(QNO) - Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trong phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư (khóa XXII) diễn ra sáng nay 2.7.
Sau các phiên thảo luận tại tổ và thảo luận chung tại hội trường, hội nghị đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết và một kết luận, bao gồm Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng tây của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi
Thảo luận tại tổ và thảo luận chung tại hội trường, nhiều ý kiến dành sự quan tâm phân tích, đánh giá về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 05 ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Tựu trung các ý kiến đều cho rằng, Nghị quyết 05 đã có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó, nhóm dự án sắp xếp dân cư có tác dụng rất tích cực, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.
Và việc xem xét ban hành một nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội miền núi ở giai đoạn mới là hết sức cần thiết, phù hợp. Chia sẻ với trăn trở của nhiều đại biểu đối với sự phát triển bền vững của miền núi, nhất là công tác giảm nghèo bền vững, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng: Vấn đề cốt lõi, mang tính căn cơ, cả ở trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi là phải giải quyết được việc làm cho lao động miền núi. Người dân trong độ tuổi lao động nếu được đào tạo nghề và có việc làm ổn định thì việc giảm nghèo bền vững ở miền núi sẽ thành công.
Đồng chí Lê Văn Dũng nói: “Cơ chế kêu gọi các công ty, xí nghiệp đầu tư vào miền núi của Nghị quyết 05 không hiệu quả. Chính vì vậy, bây giờ tỉnh cần suy nghĩ để có những cơ chế mạnh hơn, đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi.
Ví dụ thu hút doanh nghiệp may mặc đầu tư vào địa bàn miền núi thì tỉnh sẽ hỗ trợ về mặt bằng và các điều kiện khác như thế nào để người ta có thể đầu tư vào, tham gia giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương”.
Giải trình làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết 05, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đồng tình với quan điểm nên có nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Theo ông Quang, tỉnh đã có chủ trương các khu công nghiệp lớn ở đồng bằng chỉ thu hút những dự án sử dụng ít đất, có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao còn những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thì sẽ chuyển dần thu hút đến các địa phương khác, nghiêng về miền núi.
“Tỉnh sẽ điều chỉnh cơ sở hỗ trợ các cụm công nghiệp hiện nay, trong đó, ưu tiên cho các cụm công nghiệp ở miền núi. Để cùng với chính sách đào tạo nghề hiện nay, giúp cho lao động miền núi có việc làm tại chỗ, có thu nhập ổn định, “an cư lạc nghiệp”.
Chú trọng khâu gắn sản xuất với chế biến, các địa phương miền núi cần sớm tiếp xúc với Công ty CP Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (Trường Hải) để xây dựng hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho nhà máy này…” – ông Quang phát biểu.
Thích nghi với tình hình mới
Phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá: 6 tháng qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có bước khởi sắc, tốc độ tăng trưởng cao 11,7% so với cùng kỳ năm 2020 – Quảng Nam là một trong 9 tỉnh có tốc độ tăng trưởng hai con số và đứng thứ 5 của cả nước, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; thu ngân sách địa phương đạt 10.557 tỷ đồng, đạt 65,8% kế hoạch…
"Song chúng ta không được chủ quan, ỷ lại, tiếp tục duy trì cấp độ phòng chống dịch như thời gian vừa qua và phải nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của năm. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm đã khẳng định rằng chúng ta đã thích nghi, có khả năng chống chịu và phục hồi của nền kinh tế tỉnh nhà” – Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường bày tỏ.
Nêu ra những mặt còn hạn chế, khó khăn mà toàn tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt từ nay đến cuối năm, như vấn đề giải phóng mặt bằng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói: Chưa lúc nào Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuộc quyết liệt trong công tác này, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã thành lập các tổ đi khảo sát tận hiện trường, làm việc với các bên liên quan để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án lớn của tỉnh… Chính quyền phải làm hết trách nhiệm, các vấn đề liên quan phải công khai minh bạch, không buông lỏng công tác quản lý đất đai, xây dựng, quyết tâm lập lại kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực này.
Quảng Nam là một trong những tỉnh chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công do công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở, ngành phải tổng rà soát tất cả các tồn tại, những gì vướng thì báo cáo lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xin ý kiến, kiến nghị cấp thẩm quyền để có hướng giải quyết. Từ nay đến cuối năm phải tập trung giải quyết các tồn tại kéo dài.
“Các cấp ủy, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là tiến hành rà soát các chỉ tiêu đạt thấp để có biện pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021” – Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.