Không lơ là với dịch bệnh

ĐÔNG YÊN 11/07/2022 11:17

(QNO) - Ngành y tế và các địa phương vừa tập trung kiểm soát dịch sốt xuất huyết đang hoành hành vừa phòng chống Covid-19 có biến chủng mới, bệnh đậu mùa khỉ và nhiều bệnh khác...

Ngành y tế TX.Điện Bàn tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường ở các ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Đ.Y
Ngành y tế thị xã Điện Bàn tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường ở các ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Đ.Y

Dập dịch sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hiến – Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, từ đầu năm đến nay, Điện Bàn có 279 ca mắc sốt xuất huyết tập trung ở xã Điện Phong, các phường Điện Ngọc, Điện Nam Đông… Số ca sốt xuất huyết tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 với 11 điểm dịch. Ngoài ra, địa phương này còn có 83 ca mắc bệnh tay chân miệng.

“Nguyên nhân sốt xuất huyết tăng chủ yếu do sự chủ quan trong vệ sinh môi trường sống của người dân. Đến nay, dịch bệnh này cơ bản được kiểm soát khi chúng tôi đã xử lý 11/11 ổ dịch và thông báo cho các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền qua truyền thanh về các biện pháp phòng ngừa, tham mưu UBND thị xã về công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh” – bác sĩ Hiến nói.

Trong khi đó tại Núi Thành, tính đến 5.7, có 205 ca mắc, ở 16/17 xã, thị trấn, trong đó có 19 điểm dịch đã được xử lý theo quy định là 2 lần/điểm dịch. Vì thế, Trung tâm Y tế huyện Núi Thành đang tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện chỉ đạo quyết liệt, không chủ quan với các loại dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ…

Bác sĩ Lê Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành chia sẻ: “Đơn vị chú trọng tuyên truyền sâu rộng, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp chống dịch nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân đối với dịch sốt xuất huyết cũng như các loại dịch bệnh khác. Đồng thời, chúng tôi cũng đề xuất cần ổn định nhân lực y tế cả tuyến xã, tuyến huyện vì còn khá mỏng; đầu tư hệ thống loa truyền thanh cho trạm y tế xã, thị trấn nhằm đáp ứng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân tận cơ sở”.

Biểu đồ phân bố sốt xuất huyết theo tuần năm 2022 so với cùng kỳ và so với đường cong dịch 5 năm gần nhất. Ảnh: Đ.Y
Biểu đồ phân bố sốt xuất huyết theo tuần năm 2022 so với cùng kỳ và so với trung bình 5 năm 2017-2021. Ảnh: Đ.Y

Sở Y tế đang tổ chức giám sát vệ sinh môi trường, giám sát côn trùng tại các điểm dịch và nơi phát hiện có ca bệnh sốt xuất huyết tại cả 3 tuyến xã, huyện, tỉnh. Y tế tuyến huyện đã tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực 85 điểm dịch trên địa bàn tỉnh, diệt lăng quăng, bọ gậy ở 151/241 xã.

Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười nói: "Hiện Sở Y tế đang yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích diệt lăng quăng tuyến tổ, thôn, nóc hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBND cấp xã để triển khai các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng”.

Theo Sở Y tế, tính đến ngày 3.7, Quảng Nam đã ghi nhận 2.499 ca mắc sốt xuất huyết tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố, nhiều nhất ở huyện Thăng Bình, Núi Thành, TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bà. Trong đó có 96 ca dấu hiệu cảnh báo, 4 ca nặng và chưa có ca tử vong. Số ca bệnh chưa có xu hướng giảm. 

Hiện nay thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi và bọ gậy phát triển nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh ra nhiều địa phương rất cao.

[VIDEO] - Phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết:

Ứng phó trước biến chủng mới của Covid-19

Bác sĩ Lê Văn Tiến cho biết, Núi Thành vẫn đang triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Trong đó, chú trọng xây dựng các phương án dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất..., sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống dịch khi có yêu cầu.

Riêng về tiêm vắc xin, số đối tượng từ 18 tuổi trở lên Núi Thành có 112.033 người đã tiêm mũi 1, đạt 100,9%; số người đã tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 96,5%; số người tiêm mũi 3: 72.793, tỷ lệ 65,6%; số người tiêm mũi 4: 1.516, tỷ lệ 1,4%. Về tình hình vắc xin, hiện Núi Thành tồn kho còn hạn sử dụng là 16.901 liều, trong đó, Pfizer 2.181 liều, hạn dùng 31.7, Abdala 14.720 liều, hạn dùng 30.9.

Trong khi đó, số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm mũi 1 là 2.726 trẻ/tổng số 16.673 chỉ đạt 16,3%; 456 trẻ đã tiêm mũi 2, đạt 2,7%. Lý do tiêm đạt thấp là nhiều phụ huynh không đồng ý tiêm, nhiều trẻ mới mắc Covid-19 chưa qua 3 tháng.

Đẩy mạnh độ bao phủ của vắc xin ngừa Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng để phòng chống dịch bệnh này trong tình hình mới. Ảnh: Đ.Y
Đẩy mạnh độ bao phủ của vắc xin ngừa Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng để phòng chống dịch bệnh này trong tình hình mới. Ảnh: Đ.Y

Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười cho biết, từ ngày 10.4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.931 ca mắc Covid-19. Số ca mắc giảm mạnh từ đầu tháng 5.2022 đến nay, mỗi ngày ghi nhận rải rác từ 1 - 10 ca mắc mới. Hiện trên thế giới, nhiều nước đã gia tăng ca mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron.

“Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn ở nước ta. Vì vậy, tiêm vắc xin là một trong những cách hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh này" - bác sĩ Mai Văn Mười lưu ý. 

Đến ngày 6.7, Quảng Nam có 1.080.516 người đã tiêm đủ liều cơ bản, đạt tỷ lệ 99,2% số người cần tiêm;  884.205 người đã tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ 81,3. Trong đó có 3 địa phương dẫn đầu tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 gồm Tam Kỳ (61,4%), Đông Giang (60,8%), Nông Sơn (58,9%); các huyện có tỷ lệ tiêm thấp là Nam Trà My (21,3%); Bắc Trà My (28,5%); Núi Thành (30,9%). Đối với trẻ em, trong số 133.495 trẻ từ 12 đến 17 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì đã có 97,7% tiêm đủ mũi cơ bản và 3,8% đã tiêm mũi 3.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không lơ là với dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO