Không ngừng sáng tạo

DIỄM LỆ 07/06/2018 13:30

Họ là những người thầy hàng ngày tận tụy truyền đạt kiến thức về nghề cho học trò; họ là những công nhân lao động ngày đêm miệt mài trong công xưởng để tạo ra của cải cho xã hội. Không những thế, họ còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đánh giá cao...

Ông Trương Văn Vinh đang giảng dạy trên mô hình thực hành lạnh 4 tiết lưu.
Ông Trương Văn Vinh đang giảng dạy trên mô hình thực hành lạnh 4 tiết lưu.

Sáng kiến của người thầy

Ông Trương Văn Vinh (Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam) cho biết: “Để nâng cao chất lượng dạy và học thực hành trong các trường dạy nghề thì thiết bị và mô hình giảng dạy đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì vậy cần phải đầu tư phát triển các thiết bị, mô hình dạy học. Một  mô hình dạy học thực tế sẽ giúp giảm chi phí đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy. Học sinh nhờ có mô hình mà làm quen với các thiết bị, giúp hiểu được lý thuyết thông qua thực tế. Vì thế, bên cạnh sự động viên của nhà trường, những ý tưởng của tôi đã thành sản phẩm trong thực tế, dạy học cho sinh viên cũng tốt hơn”.

Năm 2013, ông Vinh đã nghiên cứu và làm nên sản phẩm “Mô hình điều hòa không khí qua water chiller”. Lúc đầu, ông Vinh chỉ làm với mục đích giúp cho học sinh có thiết bị để học, cũng là thỏa niềm đam mê sáng tạo. Nhưng không ngờ, sản phẩm này đã đoạt giải Nhất trong Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc. Năm 2016, ông Vinh tiếp tục cho ra đời “Mô hình thực hành lạnh 4 tiết lưu”, vì hiện nay trong chương trình các mô đun môn học của nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí có các bài học cần sử dụng mô hình thực hành lạnh 4 tiết lưu, trong khi điều kiện thiết bị trong nhà trường chưa mua sắm được. Nhờ sự hậu thuẫn của nhà trường, mô hình này đã ra đời với chi phí hơn 22 triệu đồng, tiết kiệm 1/4 chi phí so với mua bên ngoài. Việc sáng tạo không chỉ giúp học sinh thực hành tốt hơn cho tiết học, ra trường tiếp cận với thực tế nhanh hơn, mà còn giúp giáo viên nâng cao tay nghề qua mỗi lần được nghiên cứu sáng tạo.

Năm 2007, vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung đến nay, ông Nguyễn Phú Thạch luôn phát huy vai trò cá nhân, tham gia viết và hiệu chỉnh chương trình các môn học của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong các hội thi thiết kế bài giảng điện tử, hội thi giáo viên dạy giỏi và hội thi thiết bị dạy học tự làm, ông Thạch luôn cùng với đồng nghiệp tham gia bằng chính những sản phẩm họ làm ra, được giảng dạy trong nhà trường. Những thiết bị đã đoạt giải cao tại các hội thi ở tỉnh, toàn quốc như “Phần mềm mô phỏng trạm biến áp”, “Thiết bị mô phỏng rơle bảo vệ trạm biến áp”, “Bộ mô phỏng trạm biến áp 110kV”. Các thiết bị này đều đang được sử dụng giảng dạy hiệu quả trong trường.

Trong các thiết bị nêu trên, ông Thạch tâm đắc nhất với sản phẩm “Bộ mô phỏng trạm biến áp 110kV” do ông cùng đồng nghiệp là giáo viên Trần Duy Linh thực hiện. Ông Thạch cho biết, với sự đầu tư nhiều về trí tuệ và thời gian thiết bị giúp cho việc dạy và học trở nên gắn liền với thực tiễn sản xuất trong ngành điện. Việc dừng cung cấp điện của 1 trạm biến áp 110kV cấp điện cho một thành phố hay khu công nghiệp để thực hiện các bài học các thao tác giả định là điều không thể, vì vậy việc làm ra thiết bị mô phỏng này giúp cho người học thực hiện nhiều thao tác, nhiều giả định hư hỏng để phân tích được nhiều loại sự cố trong thực tế mà không phải ảnh hưởng đến quá trình cung cấp điện. Và xét về mặt kinh tế, hiệu quả mang lại rất lớn, nếu phải dừng việc cung cấp điện thì thiệt hại về mặt kinh tế trong thực tế rất lớn, do đó thiết bị này giúp việc giảng dạy và học tập được thực hiện dễ dàng mà không ảnh hưởng đến việc sản xuất thực tế.

Cho năng suất lao động cao hơn

Trong quá trình làm việc ở phân xưởng 4, Công ty CP Đồng Tâm miền Trung, KCN Điện Nam - Điện Ngọc, khi phát hiện những lỗi của máy móc gây ra, ông Đặng Hữu Cảm luôn nghiên cứu cách làm sao để khắc phục. Cụ thể, thấy máy sản xuất gạch luôn bị bể góc tại vị trí cầu xoay, khiến sản phẩm bị hao hụt nhiều, ông Cảm đã nghiên cứu và cho ra sáng kiến “Cải tạo cầu xoay băng tải dây chuyền tráng men”. Với loại máy này, ông Cảm đã tiết kiệm chi phí cho công ty 288 triệu đồng/năm đối với dòng sản phẩm mà công ty đang sản xuất, bởi gạch không còn bị bể, mẻ góc, nguyên vật liệu không bị hao hụt.

Sáng kiến của ông Đặng Hữu Cảm giúp công ty nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: D.L
Sáng kiến của ông Đặng Hữu Cảm giúp công ty nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: D.L

Sáng tạo thứ hai mà ông Cảm đã tạo ra trong quá trình sản xuất là “gia công xe nâng tay loại càng nhỏ”, tiết kiệm chi phí mỗi năm 173 triệu đồng. Với loại xe này có thể chủ động di chuyển pallet gạch của máy hạ gạch tự động, giảm chi phí nhân công và nguyên liệu. Ông Cảm nói: “Ngoài thị trường vẫn có xe càng tay nhưng không phù hợp với công đoạn sản xuất tại công ty. Tôi lấy ý tưởng từ loại xe lớn, thu nhỏ lại và cải tiến bánh xe để xe di chuyển trong phân xưởng dễ dàng, phù hợp hơn. Khi có sản phẩm này, công ty không cần mua xe điện, tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho công ty. Với tôi, dù làm việc bất cứ ở đâu hay bất kỳ vị trí nào, giúp công ty tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng là giúp bản thân được thỏa sức sáng tạo, tôi thấy vui là làm việc tốt hơn”.

Trải qua nhiều thăng trầm cùng công ty nhưng ông Lê Văn Hòa (Công ty Nhựa miền Trung, KCN Điện Nam - Điện Ngọc) vẫn gắn bó thủy chung. Từ một nhân viên kỹ thuật bình thường, giờ đây ông Hòa đã được tín nhiệm giữ chức Phó phòng Kỹ thuật. Không phụ sự tin tưởng của công ty, ông nghiên cứu, giúp công ty cải tiến thiết bị phục vụ sản xuất. Ông đã cải tiến máy bọc vỏ cáp điện thành máy sản xuất ống xoắn HDPE. Máy móc ở công ty có từ thời làm cáp đồng, nhưng hiện nay không phù hợp với quy trình sản xuất mới. Nếu loại bỏ máy thì lãng phí, vì thế ông Hòa đã nghiên cứu chế tạo lại cho phù hợp. Ông đã chuyển đổi thành công từ máy sản xuất dây điện thành máy sản xuất ống xoắn HDPE. Đây là loại ống phục vụ bọc ngoài cho hệ thống cáp điện, viễn thông đi ngầm trong các khu đô thị, khu công nghiệp, công trình thủy điện, cảng biển, cầu cảng...

Máy đùn dây điện đã có máy cũ nên ông Hòa thiết kế lại hệ thống khuôn, làm mát, làm nguội cho ống nhựa xoắn. Việc cuốn ống nhựa xoắn làm thủ công vất vả, ông Hòa nghiên cứu làm thêm loại máy đóng cuộn cho ống xoắn, được cải tiến trên nền máy sản xuất cáp điện. Tận dụng máy cũ, cùng với giá trị còn lại của máy và chi phí mới, ông Hòa đã tiết kiệm cho công ty khoảng 200 triệu đồng. Ông Hòa tâm sự: “Quan điểm của tôi là làm việc gì thì làm cho hết mình, gắn bó với ai phải tận tâm. Thế nên, dù công ty có nhiều biến cố, anh em thời cũ bỏ đi cả, nhưng tôi vẫn cố gắng trụ lại, đến nay cũng đã qua cái thời khó khăn nhất. Còn bản thân có ý tưởng về vấn đề gì hay quá trình sản xuất có chỗ nào bất hợp lý, tôi đều chỉ ra và lãnh đạo công ty luôn lắng nghe từ người lao động, tiến hành sửa chữa hoặc tạo điều kiện cho lao động phát huy sáng kiến. Từ đó mà người lao động cũng có “đất dụng võ” tốt hơn”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không ngừng sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO