Các cơ quan quản lý đã công bố kết quả rà soát các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trước ngày 31.12.2005 và phác thảo kiến nghị xử lý số nợ thuế lưu cữu nhiều năm nhưng vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ HĐND tỉnh.
Đề đạt phương án xử lý
Ngày 23.11, Sở KH&ĐT công bố số lượng giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã được cấp cho 178 dự án. Kết quả rà soát các dự án do UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (153 dự án), chỉ có 22 dự án đủ điều kiện được xem xét, giải quyết ưu đãi theo cơ chế của Quảng Nam. Số còn lại (131 dự án) không cần phải đề xuất phương án giải quyết ưu đãi của tỉnh, bởi 54 dự án không có ưu đãi của Quảng Nam, chỉ có phần ưu đãi của Chính phủ, 18 dự án thuộc các doanh nghiệp đã chuyển đổi cổ phần hóa và 53 dự án không đủ điều kiện hưởng ưu đãi do chủ đầu tư không thực hiện dự án sau khi đăng ký, đã giải thể, bị thu hồi giấy phép hoặc thay đổi mục tiêu, tính chất dự án hoặc thực hiện dự án chậm tiến độ so với bản đăng ký của doanh nghiệp. Số giấy chứng nhận cơ chế ưu đãi đầu tư do các huyện, thị, thành phố cấp 25 dự án thì chỉ có 6 dự án đủ điều kiện xem xét, giải quyết ưu đãi đầu tư, gồm 5 dự án thuộc dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Đại Hiệp do UBND huyện Đại Lộc cấp và 1 dự án do UBND TP.Tam Kỳ cấp phép. Số dự án còn lại (19) hiện có 4 dự án đang hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, chưa đến thời gian ưu đãi của Quảng Nam; 6 dự án được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư sau ngày 1.1.2006; 4 dự án không đủ điều kiện hưởng ưu đãi và 5 dự án đã ngừng hoạt động.
Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trước ngày 31.12.2005 đang chờ quyết định cuối cùng của chính quyền trong việc xử lý nợ ưu đãi vượt trội (ảnh chỉ có tính minh họa). |
Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, việc rà soát các dự án này gặp khá nhiều rắc rối, phức tạp bởi quan điểm xử lý, giải quyết các ngành khác nhau. Quan điểm của Sở KH&ĐT là thực hiện ưu đãi theo cơ chế đã ban hành cho các dự án đã được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ ngày 31.12.2005 trở về trước. Tiền thuê đất được ưu đãi đến hết năm 2015 và thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi đến hết năm 2014. Dự án nào đến hết năm 2015 chưa phát sinh ưu đãi của Quảng Nam thì hủy ưu đãi trong thời gian tiếp theo. Các dự án đã phát sinh ưu đãi của tỉnh, nếu thời gian hưởng ưu đãi theo quy định còn kéo dài sau năm 2015 thì chỉ được hưởng ưu đãi đến hết năm 2015 đối với tiền thuế đất và hết năm 2014 với thuế thu nhập doanh nghiệp. Không giải quyết ưu đãi đối với các dự án được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư sau ngày 31.12.2005. Hủy ưu đãi của Quảng Nam về tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2016. Các dự án thuộc Cụm công nghiệp Đại Hiệp thì giao huyện Đại Lộc rà soát, đề xuất cụ thể báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét. Tổng nhu cầu kinh phí cần để giải quyết ưu đãi vượt trội (chưa tính cho Cụm công nghiệp Đại Hiệp gần 8 tỷ đồng) khoảng 71,781 tỷ đồng. Nhiều nhất là Công ty TNHH Phước Thịnh, Công ty CP Thương mại - dịch vụ Cát Vàng và Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Bạch Vân khoảng 57,57 tỷ đồng.
Chờ phê chuẩn của HĐND
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, Quảng Nam không chối bỏ khuyết điểm hay lẩn tránh trách nhiệm. Không thể lấy cái sai để sửa sai mà phải khắc phục, sửa sai. Ứng xử văn hóa nhất hiện thời chỉ còn cách dừng, chấp nhận khuyết điểm, xin lỗi doanh nghiệp. HĐND tỉnh sẽ có nghị quyết dừng cơ chế ưu đãi vượt trội và khoanh số nợ này lại. |
Nợ thuế ưu đãi vượt trội lưu cữu nhiều năm của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh trước ngày 31.12.2005 đã được nhắc đến tại các cuộc họp gần đây của UBND tỉnh hay HĐND với các cơ quan tài chính, kế hoạch. HĐND hay cơ quan thuế đều mong muốn có ngay cơ chế xử lý ưu đãi vượt trội. Không thể cố tình làm sai luật, cần tháo gỡ nợ đọng trên hệ thống để lành mạnh hóa nền tài chính địa phương, góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều người nói, không thể cứ để bị phê bình, kiểm toán nhắc nhở truy thu, nên có thể trích nguồn vượt thu cho doanh nghiệp nộp trả vào ngân sách bằng một bút toán “ghi thu, ghi chi” mà thực chất là ngân sách không mất đi. Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh đã từng có cách giải quyết cơ chế ưu đãi vượt trội cho Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thì cũng nên tìm cách xử lý dứt điểm lần này, không thể để sự lúng túng kéo dài. Ông Nguyễn Hùng – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, quyền quyết định thuộc về điều hành ngân sách của chính quyền. Cần một thái độ dứt khoát để xử lý dứt điểm cơ chế ưu đãi vượt trội này. Cam kết nửa chừng có thể sẽ bị tai tiếng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nhưng buộc phải dừng lại cơ chế ưu đãi này. Thà một lần đau, một lần bị tai tiếng còn hơn cứ phải treo nợ dai dẳng!
Tuy nhiên, ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, giải quyết cơ chế ưu đãi vượt trội là cả một vấn đề, gần như không thể tháo gỡ được. Theo ông Chín, không có cơ chế, Bộ Tài chính buộc phải thu hồi. Không có ai cho hoặc ai đồng ý miễn giảm số nợ này; đã trình xin đủ cấp nhưng không ai trả lời. Chỉ còn cách là mời tất cả doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đến dự một bữa cơm thân mật, xin lỗi và yêu cầu họ thực hiện theo pháp luật. Ông Chín cũng kiên quyết không đồng ý việc dùng nguồn vượt thu, không thể lấy ngân sách đưa cho doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp nộp lại cho Nhà nước, dù biết thuế cứ treo nợ phải thu và doanh nghiệp sẽ không trả tiền nợ này, vì đó là điều không đúng luật! Trong một diễn trình khác, ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT nói, sở này sẽ chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể. Xin HĐND tỉnh cho chủ trương, dừng hay không dừng và dừng đến đâu? “Đụng tới quyền lợi của doanh nghiệp thì người ta phản ứng là chắc chắn. Nhưng thà phản ứng một lần để sau đó môi trường đầu tư sẽ được “dọn dẹp” là điều tốt hơn” - ông Bảo nói.
TRỊNH DŨNG