Một câu chuyện như dấu chấm hỏi giữa tình và lý được dư luận quan tâm trong mấy ngày qua. Đó là trường hợp một phụ nữ ở TP.Hồ Chí Minh xin phép thụ tinh trong ống nghiệm với người chồng đã chết, dù được xem xét là trường hợp rất đặc biệt, đáng thương nhưng các bác sĩ vẫn không thực hiện bởi vướng quy định của pháp luật. Hiện nay pháp luật chỉ cho phép sử dụng tinh trùng hoặc phôi, trứng… của bệnh nhân khi họ còn sống, còn khi họ qua đời thì chưa có quy định. Gia đình người phụ nữ này phải thực hiện một hành trình rất gian nan, đi kêu cứu nhiều nơi và cuối cùng câu trả lời như cái kết có hậu: Bộ Y tế đã cho phép thực hiện đối với trường hợp này. Chuyện không thể như thế đã có thể được giải quyết theo một cách đầy bất ngờ. Trong khi thực tế vẫn còn nhiều trường hợp tương tự thì quyết định của Bộ Y tế được đánh giá là nhân văn, sẽ tạo ra một hành lang pháp lý để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Một câu chuyện khác cũng liên quan đến đạo đức: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa có đợt khảo sát ở nhiều trường học sau vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) được cho là đã lạm dụng tình dục nhiều nam sinh. Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng tỏ ra bất ngờ vì sự việc xảy ra không được ngăn chặn kịp thời và cho biết sẽ rà soát lại tình hình ăn ở của học sinh ở các trường dân tộc nội trú. Lâu nay các trường, ngành giáo dục và địa phương cũng tổ chức rà soát nhưng có lẽ không ai chú ý đến tình huống như trên. Chuyện ở Phú Thọ thật quá sức tưởng tượng, không ai ngờ có thể xảy ra sau cánh cổng nhà trường và làm nhiều nhà giáo chân chính phải cảm thấy xót xa, cảm thán vì môi trường giáo dục giờ đây đã bị nhiễu đục bởi những yếu tố phi đạo đức...
“Không thể” và “có thể” như hai câu chuyện ở trên là diễn biến phức tạp của thực tiễn đời sống cần được các tổ chức quản lý xã hội bắt nhịp để thích ứng một cách hiệu quả nhất; trong đó vai trò phản hồi, giám sát của cán bộ cơ sở là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong diễn biến hai sự việc kể trên có một điểm chung, đó là không có sự phản biện, can thiệp nào từ cơ sở để góp phần ngăn chặn những điều “không thể” lại “có thể” xảy ra và ngược lại. Các bác sĩ tại TP.Hồ Chí Minh đã không thể làm gì được bởi vướng quy định, để một phụ nữ phải thực hiện hành trình kêu cứu gian nan mới có thể được giải quyết. Tập thể giáo viên ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn được cho là dù đã biết sự việc từ lâu nhưng vẫn không ngăn chặn kịp thời, đến khi các em tố cáo thì sự việc mới vỡ lở.
“Không thể” và “có thể” nêu trên cũng cho thấy một tâm thế lạc hậu, bối rối, dửng dưng của những người có trách nhiệm trước biến động của thực tiễn đời sống. Những điều chưa từng xảy ra, hoặc không phổ biến trước đây giờ đã khác như nạn lạm dụng tình dục, ấu dâm, thụ tinh nhân tạo, kết hôn đồng giới... đều liên quan đến đạo đức chưa được pháp luật điều chỉnh một cách hiệu quả và cũng ít thấy có sự linh hoạt điều chỉnh nào từ hoạt động quản lý xã hội. Tại sao là không thể?
C.B.L