Không thể giữ vốn mà không thể phân bổ hay không giải ngân được

Trịnh Dũng 02/08/2023 20:28

(QNO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Nam đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp đánh giá phân bổ giải ngân vốn đầu tư chương trình này với các sở, ngành, địa phương liên quan vào chiều nay 2/8. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Nam chủ trì phiên họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Nam chủ trì phiên họp.

Theo Sở KH&ĐT, đến nay, vốn hỗ trợ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giải ngân 119,343 tỷ đồng, đạt 13,3%, bao gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân 57,893 tỷ đồng, đạt 17,1%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân 21,471 tỷ đồng, đạt 5,7% và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân 39,979 tỷ đồng, đạt 22,4%. Tỷ lệ giải ngân này được đánh giá là quá thấp so với yêu cầu.

Phó giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Ẩn phát biểu ý kiến về chuyện giải ngân các dự án thuộc Chương trình MTQG.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Ấn phát biểu ý kiến về chuyện giải ngân các dự án thuộc Chương trình MTQG.
Lý do giải ngân thấp được nêu ra do kế hoạch vốn phân bổ cho các địa phương thực hiện chậm trễ. Số danh mục công trình được bố trí vốn đầu tư theo kế hoạch cần thẩm định và phê duyệt rất lớn (trên 1.600 danh mục). Số danh mục công trình 2023 phải thông qua HĐND cấp huyện, xã, nên chậm trong việc thực hiện thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, các công trình đặc thù, UBND tỉnh, các đơn vị liên quan mới hoàn thiện và ban hành hết các thiết kế mẫu mới nên các địa phương đang tập trung triển khai thủ tục đầu tư. Không ít quy định ban hành chồng chéo, trùng lặp phạm vi, nội dung, dẫn đến nhiều lúng túng cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thêm vào đó, nhân lực thiếu đứng trước áp lực khối lượng công việc lớn, dẫn đến quá tải. Nhiều chủ đầu tư chờ công bố giá vật tư, một số dự án thực hiện trên địa bàn miền núi vướng giải phóng mặt bằng (vướng đất rừng) nên các địa phương phải lập thủ tục đầu tư hoặc xin điều chỉnh.

Theo các sở, ngành, địa phương, những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy việc hấp thụ vốn của các dự án thuộc các chương trình MTQG phụ thuộc vào việc huy động, lồng ghép hiệu quả với các chương trình, dự án khác, bố trí đầy đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình theo tiến độ.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về các nội dung, chính sách mới trong việc thực hiện các Chương trình MTQG. Tiến hành phân bổ các nguồn vốn năm 2023 còn lại cho các chủ đầu tư đủ điều kiện phân bổ, giải ngân đúng thời gian quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục, thẩm định, phê duyệt dự án, phân bổ hết vốn và giải ngân 100% vốn Chương trình MTQG, nhất là kế hoạch vốn 2022 kéo dài sang năm 2023.

Việc phân bổ kế hoạch vốn còn lại sẽ phải được hoàn tất ngay trong nửa đầu tháng 8/2023. Các chủ đầu tư, địa phương thụ hưởng cam kết sẽ phải đẩy nhanh tiến độ, từ hồ sơ, thủ tục đến phân bổ vốn và giải ngân theo đúng quy định.

"Nếu sau khi rà soát, kế hoạch vốn không thể phân bổ được hoặc không thể giải ngân được thì tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo, UBND xin trả vốn về Trung ương sớm nhất có thể, không để đến cuối năm. Không thể giữ vốn mà không thể phân bổ hay giải ngân được" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn lưu ý.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không thể giữ vốn mà không thể phân bổ hay không giải ngân được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO