Làng nào mà chẳng có cây đa, bến sông, ngôi chợ và con đường làng rợp bóng tre. Những người trên 60 tuổi xa quê luôn hoài nhớ về làng cũ của mình bằng hình ảnh đó. Họ nhớ tiếng kẻo kẹt của bờ tre trước sân nhà vào mỗi trưa nằm trên chiếc chõng ở hàng hiên hoặc treo võng dưới bóng cây trong khu vườn cũ. Họ nhớ con đường đất trơn trợt dưới mưa. Họ nhớ cái bến sông rộn ràng tiếng trẻ nô đùa bên cạnh những phụ nữ mỗi chiều gánh mấy gánh cỏ hoặc mang vài chiếc chiếu ra bến giặt… Nhớ nhiều thứ lắm như một phép cộng của nỗi nhớ làm nên tình yêu quê hương sâu thẳm, chứa chan.
Sông nước xứ Quảng.Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Phép cộng đó chính là không gian sống của những làng quê.
*
* *
Giờ thì đã nông thôn mới, đã nên những con đường bê tông rộng rãi, xe máy chạy vùn vụt, bóp còi inh ỏi. Xã hội và đời sống cần phải phát triển, đó là quy luật và cũng là mong ước của mỗi chúng ta. Nhưng nếu vội và không thấu đáo, những lũy tre làm giậu ngả bóng những trưa nồng sẽ không còn nữa. Không còn bản hòa âm của tiếng ve kêu ran những ngả đường và nhiều thứ khác… Anh bạn tôi làm doanh nghiệp ở nông thôn, giải quyết được việc làm cho nhiều bạn trẻ, kiếm được chút ít lãi lại xung phong đóng góp cho làng mở ra những con đường bê tông rộng cho ô tô có thể chạy hai chiều. Bà con hưởng ứng, cắt đất vườn góp vào cho đường rộng. Cắt đất làm đường là cắt mất cái hàng rào chè tàu, dâm bụt hoặc tre trúc đã tồn tại hàng chục năm. Lại thay bằng hàng rào bê tông tăm tắp. Sạch nhưng không đẹp vì không còn bóng mát, vì nhức mắt những ngày nắng như đổ lửa mùa hè. Người ta lại giâm sát hàng rào mấy bụi sắn hoặc trồng kẹp vào đó hàng tiểu trúc cho có chút màu xanh để cứu vớt chút gì. Nhưng đó chỉ là tạm. Cái không gian sống của người làng nào chỉ mỗi cái nhà, cái vườn, mà là cả những con đường rợp bóng cây, có tiếng chim sẻ chim cu vang vọng nữa! Vậy mà nhà lại là nhà ống nóng bưng, bên ngoài là tường rào khô cứng…
Lại nhớ người ta đã phải mời cả UNESCO sang cái làng nhỏ Triêm Tây làm quy hoạch. Tây làm quy hoạch cho làng quê ta lại tổ chức cho nông dân ta thi làm… hàng rào! Và bà con hưởng ứng vì họ thấu hiểu cái hàng rào không lời ấy là phần không thể thiếu của làng quê. Lại nhớ câu nói của một vị quan chức Hội An đau đáu nỗi niềm vườn tược và tình làng. Anh bảo, hàng xóm mỗi ban mai chào nhau qua giậu trúc nó đậm tình lân lý hơn là ngó nhau qua hàng rào kẽm gai, qua bê tông cốt thép. Nó xa lạ, vô cảm và cách biệt. Nó đánh mất đi những âm vang của những lời tim óc tối lửa tắt đèn có nhau từ vạn đợi ông cha!
Cái không gian xanh đó, từ lâu đã làm nên tâm hồn con người và sinh ra những Cây trong vườn cứ mỗi ngày mỗi xanh/ Tóc mẹ già cứ mỗi ngày mỗi bạc của Tế Hanh hay Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền của thi sĩ họ Hàn và cả những vần thơ tự trào mà xúc động đến tận tâm can Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà của Nguyễn Khuyến…
*
* *
Người ta bảo làng là tập hợp những gia đình nông dân. Mỗi gia đình nông dân bao giờ cũng có một cái nhà, ở căn trung ngôi nhà là bàn thờ tổ tiên, ông bà. Trên bàn tờ là cái tran thờ tiên sư bổn mạng. Chung quanh nhà một cái vườn luôn xanh rau quả được bao bọc bởi một hàng rào hay giậu… Nhưng cái cổng ngõ nhà là rất quan trọng để mỗi thành viên của gia đình ấy giao lưu với cộng đồng. Cái ngõ bao giờ cũng được chọn lựa rất kỹ về phương hướng, thước tấc, kiểu dáng, kết cấu…Ngõ có thể là có cổng hoặc không có cổng, như ngõ trúc ở đồng bằng, ngõ đá bậc thang ở trung du…
Từ nhà ra ngõ. Đó là một không gian của những miền ký ức. Một hàng chè tàu, một hàng tiểu trúc cắt tỉa thẳng tắp hay hai hàng hoa trang, hoa vạn thọ đều ẩn chứa tâm hồn, triết lý nhân sinh của chủ nhân ngôi nhà ấy và nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ qua bao nhiêu thế hệ con cháu. Những đêm u mọi dưới ánh trăng, những chiều đá kiện, đánh nẻ, bắn bi ấu thời, bao bé gái đã bứt sợi tơ hồng trên hàng chè tàu làm trò chơi đám cưới. Những kỷ niệm cứ đeo đẳng lấy mỗi thế hệ để dù ở xa họ cũng ấp yêu nhớ về làm nặng hơn tình yêu quê kiểng, làng mạc…
Kể sao cho hết những điều tôi có thể nhớ về cái ngõ quê…
Không chỉ ngõ trước mà còn ngõ sau: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều (ca dao Quảng Nam), Anh về Bình Định chi lâu/ Chiều chiều em đứng ngõ sau ngóng chừng/ Hai hàng nước mắt rưng rưng/Chàng xa thiếp cách giậm chưn kêu trời (Dân ca Nghĩa- Bình). Ngõ sau mà không có ngõ. Đó là một không gian sau nhà bếp, sau ảng nước, ngó ra cánh đồng, qua làng bên hay qua một con sông ngăn cách giữa hai làng. Bởi không dưng mà từ đó người la lại nhắc tới ngõ lòng, ngõ của tâm hồn con người từ một không gian cư trú cụ thể...
Làng của nông thôn mới bây giờ thay đổi quá bởi những hạn chế về tầm nhìn về quy hoạch dài hạn. Đường làng, vườn tược đã bớt đi vẻ thơ mộng xưa vì thiếu bóng cây xanh. Nhà xây ống chật chội đến không còn chỗ thở như kiểu nhà ở phố đông dân. Không gian sống thay đổi sẽ tác động đến tính tình, tâm lý của các thế hệ chủ nhân là điều không tránh khỏi. Bởi vậy, nếu thiếu đi sự bình tĩnh về tầm nhìn văn hóa trong tổ chức thực hiện, trong quy hoạch và quản lý xây dựng, tuy chúng ta sẽ được một “nông thôn mới”, chúng ta chỉ còn ngôi làng trong tên gọi mà thôi.
Nhà văn Tạ Duy Anh trong một bài viết về làng mình, cũng như tôi, anh đã đau xót mà thốt lên: “Chúng ta đang đồng loạt bỏ mặc cho làng quê yêu dấu biến mất với một sự vô cảm đáng sợ. Và như vậy cũng sẽ biến mất phần không gian đặc sắc nhất của văn hóa Việt! Có thứ mất đi thì vẫn tìm lại được và chịu tốn kém. Nhưng có thứ mất là mất luôn, ra đi vĩnh viễn, bởi muốn tìm lại nó thì phải lăn lộn tìm về điểm khởi đầu từ hàng ngàn năm”…
Đừng để làng trở thành ký ức!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG