Cải thiện môi trường sống, đưa văn hóa nghệ thuật tới cộng đồng, từ đó tạo ra một sinh kế phát triển mới… là những mục tiêu mà dự án Giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Việt đang bắt đầu tại TP.Tam Kỳ.
Và còn hơn thế, ông Park Kyoung Chul, Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, gửi gắm kỳ vọng, rằng “những đứa trẻ lớn lên trong môi trường văn hóa nghệ thuật này, sẽ góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển và đẹp đẽ”.
“Đưa nghệ thuật vào không gian sống”
Những mảng tường loang lổ dấu vết bởi cát và gió biển Tam Thanh, từ nay sẽ bắt đầu có diện mạo mới. Hình ảnh những con tàu vượt sóng ra khơi, trẻ em làng biển nô đùa, những mẻ lưới phơi phóng dưới nắng trưa… sẽ được “lên khuôn” bằng nhiều màu sắc, tại chính những ngôi nhà dọc dài ven biển Tam Thanh. Tất cả, là nỗ lực để xây dựng một không gian sống vùng ven đô thị với những cảnh quan đẹp mắt, văn minh, tạo mắt xích giữa người dân - môi trường, và hơn hết, là “vùng đệm” để giải tỏa những bức bách cho một đô thị cao ốc, tạo thêm sinh kế cho người dân vùng ven… Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) chia sẻ mối quan tâm của mình về những ảnh hưởng của một quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, trong đó, bày tỏ sự nuối tiếc về những mất mát của không gian sống truyền thống, sự thu hẹp của những không gian thiên nhiên. Và ông Park Kyoung Chul cho rằng, đó không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam. Dự án những ngôi làng bích họa – những không gian sống được tái tạo bằng các hình ảnh nghệ thuật, đã “cứu” lấy những ngôi làng hoang tàn ở Hàn Quốc. Chính kinh nghiệm này đã khiến các bạn Hàn Quốc tìm đến các vùng ven đô của Việt Nam, với một dự án dài hơi “Đưa nghệ thuật vào không gian sống”.
Các nghệ sĩ Hàn Quốc bắt tay vào thực hiện. Ảnh: SONG ANH |
Chọn mỹ thuật cộng đồng để đưa nghệ thuật vào không gian sống, với mục đích cao nhất là kêu gọi sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng đó bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Đem nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, các hoạt động này còn có tác dụng nâng cao thẩm mỹ, gắn kết mọi người trong cộng đồng, phòng chống tệ nạn xã hội, thúc đẩy du lịch địa phương… Mỹ thuật cộng đồng được kỳ vọng nhiều, từ duy trì giá trị truyền thống, phản ánh hiện tại đến phát triển tương lai. Và nghệ thuật này đã được áp dụng ở nhiều thành phố trên thế giới, tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc cải thiện không gian công cộng cũng như sinh kế cho người dân địa phương, trong đó có các thành phố của Hàn Quốc.
Tại cuộc hội thảo cùng tên tổ chức vào tháng 9.2015, ngoài KF, Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc (UN Habitat), và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) thống nhất ý tưởng triển khai các hoạt động giao lưu mỹ thuật cộng đồng và hình thành một xu thế đưa nghệ thuật cộng đồng vào cuộc sống, hướng tới xây dựng môi trường sống xanh, tốt đẹp hơn, tại các vùng đô thị của Việt Nam. Và Tam Kỳ được chọn là đô thị đầu tiên để thử nghiệm dự án này. Với những lý do mà KF đưa ra, như: đây là một thành phố trung tâm tỉnh lỵ với ưu thế tự nhiên đẹp, bờ biển còn hoang sơ và khu vực sinh thái đa dạng hồ Sông Đầm. Ngoài ra, trong đường hướng phát triển tương lai, TP.Tam Kỳ chọn cách phát triển nghiêng về đô thị sinh thái – văn hóa, và đã có những nỗ lực để đưa du lịch sinh thái – văn hóa trở thành mũi nhọn kinh tế của mình. KF đã khảo sát vùng ven biển Tam Thanh và chọn thôn Trung Thanh để triển khai dự án “làng bích họa”.
Một phác thảo về người làng chài trên bức tường nhà dân tại Trung Thanh, Tam Thanh, Tam Kỳ. |
“Làng bích họa” Tam Thanh
Bắt đầu từ ngày 10.6, nhóm những nghệ sĩ Hàn Quốc đã có những hoạt động nghệ thuật đầu tiên tại Tam Thanh. Tất cả dụng cụ sáng tác, từ cọ vẽ, màu sơn, họ đều mang từ “xứ sở kim chi”. Ý tưởng thiết kế cho ngôi làng đã được các bạn thảo luận từ hồi tháng 4. Và cũng từ thời gian này, người dân trong xã tham gia vệ sinh môi trường và làm sạch lại những bức tường của nhà mình – nơi các nghệ sĩ sẽ sáng tác.
Với kỳ vọng làng bích họa sẽ thúc đẩy du lịch bằng cách thu hút cộng đồng, giúp cho người dân sống trong không gian văn hóa nghệ thuật thật sự và nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, qua đó người dân gắn kết và bộc lộ bản sắc của mình, như một phần của sáng tạo nghệ thuật. Do vậy, trước khi bắt đầu, những nghệ sĩ Hàn Quốc đã tìm đến mỗi nhà dân ở đây, trò chuyện và cùng tham gia nhịp sống của họ, để có thể nắm bắt tinh thần của một ngôi làng ven biển miền Trung. Yeon Dong-kyun, nghệ sĩ chuyên vẽ Graffiti chia sẻ, người dân địa phương là chủ thể chính trong mỗi hoạt động sáng tạo nghệ thuật, và nhiệm vụ của những nghệ sĩ này chính là tái hiện hình ảnh cư dân địa phương một cách sinh động bằng các bút pháp mỹ thuật khác nhau.
Kết hợp với dự án làng bích họa, nhóm nhiếp ảnh gia từ Hàn Quốc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới thăm và ghi lại những hình ảnh đẹp của Tam Thanh và làng bích họa. Nhóm nhiếp ảnh này cũng sẽ tới thăm Hội An và Mỹ Sơn để chụp ảnh tư liệu. Những bức ảnh được chụp tại đây sẽ tổ chức trưng bày tại Seoul và một số quốc gia khác. |
Lần đầu tiên chứng kiến những nghệ sĩ nước ngoài sáng tác, mà hình ảnh trong ấy lại chính là mình, những người dân biển Tam Thanh tỏ ra vô cùng thích thú. Ông Lê Thanh, người dân của thôn Trung Thanh, cho biết, đường biển sẽ sạch đẹp hơn và người dân địa phương cũng ý thức chuyện vệ sinh hơn, từ khi có tin đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc sẽ về đây sáng tác. Riêng bản thân mình, ông nói, sau khi những bức tường vẽ xong, ông sẽ bàn với vợ tìm cách mở một quán café. Và đây cũng là điều khiến nhiều người yêu không gian làng ven biển băn khoăn, liệu sau khi dự án kết thúc và được bàn giao về cho địa phương, người dân sẽ làm gì với không gian nghệ thuật này?
Ông Park Kyoung Chul, Trưởng Đại diện KF chia sẻ, “hoạt động xây dựng làng bích họa là một hoạt động đầu tư lâu dài”. Theo đó, sau khi diện mạo của ngôi làng hoàn toàn thay đổi, KF, UN Habitat cùng chính quyền thành phố sẽ tổ chức đào tạo, hướng dẫn người dân cách thức tổ chức, làm du lịch cộng đồng. Và họ hy vọng đây là một sinh kế vững bền, ổn định cho cuộc sống của người dân biển. Về phía chính quyền TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: “Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố, vừa phục vụ phát triển du lịch xã Tam Thanh, vừa góp phần tạo tiền đề cho chiến lược phát triển du lịch sinh thái văn hóa dựa vào cộng đồng, đồng thời tạo sinh kế cho mỗi người dân”. Chính quyền thành phố sẽ có những khóa đào tạo về cách thức tổ chức du lịch cộng đồng và tạo điều kiện tối đa cho những người dân nơi đây.
Hy vọng từ ngôi làng bích họa đầu tiên này, những công trình nghệ thuật công cộng ở không gian đô thị sẽ ngày một phong phú hơn. Và dĩ nhiên, cuộc sống đô thị, vì thế mà đỡ ngột ngạt hơn…
SONG ANH