Không khí trong tiết học văn

TIÊU ĐÌNH 11/06/2016 09:03

Mỗi môn học đều cần một không khí học tập riêng chứ không hẳn chỉ có môn văn. Đây được xem là môi trường sư phạm giúp học sinh “có trớn” để “nhập vai”, dễ dàng hòa vào nội dung dạy và học. Người thầy giỏi tạo dựng được không khí môn học sẽ giúp học sinh hưng phấn học tập, góp phần nâng cao hiệu quả tiết dạy. Ngược lại, trong một tiết dạy mà thiếu mất “không khí chuyên đề” này thì chẳng khác nào vừa lướt mạng vừa tiếp thu giáo lý, khó mà đắm mình sâu vào không gian học tập được. Khi dự giờ thăm lớp nhiều giáo viên dạy văn, chúng tôi đã nhận ra sự thất bại ngay từ đầu chỉ bởi một không khí học văn như học toán, đạo đức, hay lịch sử…

Không khí học văn nói trên mấu chốt nằm ở đâu, và được tạo dựng bằng cách nào?

Dạy và học là hoạt động hô ứng tương tác giữa giáo viên và học sinh thông qua một môi trường cởi mở. Thầy một nơi, trò một ngả thì không thể nói là tương tác được. Vì vậy, trước hết người thầy phải biết cách dẫn dắt học sinh vào thế giới cần có của mình. Cụ thể, trong một tiết học văn là phần dẫn nhập để đưa học sinh vào không gian tác phẩm. Sách giáo khoa gọi đó là phần tìm hiểu chung, bao gồm những gợi mở ban đầu để học sinh tiếp cận tổng quát với tác giả, tác phẩm văn học. Nhiều giáo viên đã bị lỗi coi thường bước 1 tưởng chừng đơn giản này, nhưng cũng không ít giáo viên rất “có nghề” trong việc thu hút học sinh ngay từ “phút ban đầu lưu luyến ấy” bằng phương pháp kể chuyện, đối sánh, gợi mở… hết sức bất ngờ và thú vị. Thả được “bùa mê” rồi thì muốn dìu dẫn các em đến đâu cũng không khó. Mấy cán bộ thanh tra kinh nghiệm thường đùa với nhau rằng: “Chỉ cần ớ lên một tiếng là đã biết ngay con hát đó giỏi hay dỏm”. Ấy là nói cái bước đầu tạo dựng một không khí văn học thông qua tài dẫn nhập của người thầy.

Sau bước khởi động để lấy đà ấy, không khí văn học phải được đẩy lên cao bằng sự gợi mở tư duy liên tưởng, tưởng tượng vốn là đặc trưng của tư duy văn học. Từ đó, dẫn dắt học sinh đi sâu vào những điểm nhấn văn học, thường được gọi là điểm sáng thẩm mỹ. Không khí văn học sẽ không thể tạo dựng được, hoặc mờ nhạt dần khi người thầy cứ đều đều “tụng kinh gõ mõ”, cái biết rồi nói lặp mãi, trọng tâm cần nói không nêu bật được. Thực ra thì chỉ cần gây được ấn tượng “suốt đời khó quên” đối với học sinh về một vài chi tiết nội dung, nghệ thuật của tác phẩm là đủ rồi, không nhất thiết phải ôm đồm quá nhiều vấn đề. Để hỗ trợ cho những nội dung bình giảng gây được không khí văn học, người thầy cần phải hết sức linh hoạt về phương pháp giảng dạy. Phương pháp tối ưu ở đây là không tuyệt đối trung thành với một phương pháp nào. Sự linh hoạt có thể giúp thầy giáo thích ứng giữa hoàn cảnh thực tế với tâm sinh lý học sinh. Cùng một bài dạy, có thể khác về cách dạy ở đầu buổi so với cuối buổi, ở lớp A so với lớp B…

Tạo dựng được không khí văn học trong tiết học văn đã khó, nhưng duy trì không khí đó trong suốt tiết dạy lại càng khó hơn nữa. Chỉ cần một chút lơ đễnh từ phía người dạy hoặc người học là không khí sẽ loãng đi, mất công dựng lại từ đầu. Nhiều thầy giáo sau phần giảng bình rất có không khí văn học thì đã vội thở phào nhẹ nhõm thoát ra bằng những ý tổng kết chỉ mang tính “tóm lại” vốn không phải là mới. Như thế chưa ổn, cần phải có cách kết mở gợi nhiều suy tưởng và khả năng cảm thụ, vận dụng văn học vào đời sống đối với học sinh. Nhiều khi, ra khỏi lớp học rồi mà không khí văn học ấy vẫn kéo dài theo ta, để tiếp tục vui buồn một mình, tư duy một mình, thường gọi đó là “không khí hậu văn học”.

Đối với học văn, cái để thi có thể thuộc rồi quên. Còn cái lưu ấn tượng một đời chỉ có thể tạo dựng và duy trì lâu bền từ một không khí thật sự văn học.

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không khí trong tiết học văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO