Không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư

TRỊNH DŨNG 04/01/2017 12:34

Kế hoạch giải ngân 100% kế hoạch vốn đã bố trí cho đầu tư phát triển năm 2016 đã không thể thực hiện được khi chỉ đạt đến 80%.

Giải phóng mặt bằng chậm là một trong những viện dẫn cho lý do không thể hoàn thành tiến độ giải ngân. Ảnh: T.D
Giải phóng mặt bằng chậm là một trong những viện dẫn cho lý do không thể hoàn thành tiến độ giải ngân. Ảnh: T.D

Không sử dụng hết vốn

Các chủ đầu tư cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2016 nhưng vẫn không thể thực hiện. Chính quyền Quảng Nam đã liên tục thúc giục ngay từ tháng 7.2016, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý, các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, nhất là các công trình trọng điểm, tổ chức nghiệm thu, lập thủ tục giải ngân vốn đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Chính quyền đã kiên quyết không gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng đối với các dự án do chậm giải phóng mặt bằng, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư liên quan thực hiện việc điều chuyển vốn với các dự án không thể giải ngân hết vốn sang thanh toán cho các dự án khác có nhu cầu vốn thanh toán khối lượng hoàn thành trong nội bộ ngành, lĩnh vực và nội bộ đơn vị quản lý. Song, nỗ lực của chính quyền và chủ đầu tư không “đủ sức” để hoàn thành tỷ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư.

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến ngày 30.12.2016, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và các chương trình mục tiêu mới chỉ đạt 80% kế hoạch vốn. Tính cùng thời điểm kết sổ, tỷ lệ giải ngân này thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước (81,6%) và thấp xa so với năm 2015 (87%). Danh sách dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0% hiện vẫn đầy trên các văn bản. Cụ thể như dự án như Bệnh viện Đa khoa miền núi phía bắc, Bệnh viện Tâm thần, dự án cắm mốc ranh giới lâm phận Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, lâm phận rừng phòng hộ A Vương, rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, quy hoạch phát triển điện lực Quảng Nam, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Quảng Nam, đường ô tô lâm nghiệp, tôn tạo di tích Lai Viễn Kiều… Không có địa phương nào trong 18 huyện, thành phố, thị xã đạt tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch vốn, thậm chí Núi Thành mới chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 34% kế hoạch vốn.

Tại cơ chế, chủ đầu tư hay nhà thầu?

Không chỉ các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý cũng đã viện dẫn do cơ chế, chính sách quá nhiều thay đổi và năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện các luật đầu tư công, xây dựng, đấu thầu cùng các nghị định khác… đã khiến địa phương lúng túng khi triển khai thực hiện, khiến tốc độ giải ngân chậm hơn dự kiến. Trong cuộc kiểm tra, giám sát đầu tư tại Quảng Nam của Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Bá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT nói, sự thay đổi các ban quản lý từ quan hệ hành chính sang quan hệ hợp đồng nên thiếu sức mạnh điều hành để đẩy nhanh tiến trình giải phóng mặt bằng. Còn thủ tục đầu tư, thẩm định dự án quá rườm rà, dự án nhỏ lớn gì cũng phải đấu thầu, chuyển lòng vòng qua các sở chuyên ngành. Chỉ làm một con đường cho dân đi có thể hoàn thành trong một tuần lại phải mất đến 3 tháng làm thủ tục xây dựng mới xong. Thủ tục đầu tư phức tạp. Cái gì cũng mang ra trung ương thẩm định. Không xác định nguồn, không hướng dẫn phân bổ nguồn lực thì làm sao giải ngân? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cũng đã xác nhận điều bức xúc của ông Nghĩa là có thật khi cho rằng thực tế vận hành các đạo luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quản lý ngân sách, đấu thầu quá nhiều bất cập, đã cản trở tiến trình phát triển.

Tình trạng không xài hết vốn đầu tư năm nào cũng xảy ra. Trừ sự bất lợi của thời tiết, con người không thể kiểm soát được thì 3 yếu tố quyết định cho việc giải ngân nhanh hay chậm là kế hoạch phân bổ sớm, các ban quản lý, chủ đầu tư chuyên nghiệp, điều tiết, điều chỉnh kịp thời tiến độ giải ngân đều nằm trong khả năng điều hành của cơ quan quản lý, chủ đầu tư. Nhưng, chính “sự cố” năm nào cũng xuất hiện khiến không thể không đặt lên bàn nghị sự câu hỏi là tại cơ chế, chính sách hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu? Tại sao địa phương nào cũng muốn có những dự án đầu tư để làm vốn mồi, kích thích doanh nghiệp vào đầu tư hay những dự án phát triển hạ tầng an sinh xã hội để tạo động lực phát triển nhưng khi đã có dự án thì không nhanh chóng thực hiện, giải ngân kịp thời?

Công luận không thể hiểu tại sao chính quyền, cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, lẫn “kêu gọi” giải ngân, kể cả những mệnh lệnh hành chính, kèm theo các chế tài cho người đứng đầu chịu trách nhiệm, nhưng nhiều năm qua không thể chữa dứt “cơn bệnh” không sử dụng hết vốn đầu tư. Thực sự, không một ai mong chuyện quy trách nhiệm cá nhân để kỷ luật một ai đó vì để mất vốn mà vấn đề là chấn chỉnh bộ máy bởi chủ đầu tư, ban quản lý dự án, không ai ngoài các sở, ban, ngành chính quyền địa phương. Thế nhưng những đại diện chủ đầu tư (tức lãnh đạo của địa phương, sở, ban, ngành) sẽ nghĩ gì và ứng xử như thế nào trước đơn vị mình điều hành bị điều chuyển hay mất vốn, đồng nghĩa với không có vốn để xây dựng những dự án đầu tư, góp phần phát triển địa phương? Nếu một khi thấy rõ được trách nhiệm trong việc xử lý vốn đầu tư hay hiệu quả của các dự án, thấy được quyền tự quyết giải ngân trong tay mình, chắc chắn sẽ không còn một ai biện bạch với đủ lý do cho chuyện không thể giải ngân.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO