Không gian xanh trong bệnh viện

BÙI THỊ THANH MINH 16/03/2016 09:55

Khoảng không gian xanh ở các trung tâm y tế, bệnh viện từ những cây trồng lâu năm không chỉ tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp mà còn là liều thuốc tinh thần giúp hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

Không gian xanh

Mảng xanh trong Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam chiếm khoảng 30% khuôn viên. Lối đi vào khu trung tâm, khoảng trống giữa các buồng bệnh, lối đi dọc hành lang hay các góc trống khu điều trị đều được bao phủ bởi màu xanh của cây trồng. Cây bóng mát bàng, sưa, bằng lăng, sao đen, keo lá tràm; cây cảnh có các loại dương liễu, cau voi, thiết mộc lan; cây ăn quả có các loại mận, xoài; thảm cỏ được bao phủ bởi những bông cúc… Ông Lê Đình Hồng - Trưởng phòng Tổ chức - hành chính Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng trồng nhiều loại cây với các lớp khác nhau để mỗi mùa tại bệnh viện đều có sắc xanh. Cây lớp 1 trồng thời gian đầu thường là những cây ngắn ngày, cho bóng mát nhanh như cây keo lá tràm. Sau đó là những loại cây lớp 2 thay thế và cuối cùng là những loại cây lớp 3 ổn định như bây giờ”. Bệnh viện nằm ở vùng đất cát, gặp nước nhiễm phèn nên việc chăm sóc, tưới bón cần kỹ lưỡng hơn. Nói đến bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện đặc thù như Phạm Ngọc Thạch thì khi bước chân đến cũng tạo cho nhiều người cảm giác “chùn chân”. Vì vậy, tạo ra môi trường xanh, bệnh viện thân thiện là điều mà đội ngũ cán bộ ở đây hướng đến. Bản thân ông Hồng cũng là người rất yêu cây cảnh, đam mê không gian xanh. Ông chú tâm góp nhặt kinh nghiệm trồng cây cảnh ở nhiều nơi để về áp dụng tại cơ quan. Dần dần, cách bố trí, sắp xếp cây xanh trong bệnh viện không chỉ tạo nên không gian xanh mà còn hướng đến tính nghệ thuật cao.

Không gian xanh tại bệnh viện là nơi giúp người bệnh thư giãn, nghỉ ngơi. Ảnh: B.T.T.M
Không gian xanh tại bệnh viện là nơi giúp người bệnh thư giãn, nghỉ ngơi. Ảnh: B.T.T.M

Trung tâm Y tế huyện Núi Thành đón khoảng 250 lượt người bệnh đến khám và điều trị ngoại trú mỗi ngày. Từ những ngày đầu thành lập, trung tâm đã tập trung vào việc trồng các loại cây, hoa tạo ra mảng xanh trong không gian điều trị. Hiện nay, khoảng không trung tâm cũng được bao phủ bởi sanh, lim xanh, sầu đông, xà cừ, các bồn hoa, cây cảnh đặt ở các căn phòng, lối đi. Ông Phạm Công Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế cho biết, khoảng không gian xanh có được hiện nay là kết quả của tâm sức, tự lực của toàn bộ anh em cán bộ công nhân viên tại trung tâm, đặc biệt là của Đoàn thanh niên trong đơn vị. Vừa rồi, trung tâm đã tiến hành trồng vườn cây keo lá tràm rộng khoảng 2.400m2 trong khuôn viên gần 6.000m2 để sớm cho bóng mát. Ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), con đường chạy dài từ cổng vào khu chính được bao phủ bởi màu vàng - xanh của những cây vạn thọ. Ngoài những loại cây lâu năm, cây ăn quả còn xuất hiện màu xanh từ những loại rau quả như: bí, bầu, cà tím, rau muống, rau lang, rau cải và các loại cây chữa bệnh trong vườn thuốc nam. Ông Nguyễn Xuân Hậu - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, ngoài việc điều trị bằng thuốc, trung tâm còn hướng tới “điều trị” bằng môi trường sạch sẽ, sinh thái. Môi trường xanh bây giờ ngoài công sức của nhân viên trong cơ quan, còn có sự chung tay, góp sức của các đối tượng đang điều trị tại đây.

Liệu pháp điều trị

Để người bệnh tự tay trồng rau, trồng hoa tạo ra không gian xanh là một trong những cách rèn luyện, bài tập giúp người bệnh phục hồi chức năng, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi dịp đầu năm, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần đều phát động Tết trồng cây, quét vôi gốc cây, phủ xanh những khoảnh đất trống. Hàng ngày, cán bộ ở đây trực tiếp hướng dẫn người bệnh chăm sóc, trồng tưới, chăm bón cây xanh. Bà Lê Thị Ánh - hộ lý tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần chia sẻ, đất tại trung tâm trước đây là vùng nghĩa địa, khô cằn. Ban đầu, trung tâm trồng cây lấy bóng mát, sau đó trồng thêm các loại cây ăn quả, cây cảnh, rau xanh. Trồng rau xanh vừa là phương pháp phục hồi chức năng vừa để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho người bệnh. Bên trong trung tâm còn có khu chăn nuôi heo, bò để lấy phân trồng cây. Những ngày đầu chưa có bóng cây, người bệnh không tránh khỏi mệt mỏi lúc trời oi bức. Giờ đây, khi bóng cây tỏa mát thì người bệnh có thể được hít thở không khí trong lành, cơ thể cũng khỏe khoắn, dễ chịu, sức khỏe cũng có điều kiện nhanh hồi phục hơn. Bóng mát cây xanh còn trở thành nơi vui chơi, sinh hoạt văn nghệ cho người bệnh hàng ngày và mỗi khi có đoàn khách đến thăm. Bà Ánh nói thêm, bản thân bà và những người làm việc ở đây xem những tán bóng cây như “mái nhà xanh” che chắn, giúp xua tan cảm giác mệt mỏi mỗi khi đi làm.

Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, có những khoảng không gian xanh được bố trí sát bên các buồng bệnh. Nó thay thế cho những mảng bê tông, những bức tường khô cứng giúp người bệnh cảm thấy thư giãn, thoải mái khi ra nhìn cảnh vật bên ngoài. Phân khu này trồng những loại cây quen thuộc như cây cau ở 4 góc, cây mai ở chính giữa, cây chuối ở hướng tây che mát tạo cho người bệnh cảm giác quen thuộc, gần gũi như ở nhà. Đây cũng là khoảng không giúp người nhà người bệnh có chỗ thư giãn, nghỉ ngơi. Ông Trần Vĩnh Hùng (50 tuổi) đang điều trị tại bệnh viện chia sẻ, sống ở nhà, ông đã quen với không khí thoáng đãng, mát mẻ có cây xanh. Trong thời gian vào nhập viện, cũng nhờ những bóng cây mà ông có thể mắc võng nằm nghe một bài hát trên đài hay ngồi đọc một cuốn sách, trong người cũng cảm thấy khỏe hơn.

BÙI THỊ THANH MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không gian xanh trong bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO