Từ chối vị trí đáng mơ ước trong ngành tòa án, rời bỏ “lập trình” của gia đình sau gần 20 năm cố gắng theo đuổi... chỉ để được sống cùng và thỏa mãn đam mê. Đó là xuất phát điểm khởi nghiệp của bà chủ thương hiệu may mặc Cofason (số 201 đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) - chị Nguyễn Đỗ Phương Uyên.
Chị Nguyễn Đỗ Phương Uyên (giữa) với các nhân viên trong ngày khai trương cửa hàng trưng bày và bày bán sản phẩm. Ảnh: V.H.S |
Để được là chính mình
Là con gái, lại sinh ra trong một gia đình công chức nên từ nhỏ đến lúc trưởng thành, cuộc đời chị Nguyễn Đỗ Phương Uyên gần như đi theo “lập trình” của ba mẹ. Hết tuổi phổ thông, Uyên thi vào Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh mà ba mẹ mong muốn. Tốt nghiệp ra trường năm 2005, dù cũng muốn ở lại Sài thành để thử sức mình nhưng ba mẹ không muốn con gái ở xa, thế là chị đem bằng tốt nghiệp đại học về và đến tháng 10.2006 thì được tuyển dụng vào ngạch thư ký tòa án, công tác tại Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ. Rồi Uyên lấy chồng, sinh hai cô con gái xinh xắn. Rảnh rỗi thì chị thêu thùa, may vá, làm bánh, nấu ăn… theo sở thích. Ai nhìn vào cũng nghĩ cuộc sống của Uyên thật đáng mơ ước, đàn bà con gái cứ an nhàn thế cho khỏe thân. Mấy ai biết được, trong sự an nhàn đó, nhiều lúc chị đấu tranh tư tưởng để được thoát ra khỏi nút “mặc định”. Chị tâm sự: “Ngày lên cơ quan nghiên cứu án, tối lo cơm nước con cái xong lại lôi kéo, kim chỉ, máy móc ra tranh thủ cắt may đồ cho mình, cho con. Đêm nào cũng khuya lắc khuya lơ mới đi ngủ, người mệt rã rời mà vẫn cứ thích làm. Đồ tự may mặc lên được nhiều người khen, người quen bạn bè thấy thích cũng nhờ may giúp. Dù vất vả nhưng cảm giác nó “sướng” vô cùng. Rồi khát khao được làm điều mình thích, được thỏa đam mê thuở bé cứ lớn dần lên, không biết từ khi nào”.
Dù không ở cạnh vợ mỗi ngày, nhưng chồng chị Uyên dường như thấu hiểu cảm giác “khổ sở” vì không được sống cùng đam mê của chị. Rất nhiều lần anh động viên vợ “cuộc sống này là của em, hãy vì chính mình đi. Anh có khả năng lo được những nhu cầu cơ bản của cơm áo gạo tiền cho gia đình. Hãy thử sức và thách thức bản lĩnh nếu em thấy cần”. Được lời như cởi tấm lòng, hai vợ chồng chị về nói chuyện với gia đình hai bên với quyết định sẽ nghỉ việc ở tòa án và bắt tay khởi nghiệp với sở trường từ bé của chị Uyên. “Thực sự cũng đẩy ông bà nội ngoại hai bên vào thế khó, vì không chỉ ông bà ngoại là cán bộ hưu trí mà ba mẹ chồng còn là cựu cán bộ ngoại giao của Bộ Ngoại giao. Chưa ai trong số họ từng nghĩ con dâu muốn ra khỏi ngành nên chúng tôi phải thuyết phục, bay ra Bắc gần nửa tháng để làm công tác “dân vận” với ông bà nội. Khi bà nội mỉm cười hỏi máy may tốt nhất hiện nay giá bao nhiêu để bà tặng khởi nghiệp là coi như mọi chuyện đã bắt đầu hanh thông rồi” - chị Uyên cười chia sẻ.
Vươn tầm thương hiệu
Khi chị Uyên nộp đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo cơ quan bất ngờ vì chị đang được hứa hẹn một tương lai tốt trong ngành, nhưng lại quyết định bỏ ngang. Gửi hai đứa con cho người thân trông giữ, chị khăn gói ra Hà Nội tìm trung tâm học cách để ra mẫu, phối vải, lên phom đồ, đồ hè, đồ đông, thiết kế trên máy tính. Lẽ ra, một người tay ngang như chị bắt buộc phải học những khóa cơ bản và kéo dài trong khoảng thời gian tầm 2 năm. Nhưng chị dồn vào học trong vòng 6 tháng. Việc học dồn buộc chị phải chấp nhận học đêm học ngày, gần như 18h/ngày. Học áp lực như vậy không khiến chị thấy mệt mỏi mà ngược lại cảm giác “rất đã”, chị được sống và vẫy vùng với các mảng màu, họa tiết, thỏa sức thử thách với vải vóc, với các mẫu đồ, chi tiết mà trước đó chị nghĩ mình không làm được. Nhưng lúc đó vợ ở Hà Nội, chồng làm ở Thanh Hóa, con ở Quảng Nam nên vì muốn hỗ trợ vợ tuyệt đối, chồng chị với mức lương được trả khá cao ở dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) cũng quyết định về nhà hỗ trợ vợ. “Thực sự tôi luôn biết ơn chồng vì những điều tuyệt vời anh đã hỗ trợ mình. Việc nghỉ ngang cả sự nghiệp của mình để hỗ trợ vợ dù vợ tay ngang bắt đầu, không hề biết trước tương lai thành công hay thất bại. Niềm tin tuyệt đối chồng dành cho mình vừa là động lực vừa áp lực, thật lòng mà nói như vậy” - chị Uyên chia sẻ.
Sau một năm khởi nghiệp, đưa thương hiệu thời trang Cofason ra mắt thị trường, vợ chồng chị Uyên đã được nhìn ngắm đứa con tinh thần ngày càng trưởng thành hơn, bắt đầu có hình hài vóc dáng hơn. Từ xưởng đặt tại nhà riêng với nhân công chỉ có một người, nay dời về xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) và con số đã tăng lên 13 người kể cả nhân viên ở cửa hàng bày bán, trưng bày sản phẩm ở số 201 Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). “Tôi mặc đồ chị Uyên may từ khi xưởng mới thành lập và cảm thấy khá ưng ý với gu thời trang này. Tôi tin thương hiệu thời trang chị xây dựng sẽ không dừng ở quy mô trong tỉnh mà vươn ra hai đầu đất nước như mong muốn ban đầu chị Uyên đăng ký bản quyền thương hiệu” - chị Võ Thị Thu Hường (đường Hoàng Hữu Nam, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), vừa lựa đồ vừa nói. “Đã có vài nơi mong muốn nhận hàng tôi về bày bán nhưng thực tình tôi thấy chưa phù hợp với tiêu chí của mình, đồng thời chưa tuyển được nhân công đủ để đảm bảo cung cấp hàng. Vì tiềm năng khách hàng, nhu cầu thị trường chất lượng hàng do Cofason sản xuất thì tôi hoàn toàn tự tin mình đánh giá và đáp ứng được” - chị Uyên thổ lộ.
Trải qua những khó khăn, đến nay chị Uyên đã đạt được nhiều kết quả trên hành trình đeo đuổi đam mê của mình, điều dễ thấy là thương hiệu thời trang Cofason đã được nhiều người biết đến. Đặc biệt, từ nguồn cảm hứng và niềm đam mê với công việc, Nguyễn Đỗ Phương Uyên đang thực hiện những dự định để đưa thương hiệu Cofason vươn xa.
VƯƠNG HẰNG SA