Không lẽ chỉ tại không có cầu?

TRUNG VIỆT 26/12/2013 13:35

Xã  Cẩm Kim như đứa con “lạc loài” của Hội An, chỉ vì nằm bên kia sông, muốn qua đó, phải đi đò.

Người ta đi du lịch Hội An, nếu có thời gian, thì sẽ đi Cù Lao Chàm chứ ít khi chọn Cẩm Kim,  lý do sao thì hẳn mọi người đã biết. Tôi vẫn nghĩ cách trở đò giang, vùng trũng cứ nước báo động một là ngập, lại thiếu thủy lợi, một năm chỉ làm một vụ lúa, dịch vụ thì èo uột… khiến người ở đây mặc cảm nhiều khi nhìn qua phố cổ như nhà hàng nổi trên không. “Không anh - từ xưa đến giờ y như rứa thì mặc cảm chi” - anh Nguyễn Đức Hùng, cán bộ văn phòng ủy ban xã trả lời. Trận lụt vừa qua, nước lút đầu. Trụ sở xã, dấu bùn non chỉ rõ hơn 1m. Chủ tịch UBND xã Phan Trọng Nhân nói: “Một năm, phải chạy dọn lụt hai tháng”. Làm lúa một vụ, còn lại làm rau, bắp. “Lụt làm nhà em mất trắng 10 triệu đồng, vì bắp và cải như hết, chứ không bán cũng được chừng đó. Còn đó, ruộng trước nhà chỉ  làm được một vụ thôi, vì không thủy lợi, đất lại xấu”- chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Trung Châu nói.  Làm rau, bắp vụ đông, ai làm sớm, là lời nhiều, nhưng nói như anh Hùng,  thời điểm đó lại trùng mùa lụt, nên như… đánh bạc với trời.

Khách tham quan tại Cẩm Kim. Người dân chẳng hưởng lợi được nhiều từ du lịch.                          Ảnh: T.VIỆT
Khách tham quan tại Cẩm Kim. Người dân chẳng hưởng lợi được nhiều từ du lịch. Ảnh: T.VIỆT

Cẩm Kim có mộc Kim Bồng nổi tiếng. Nhưng tôi ngạc nhiên khi nghe cán bộ xã nói không có bán vé tham quan. Theo anh Nhân chủ tịch, khách du lịch mua tour trọn vé bên phố cổ bán, đây chỉ là điểm đến. Lẽ ra, nên trích phần trăm lại cho địa phương, nhưng đằng này là ít ỏi, thậm chí không có. Không có sự kích thích hiệu quả, nên người dân không dám đầu tư cho dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng, các điểm tham quan. Chủ cơ sở mộc Hoàng Châu ngay tại bến đò Cẩm Kim, nói: “Bán vé thì không ai thèm ghé”. Xã không có thuyền du lịch.  Bà  Nguyễn Thị Quân (thôn Trung Châu) làm bánh tráng phục vụ khách du lịch, cho biết, mỗi lần có khách đến yêu cầu xem tráng bánh, bà được trả 2.000 đồng/người. “Không mua nổi một ổ bánh mì” - bà nói.   Y tế, giáo dục cũng chịu cảnh không có cầu, mưa lũ  là lo thắt ruột chuyện học sinh qua đò, giáo viên thì phần lớn ở bên phố, họ không qua được thì học sinh bên này nghỉ.  Cẩm Kim đâu chỉ là chuyện dân trong xã, vì bí bách làm ăn mà phải đầu tư, buôn bán qua hết bên phố. Nơi đây trở thành điểm trung chuyển của dân các xã vùng đông Duy Xuyên sang Hội An  sinh hoạt, làm ăn. Ngay cả chợ xã bây giờ cũng đã quá tải. Thế nhưng, như năm 2013, thu dịch vụ, ngành nghề của xã chỉ là 158 triệu đồng.

Chính quyền Hội An đã đầu tư rất nhiều, đi kèm các chính sách hỗ trợ cho vùng “trũng” này. Tuy nhiên, gian khó vẫn chất chồng. Từ phố qua đây chỉ 1km đường sông. “Tôi kiến nghị làm cầu đã lâu, nhưng không có ngân sách. Không có cầu, mọi  ý định vực dậy sinh kế,  tinh thần đều trở ngại. Nhưng tôi vẫn muốn giữ Cẩm Kim làm thuần nông, nông thôn trong phố” - Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự nói. Biết đến bao giờ mới có cầu. “Không có cầu không có nghĩa là chịu đựng như thế, phải tìm cách bứt lên” - ông Nhân nói. Và câu chuyện tự bứt phá của Cẩm Kim, xem ra không chỉ mình họ xoay xở. Chính quyền thành phố, nhất là những người có trách nhiệm mảng du lịch - dịch vụ, cần xem lại cơ chế hỗ trợ cho xã.  Chỉ khi nào có sự hợp tác thiện chí,  giúp đỡ và nói thẳng ra là phải chia bớt “miếng bánh” du lịch, đem lại lợi nhuận cho người dân, thì lúc đó mới nói chuyện họ hồ hởi làm du lịch cộng đồng.

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không lẽ chỉ tại không có cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO