Lý Quí Chung (1940 - 2005) nguyên là Tổng trưởng Thông tin, nhà báo dân biểu đối lập dưới chế độ Sài Gòn (cũ). Sau 30.4.1975, với bút danh Chánh Trinh, ông là cây bút “gạo cội” của các báo Tuổi trẻ, Lao động, Thể thao Ngày nay...
Tiếng nói đối lập chống Mỹ ngụy
Với Hồi ký không tên(*), Lý Quí Chung góp thêm một cái nhìn của người trong cuộc về những sự kiện lịch sử. Hơn thế, cách kể chuyện của ông rất có duyên, bộc lộ tài tình “cái thần” của sự kiện và những nhân vật. Điển hình như: “Ngày ký giả đi ăn mày” ngày 10.10.1974. Sách Báo chí Việt Nam - những sự kiện Đầu tiên và Nhất (NXB Trẻ - 2006) nêu “Đây là cuộc đấu tranh độc đáo của giới báo chí Việt Nam thời kỳ chống Mỹ”. Trong tuyên bố đăng trên các báo ngày đó, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Hội Ái Hữu ký giả lên án Sắc luật 007/72 của chính quyền Sài Gòn đã tước đoạt quyền ghi sự thật của ký giả, đồng thời tạo nên bao cơ cực về tinh thần cũng như vật chất cho những người viết báo vì sắc luật ấy khiến có tới 82% ký giả thất nghiệp. Có khoảng 200 ký giả, trong đó lực lượng nòng cốt của ta có từ 50-60 người. Đoàn tuần hành đã tăng lên gần 20.000 người biểu tình, kéo dài từ Thượng viện Sài Gòn (Nhà hát thành phố) đến công trường Quách Thị Trang (chợ Bến Thành) biến thành cuộc biểu tình thị uy của quảng đại quần chúng... Các ký giả ăn mặc rách rưới, đội nón cời, xách bị cói, tay chống gậy cùng nhau lê bước trên đường Lê Lợi với dòng chữ được trương lên “Ký giả phải đi ăn mày”. Cuộc biểu tình đã đạt được thắng lợi to lớn.
Lý Quí Chung với góc độ là nhân chứng đã dành hẳn chương 15, tường thuật sự kiện này với các chi tiết xác thực. Qua đó, chúng ta biết thêm việc ra đời Luật 007/72 của chính quyền Sài Gòn đã làm 2 Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt (Hội các nhà báo Sài Gòn thành lập trước năm 1954) và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam (Hội giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào) trước đó hầu như bất hợp tác... đã xích lại gần nhau! Và có cả Hội chủ báo tham gia, thành 4 tổ chức báo chí ở Sài Gòn cùng ra tranh đấu. Nêu rõ “đứng sau lưng sự kiện lịch sử này của báo chí miền Nam: ngoài Chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt Nguyễn Kiên Giang, các nhà báo lão thành như Nam Đình (chủ bút báo Thần Chung), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội miền Nam) còn có nhà văn - nhà báo Tô Nguyệt Đình, nhà báo Văn Mại (cựu tổng TKTS báo Buổi sáng), nhà báo Quốc Phượng, Hà Huy Hà... đều là cán bộ cộng sản chính cống” và “lực lượng chính hỗ trợ cho các nhà báo là các dân biểu - nghị sĩ đối lập, đồng thời là nhà báo như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung và tôi”. Tuy nhiên, cuộc xuống đường sáng ngày 10.10.1974, dù rầm rộ và gây ảnh hưởng lớn trong dư luận vẫn diễn ra khá hòa bình. Trái hẳn với “hậu ký giả ăn mày” diễn ra tối hôm đó và ngày hôm sau, “chiến tranh” đã thật sự nổ ra giữa đoàn biểu tình và lực lượng cảnh sát, sự đàn áp không nương tay và có cả máu đổ”.
Trí thức dấn thân
“Viết báo, làm báo là một nghề rất khác nhiều nghề. Hơn cả một phương tiện kiếm sống, nó là lý tưởng chính trị của người cầm bút, là công cụ đấu tranh của mình cho xã hội. Không thể có sự trung lập trong báo chí !” (Nhà báo Lý Quí Chung) |
Trong Lời nói đầu tập Hồi ký không tên, Lý Quí Chung viết: “Cuộc đời tôi chẳng làm nên được chuyện gì “đại sự”, nhưng 40 năm làm báo và có tham dự vào một số sự kiện đất nước có lẽ cũng có nhiều điều để kể”; và “Hồi ký cũng là cuộc đời của mình. Đặt tên cho cuộc đời mình, điều ấy quả thật không dễ dàng. Cho nên tôi xin phép không đặt tên vậy!”. Tập Hồi ký không tên nhưng có mặt “ rất nhiều tên”, những cái tên hóa thân vào sự kiện “lịch sử đặc quánh” (Trần Bạch Đằng). Vì vậy mà bạn đọc hôm nay, nhất là những bạn trẻ sinh ra và lớn lên sau tháng 4.1975 có thể tìm thấy từ lăng kính của ông – một nhà báo dân biểu đối lập với chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên, những sự kiện, biến động lớn lao của giai đoạn lịch sử 1960 - 1975 được phản ánh sinh động trong cuốn hồi ký này. Và đặc biệt, ông đã cho người ta hiểu thêm những đóng góp khác nhau của nhiều người Việt Nam thuộc “Thành phần thứ ba”, trong đó có báo giới Sài Gòn và những nhà báo nước ngoài tiến bộ mà Lý Quí Chung đã gặp. Luật gia Lê Hiếu Đằng nhận định: “Việc giữ được Sài Gòn còn lành lặn sau ngày 30.4.1975 không thể phủ nhận vai trò của tướng Dương Văn Minh cũng như vai trò của nhóm Lý Quí Chung, trong đó có cá nhân Lý Quí Chung là Tổng trưởng Thông tin trong chính phủ Dương Văn Minh”.
Song Lý Quí Chung đã là nhà trí thức dấn thân, chọn lựa nghề báo, hướng về phía trước. Ông bộc bạch: “Suốt 30 năm của cuộc đời thứ hai, tôi chỉ viết báo và làm báo, đó là cái nghề tôi yêu và say mê - cái nghề duy nhất tôi chọn lựa cho đời mình. Cho nên 30 năm qua, tôi vô cùng thỏa nguyện được sống trọn vẹn với nghề này, bởi làm sao tin được rằng một cựu Bộ trưởng Thông tin của “Ngụy quyền Sài Gòn” lại được tự do viết báo trong chế độ cộng sản? Hơn thế nữa, tôi còn ra Hà Nội làm Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Lao động (không là đảng viên), tờ báo của giai cấp công nhân và là một trong những tờ báo lâu đời nhất của cách mạng Việt Nam” (trang 418).
Lý Quí Chung thành thực bộc lộ: “Không bao giờ tôi quên mình là người ngoài đảng. Nhưng dù ai có nhìn tôi trong ngoài thế nào thì tôi vẫn viết báo, làm báo với tư cách một người có lý tưởng XHCN và không bao giờ đi ngược nguyên tắc này”. Và ông đúc kết kinh nghiệm của 40 năm hành nghề báo chí rằng: “Điều đáng trách nhất ở người trí thức là có cuộc sống hai mặt. Nếu tôi không chia sẻ lý tưởng xã hội, tôi không bao giờ viết báo và làm báo sau tháng 4.1975” (trang 427).
QUẾ LÂM
................................
(*) Hồi ký không tên” - Lý Quí Chung, NXB Thời Đại tái bản quý 1/2012.