Không lơ là việc đồng áng

TƯ RUỘNG 24/02/2015 12:35

Sáng 30 tết, lên xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên mua buồng chuối mốc về cúng gia tiên, Tư tôi tình cờ thấy anh Sáu Trà Châu đang lom khom gỡ bẫy chuột trên ruộng lúa. Anh Sáu nói: “Vụ đông xuân năm nay vợ chồng tui gieo sạ cả thảy 7 sào lúa. Bây giờ, toàn bộ diện tích này đang trong thời kỳ đẻ nhánh tập trung. Tuy nhiên, những ngày gần đây chuột xuất hiện rất nhiều, cắn trụi từng vạt lúa non. Vì thế, dù tết đã sát bên lưng nhưng tui vẫn phải vác cuốc ra đồng đào phá hang và đặt bẫy tiêu diệt chuột chứ nếu lơ là thì năng suất lúa chắc chắn tụt giảm mạnh”.

Chiều mùng 2 tết, trên những cánh đồng lúa xanh rì thuộc vùng đông huyện Quế Sơn, đâu cũng rộn rã tiếng nói cười của nông dân. Vừa ôm bao phân lớn từ trên yên xe máy bỏ xuống bờ ruộng, chú Ba Mông Lãnh vừa nói: “Ăn tết thì ăn, chơi tết thì chơi nhưng nhà nông tụi tui không dám bỏ bê ruộng đồng. Bởi, thời điểm này các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát và gây hại trên diện rộng. Hơn nữa, cây lúa lại đang cần bón thúc phân để sinh trưởng mạnh”. Chú Ba Mông Lãnh cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây vụ đông xuân nào gia đình chú cũng liên kết với Công ty CP Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam tổ chức sản xuất 10 sào giống lúa lai Nhị ưu 838. Theo chú Ba, nhờ sản lượng giống lúa đạt khá, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm với mức giá quy đổi tương đối cao nên sau khi trừ mọi chi phí đầu tư thì bình quân 1 sào đất canh tác giống lúa lai Nhị ưu 838 cho lãi ròng ít nhất 4 triệu đồng. Chú Ba phấn khởi: “Nếu so với làm lúa thương phẩm thì sản xuất giống lúa hàng hóa cho giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần. Hiện nay, tất cả những chân ruộng canh tác giống lúa lai của tui đều phát triển rất tốt, hy vọng hơn 2 tháng nữa sẽ thu về 40 - 43 triệu đồng tiền lời từ 10 sào đất ấy”.

Sáng mùng 4 tết, dạo chơi ở huyện Đại Lộc, trên nhiều cánh đồng chuyên canh các loại rau đậu và cây công nghiệp ngắn ngày, đâu Tư tôi cũng thấy bóng dáng nông dân. Nhìn những ruộng bắp lai và ớt xanh mơn mởn, chị Bảy Đại Nghĩa hồ hởi: “Hơn 10 năm qua vụ nào 2 loại cây trồng cạn chủ lực này cũng cho năng suất cao. Nói chú Tư mi mừng, chỉ riêng năm Giáp Ngọ vừa rồi vợ chồng tui kiếm không dưới 30 triệu đồng tiền lãi từ việc canh tác cây ớt và bắp trên 5 sào đất màu”. Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, thời gian qua nhờ tập trung đẩy mạnh việc liên doanh liên kết, chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng và chú trọng đầu tư thi công hạ tầng thủy lợi nên nông dân trên địa bàn Đại Lộc đã hình thành được hàng loạt mô hình sản xuất cây trồng cạn theo hướng hàng hóa tập trung với tổng diện tích xấp xỉ 3.000ha đất. Bình quân mỗi năm 1ha cho giá trị khoảng 80 - 200 triệu đồng.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không lơ là việc đồng áng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO