Không mặn mà khai thác mủ cao su

VINH ANH 21/11/2019 10:55

Nhiều diện tích cao su ở các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, Tây Giang đến tuổi thu hoạch mủ nhưng người dân không chịu khai thác khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì buổi làm việc, đối thoại với lãnh đạo Công ty Cao su Nam Giang và người dân vùng cao su. Ảnh: VINH ANH
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì buổi làm việc, đối thoại với lãnh đạo Công ty Cao su Nam Giang và người dân vùng cao su. Ảnh: VINH ANH

“Thích thì làm, không thích thì nghỉ”

Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang (gọi tắt là Công ty Cao su Nam Giang) bắt đầu triển khai dự án trồng cao su từ năm 2008 trên địa bàn 66 thôn thuộc 19 xã của 4 huyện Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My. Đến nay tổng diện tích cao su của công ty hơn 4.570ha; trong đó tại Nam Giang khoảng 1.336ha, Phước Sơn 93,6ha, Tây Giang 2.120ha, Bắc Trà My 1.019ha. Diện tích cao su khai thác mủ của công ty đến nay hơn 977ha.

Theo báo cáo, tại Nông trường Cao su Chà Vàl (Nam Giang), tiền lương bình quân hằng tháng của lao động khai thác mủ năm 2019 khoảng 4,1 triệu đồng/người, nếu khai thác mủ đủ 3 phiên cạo (28 - 30 công/tháng) tiền lương có thể đạt 6 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quyền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Nam Giang, hiện nay tại một số khu vực như Lao Đu (huyện Phước Sơn) 75,5ha, A Vương (Tây Giang) 46ha và thôn 3B (xã Trà Giáp, Bắc Trà My) 73ha, người dân bỏ vườn không khai thác mủ cao su bởi nhiều nguyên nhân như: mùa khai thác mủ trùng với mùa lúa, nương rẫy; người dân đi làm các công việc thời vụ khác để kiếm thêm thu nhập; vườn cây mới đưa vào khai thác lượng mủ cho ra ít dẫn đến thu nhập ban đầu chưa cao; nhiều nơi người dân còn nặng nề về phong tục địa phương kiêng cử không ra vườn 3 - 7 ngày khi trong làng có ma chay, cưới hỏi…

Công nhân Nông trường cao su Chà Vàl phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Công nhân Nông trường cao su Chà Vàl phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Thông tin thêm về tình trạng người dân bỏ vườn không khai thác mủ cao su, ông Nguyễn Bá Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cao su Nam Giang cho biết, cao su ở một số vùng như Lao Đu (Phước Sơn), Trà Giáp (Bắc Trà My) phát triển, sinh trưởng tốt; điều kiện sản xuất thuận lợi không thua gì Chà Vàl, nhưng người dân vẫn không mặn mà tham gia khai thác mủ. Công ty đã phối hợp với địa phương tìm đủ giải pháp để vận động, tuyên truyền, kể cả việc cho cán bộ và người dân đến Chà Vàl tham quan, học tập kinh nghiệm, tuy nhiên thái độ và ý thức làm việc của người dân không thay đổi. “Bà con thích ngày làm ngày nghỉ, làm liên tục không chịu, không muốn ràng buộc… Nhưng khó nỗi, cao su là cây đặc thù, phải khai thác theo quy trình nghiêm ngặt về thời gian cạo mủ mới cho sản lượng tốt và khi đó thu nhập người lao động mới nâng cao” - ông Hùng nói.

Mặt trận, đoàn thể cần vào cuộc

Chậm cấp sổ đỏ đất trồng cao su

Theo Công ty Cao su Nam Giang, công tác đo đạc giải thửa để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) cho các hộ dân có đất tham gia vào dự án trồng cây cao su đại điền hiện còn chậm. Điều này khiến công ty chưa tiến hành thuê quyền sử dụng đất của người dân, cho dù đến nay công  ty cơ bản đã hoàn thành việc thống nhất thỏa thuận với người dân về đơn giá, thời gian và hình thức thuê. Công ty Cao su Nam Giang cho biết đang triển khai phương án sử dụng lao động, phương án dồn điền đổi thửa đối với diện tích cao su nhỏ lẻ, manh mún để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời bố trí lại nhân lực đối với diện tích không có người lao động trong độ tuổi. Sau này người có đất sẽ hưởng tiền thuê đất, còn người lao động hưởng lương theo sản phẩm. Nếu người lao động tham giao lao động hiệu quả thì định mức lương cao, nếu vi phạm quy trình kỷ luật thì bị giảm lương và nếu vi phạm nhiều lần thì công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động và thu hồi lại vườn cây giao cho người khác.(V.ANH)

Thực hiện Công văn 2329-CV/TU ngày 29.10.2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lao động sản xuất góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đoàn công tác của tỉnh gồm đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh do Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực địa, làm việc với lãnh đạo Công ty Cao su Nam Giang và các công nhân, hộ nhận khoán thuộc Nông trường Cao su Chà Vàl (Nam Giang). Dự buổi làm việc có lãnh đạo Mặt trận, đoàn thể các địa phương có cây cao su gồm Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My.

Tại buổi làm việc, đại diện Mặt trận, đoàn thể ở các địa phương có tình trạng người dân không mặn mà khai thác cao su cho rằng, thông tin về hoạt động sản xuất và tình hình phát triển cây cao su ở địa phương đến với hệ thống Mặt trận, đoàn thể rất hạn chế khiến công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa hiệu quả. “Ở địa phương, cho dù chúng tôi có nhìn thấy thực trạng đó, nhưng do thiếu thông tin cơ bản từ phía công ty nên muốn tuyên truyền, vận động cũng không biết nói cái gì cho dân hiểu, dân tin” - ông Clâu Hạnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang chia sẻ. Còn bà Nguyễn Thị Minh Thư - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My đề nghị phía công ty cao su cần trao đổi thông tin qua lại về tình hình phát triển cao su với kênh Mặt trận, đoàn thể ở địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca đề nghị hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể ở các địa phương bằng những thông tin nắm bắt được phải sớm vào cuộc cùng công ty và các nông trường tháo gỡ khó khăn, vận động dân tham gia khai thác mủ cao su. “Vận động thay đổi phong tục tập quán lao động sản xuất ở đồng bào dân tộc thiểu số, không kiên trì thì rất khó thành công. Việc này nếu để một mình công ty, nông trường cao su tự “bơi” thì càng khó. Vì vậy, đề nghị Dân vận, Mặt trận, Nông dân, Phụ nữ… phải vào cuộc với một chương trình cụ thể, kiên trì để vận động nhân dân. Khi nhiều cơ quan cùng vào cuộc, tôi nghĩ sẽ có sự chuyển biến. Mình giúp công ty cũng là giúp bà con nhân dân có thu nhập và cuộc sống ổn định” - ông Ca nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không mặn mà khai thác mủ cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO