Không tìm được đầu ra, nông dân bỏ trồng cây kim tiền thảo

NGUYỄN QUỲNH - BÙI HUÂN 10/09/2021 17:27

(QNO) - Cây kim tiền thảo được người dân thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) trồng thử nghiệm cách đây 5 năm nhưng hiện nay người dân mất hứng thú với loài dược liệu quý hiếm này do không tìm được đầu ra ổn định. 

Ông Lợi bên những cây dược liệu kim tiền thảo còn sót lại, loài cây từng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông. Ảnh: H.Q
Ông Lợi bên những cây dược liệu kim tiền thảo còn sót lại, loại cây từng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông. Ảnh: H.Q

Chúng tôi tìm về khu phố 8, 9 (thị trấn Hà Lam), nơi đây được xem là vùng trồng thử nghiệm cây kim tiền thảo nhiều nhất một thời. 

Ông Lê Văn Lợi (71 tuổi, khối phố 9, thị trấn Hà Lam) một trong những hộ dân từng trồng cây kim tiền thảo cho biết, năm 2017, gia đình ông được một công ty đóng chân trên địa bàn cung cấp giống cây kim tiền thảo để trồng thử nghiệm trên 2 sào đất trong vườn nhà. Trong năm đó, gia đình ông Lợi thu hoạch cây, bán được 16 triệu đồng. Năm 2018 do được giá nên gia đình ông thu tiếp tục thu được 18 triệu đồng.

"Trong khu vườn rộng 2 sào đất thâm canh cây kim tiền thảo, gia đình tôi thu hoạch được 24 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí. Trồng cây kim tiền thảo dễ, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng Chạp âm lịch xuống giống là hợp lý nhất. Loại cây này phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng ở đây, lại không bị sâu bệnh phá hoại, nên không cần đến thuốc bảo vệ thực vật" – ông Lợi nói.

Ông Lợi cho biết thêm, cây kim tiền thảo có tính dược liệu cao, có thể cắt vào phơi khô, đun với nước lọc đến khi nước ra màu đỏ là có thể uống như nước chè. Nó còn có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, nhiều người đã uống liên tục và các sỏi thận tự bào mòn tiêu tan, không cần đến bệnh viện để mổ. Ngoài ra, khi mùa hoa kim tiền thảo nở hoa có mùi thơm dễ chịu, giúp trị các bệnh thông thường như sổ mũi, cảm cúm…

Theo nhiều người dân trồng kim tiền thảo, so với nhiều cây hoa màu trồng trên đất bỏ hoang như đậu, bắp, khoai lang... thì cây kim tiền thảo đem lại hiệu quả hơn nhiều, không mất nhiều công chăm sóc, dễ thu hoạch. Do không thể triển khai cơ giới hóa do đất vườn nhỏ hẹp, nên thu hoạch loại cây này tốn nhiều công lao động, phải tự tay cắt từng dây và trải qua nhiều công đoàn trước khi giao sản phẩm cho bên thu mua.

Đây là cây kim tiền thảo được bà Liễu thu mua từ các hộ dân với số lượng không nhiều. Ảnh: H.Q
Số cây kim tiền thảo khô được bà Liễu thu mua từ các hộ dân với số lượng không nhiều. Ảnh: H.Q

Bà Nguyễn Thị Liễu (khối phố 8, thị trấn Hà Lam) từng tham gia thu mua cây kim tiền thảo, chia sẻ: “Hiện nay, cây kim tiền thảo bị người dân phá bỏ, nên việc thu mua kim tiền thảo của tôi cũng thưa thớt hơn xưa. Hiện nay, trên thị trường mức giá dao động 25 - 27 nghìn đồng/kg kim tiền thảo, sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường cho các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Đà Nẵng... Bên cạnh đó, ở địa phương cũng còn một số hộ dân thu lượm hạt kim tiền thảo về ươm trồng bán cho tôi mỗi khi thu hoạch nhưng số lượng không đáng kể”.

Ông Nguyễn Thanh Minh - Giám đốc HTX sản xuất cây dược liệu 612 (thị trấn Hà Lam) cho biết, cây kim tiền thảo được người dân trồng nhiều ở các tổ 12, 13, 14 của thị trấn Hà Lam nhưng do đầu ra gặp khó khăn nên người dân ít mặn mòi với cây dược liệu này.

Được biết năm 2012, Công ty CP Beegreen (đóng tại TP.Hồ Chí Minh) hợp đồng với 10 hộ dân ở địa phương tham gia trồng thử nghiệm cây dược liệu này trên diện tích 1ha, sau đó mở rộng lên 5ha với 40 hộ tham gia trồng. Hiện nay, cây kim tiền thảo ở khu phố 8, 9 (thị trấn Hà Lam) dần dần bị thay thế trở lại bằng nhiều cây trồng trên cạn như đậu, mè…; chỉ còn rải rác vài hộ duy trì trồng loại cây này.

Nói về loại cây trồng "yểu mệnh" này, ông Nguyễn Ngọc Duẩn – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam khẳng định, nông dân không còn hứng thú trồng loại cây kim tiền thảo là do phía đối tác đã từng cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm đã không còn liên kết sản xuất với người dân; mặc khác, doanh thu và lợi nhuận đem lại thấp vì tốn nhiều chi phí thuê công lao động.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không tìm được đầu ra, nông dân bỏ trồng cây kim tiền thảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO