Chia sẻ nhân 70 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa Thông tin, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL một lần nữa khẳng định những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của ngành văn hóa, thông tin.
Tháng 9.1945, Ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Quảng Nam được thành lập, do đồng chí Phan Thao - Đại biểu Quốc hội khóa I làm Trưởng ty. Thời kỳ này, điều lớn nhất là đã xây dựng tờ báo của tỉnh, lấy tên là Chiến Thắng để động viên tinh thần kháng chiến của quân và dân; thành lập Đội Tuyên truyền xung phong, cùng với các mạng lưới thông tin tuyên truyền ở các thành phố, thị xã, huyện, xã trực tiếp phổ biến chủ trương kháng chiến chống Pháp cho các vùng trong tỉnh. Nhiều vở kịch được hình thành phục vụ cách mạng như Con heo kháng chiến, Chữa bệnh thực dân... Nhiều ca khúc, tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, còn sống mãi với thời gian: Đoàn Vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu), Con trâu (Nguyễn Văn Bổng)... Từ cái nôi Văn hóa - Thông tin Quảng Nam Đà Nẵng ngày ấy, nhiều cán bộ văn hóa thông tin và văn nghệ sĩ của ngành tiếp tục phấn đấu trở thành những cán bộ, văn nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong hoạt động ở hai miền Nam - Bắc ở các thời kỳ sau.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, một số tờ báo của Tỉnh ủy ra đời như Giải phóng, Cờ giải phóng. Tạp chí Văn nghệ giải phóng tỉnh Quảng Đà cũng ra đời trong thời kỳ này. Tháng 10.1964, Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam được thành lập. Lúc này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 3 Đoàn Văn công giải phóng của Quảng Nam, Quảng Đà và Đoàn Văn công miền núi Quảng Đà.
Bài chòi - loại hình nghệ thuật dân gian được ngành Văn hóa chú trọng bảo tồn và phát triển. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt ấy, nhiều cán bộ tuyên truyền vừa là nhà văn, nhà báo vừa là chiến sĩ, tay cầm bút, cầm súng vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Trên khắp nẻo đường kháng chiến, nhiều anh chị em diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam, Đoàn Tuồng Quảng Nam, Nhà in Giải phóng, Điện ảnh Quảng Đà đã hy sinh ngay trong đêm biểu diễn, buổi chiếu phim hay lúc in ấn tài liệu. Trong đó, Đoàn Văn công Quảng Đà đã có đến 11 cán bộ, diễn viên hy sinh ngay khi tập tiết mục chuẩn bị biểu diễn phục vụ Tết Mậu Thân 1968. Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 80 cán bộ ngành Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương.
PV: Với một bề dày lịch sử văn hóa như vậy, chúng ta đã tiếp nối những gì trong thời kỳ mới, thưa ông?
Ông Đinh Hài: Ở Quảng Nam, sau ngày tái lập tỉnh, dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và các Nghị quyết 17, 18, 19 và 20 Đại hội Đảng bộ tỉnh, hoạt động văn hóa thông tin tỉnh nhà đã có những bước khởi sắc và phát triển đáng ghi nhận. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Nam ngày càng phát triển ở hầu hết chuyên ngành văn học, báo chí, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh với những tác phẩm phản ánh chân thực và sinh động diện mạo cuộc sống hôm nay, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Chúng ta tự hào trên quê hương Quảng Nam đã có nhiều nghệ sĩ tuồng, dân ca được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Trong đó, nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ, nhà văn Phan Tứ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhiều văn nghệ sĩ đã từng sống và chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà đã được tặng giải thưởng Nhà nước với những tác phẩm được sáng tác lấy cảm hứng từ mảnh đất “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua gần 20 năm triển khai thực hiện đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân. Danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, bản, khu phố văn hóa, xã phường, thị trấn, tộc họ văn hóa trở thành mục tiêu phấn đấu của người dân, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa đã thu được những thành quả đáng khích lệ, góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật bảo tàng quý giá của Quảng Nam. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa được chú trọng. Đặc biệt, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã trở thành những địa chỉ tham quan du lịch nổi tiếng, được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Việc sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa của đất và người Quảng Nam được xem là một trong những trọng tâm công tác của ngành. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia đã được tổ chức tại Quảng Nam nhằm thu thập tư liệu, khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử của đất và người xứ Quảng đã làm sáng tỏ bề dày văn hóa, bản lĩnh và tính cách người Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử. Những công trình, sản phẩm khoa học trên là bước tiến quan trọng về mặt tư liệu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Quảng Nam. Nhiều tài liệu, sách, ấn phẩm về văn hóa Quảng Nam được xuất bản. Nhiều huyện, thành phố đã chủ động trong việc vận động sáng tác, nghiên cứu về văn hóa địa phương, xuất bản được nhiều đầu sách có giá trị khẳng định những đóng góp của mảnh đất và con người xứ Quảng đối với nền văn hóa dân tộc...
PV: Ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch sẽ đi những bước như thế nào để tiếp tục đóng góp vào yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai, thưa ông?
Toàn tỉnh hiện có 300 di tích cấp tỉnh, 60 di tích quốc gia, Khu di tích Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An vừa là di tích quốc gia đặc biệt, vừa là Di sản văn hóa thế giới. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 1 di vật được công nhận Bảo vật quốc gia và 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều sự kiện văn hóa lớn với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế được tổ chức như: Tuần Văn hóa - Du lịch Quảng Nam hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Di sản Quảng Nam, Liên hoan - Hội thi Hợp xướng quốc tế, Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.... Các hoạt động bảo tồn di sản được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và xã hội hóa nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được đẩy mạnh. Cuối năm 2014, tổng lượt khách tham quan và lưu trú đạt gần 3,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 1,7 triệu lượt, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 5.170 tỷ đồng. |
Ông Đinh Hài: Với các đề án Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; các quy định hỗ trợ sáng tạo của văn nghệ sĩ và bồi dưỡng những tài năng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao; Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và Khu di tích cách mạng Trung Trung bộ - Nước Oa theo một chiến lược dài hạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025..., đã có những tác động trực tiếp lên sự phát triển của ngành. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm.
Trong những năm đến, toàn ngành tập trung vào việc cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh thông qua. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ văn hóa, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo văn hóa thông qua hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao xã. Chú trọng công tác bảo tồn - bảo tàng, sưu tầm và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát huy các tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao cho mọi người, tạo điều kiện tốt nhất trong việc bồi dưỡng tài năng thể dục thể thao, đặc biệt là tài năng trẻ. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
SONG ANH (thực hiện)