Theo PGS-TS. Đỗ Tú Lan - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đa số đô thị của Quảng Nam hiện nằm ở khu vực ven biển. Hệ sinh thái ven biển, đất ven biển là nguồn tài nguyên hữu hạn của mỗi đô thị, do đó cần phải lập hệ thống quản trị chi tiết để đảm bảo việc sử dụng tiết kiệm cho từng giai đoạn. Việc phân bổ nguồn tài nguyên ven biển phải đảm bảo tương quan 4 không gian sử dụng, trong đó có không gian dự trữ phát triển.

Tại hội thảo về quy hoạch TP.Hội An đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nhận định, Hội An cần có đánh giá tổng thể về xung đột không gian sử dụng ở khu vực ven biển.

Tùy thuộc dữ liệu đầu vào của quá trình biến đổi khí hậu mà thành phố cần quy hoạch những khu tái định cư sẵn ở phía sâu trong đất liền để dự trù trường hợp tác động khó lường của thiên tai sau này.

Còn theo KTS. Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội An hiện chỉ còn khoảng 200ha diện tích có thể xây dựng thêm. Do đó, rất cần phải có quy hoạch bài bản cho các không gian trống chứ không nên để phát triển tự phát như hiện nay sẽ rất lãng phí.

Thực tiễn cho thấy, bất kỳ công trình, giải pháp nào phục vụ phát triển đô thị sẽ chuyển động trơn tru, tiết kiệm nguồn lực hơn rất nhiều khi thực thi với một quỹ đất, không gian “sạch”.

Một trong những giải pháp dễ thấy để kiến tạo cho đô thị ngày sau là bảo toàn những không gian dự trữ khi chưa có điều kiện lý tưởng để triển khai. Dù vậy, với giá trị tăng lên từng ngày của đất đai phố thị, xem ra điều này cũng không hề giản đơn…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không gian dự trữ cho phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO