Khu 7, buồn vui chuyện học

THIÊN LÝ 05/01/2013 08:57

Chuyện học của trẻ em Cơ Tu vùng biên giới khu 7 Tây Giang đã vơi bớt nỗi khổ, nhưng ở nơi khó khăn bậc nhất Quảng Nam, vẫn còn đó nhiều trăn trở…

Niềm vui ở trường mới

Đôi hàng quán nho nhỏ, vài nhà gỗ san sát tụm quanh một gò đất, nơi ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tr’Hy xây kiên cố. “Vẫn chưa điện lưới, nhưng trường Tr’Hy khá hơn so với các trường khác ở khu 7. Từ trung tâm huyện, chạy xe 30 phút là tới. Trường được xây kiên cố” - thầy giáo Coor Tư, Phó Hiệu trưởng Tiểu học Tr’Hy hồ hởi về ngôi trường xây cách đây 4 năm. Thầy Trần Văn Hòa, quê Hiệp Đức, 37 tuổi nhưng có thâm niên 15 năm dạy tại trường này, nhớ lại: “Ghê gớm lắm, phải lội bộ ròng rã. Gặp mưa bão càng kinh hoàng, chỉ lo trường sập”. Hiện trường Tiểu học Tr’Hy có 6 điểm trường, gồm 153 học sinh và 19 người trong hội đồng sư phạm. Các điểm trường vẫn là những mái chòi lụp xụp, riêng cơ sở vật chất tại trường chính tương đối đảm bảo.

Hồn nhiên học sinh khu 7.Ảnh: THIÊN LÝ
Hồn nhiên học sinh khu 7.Ảnh: THIÊN LÝ

 Hai ngôi trường nằm trên địa bàn xã A Xan cũng được xây kiên cố. Kể từ năm 2007, đường được mở rộng đến A Xan, điều kiện lưu thông tiện lợi hơn nhiều. Ở trung tâm khu 7 còn có trạm y tế quân dân y kết hợp A Xan phục vụ chữa bệnh cho người dân, tất nhiên có cả giáo viên, học sinh. Khi điện thắp sáng kéo từ nhà máy thủy điện A Xan về, điều kiện sinh hoạt cũng thay đổi hẳn. “Có điện, các em được tiếp cận với vi tính, ti vi, nhất là được… học bài dưới ánh điện chứ không phải đèn dầu le lói” – ông Huỳnh Kim Vân, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học A Xan tâm sự. Ngôi trường xây cách đây 5 năm, hiện có 232 học sinh với 30 giáo viên, gồm 4 điểm trường A Grí, Ga Nil, Ka Noon. Ông Huỳnh Kim Vân không giấu niềm vui khi nói về ngôi trường xây mới: “Các em được bán trú, khỏi chịu cái cảnh phải đi bộ ròng rã đến lớp. Cũng từ đó, công tác vận động học sinh ra lớp cũng dễ dàng hơn, năm này không có học sinh nào bỏ học”.

Từ thung lũng, nhìn lên đồi cao ở A Xan thấy rõ ngôi trường khá khang trang mang tên: Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng, chung cho 4 xã khu 7. Với 629 em học sinh và 58 cán bộ giáo viên, trường này có hội đồng sư phạm và học sinh đông nhất Tây Giang, nhưng cũng là địa chỉ khó khăn nhất trong số các trường THCS ở Tây Giang. Chuyện vận động học sinh ra lớp ở khối THCS cực nhọc trăm bề, do giáo viên không chỉ đi trong phạm vi một xã (như khối tiểu học) mà phải lặn lội khắp khu 7. “Tuy vậy, số học sinh bỏ học đã giảm, năm trước gần 30 em thì năm nay chỉ 20 em. Sáu năm trước khi trường chưa xây, đường sá quá xa xôi, nhiều em phải bỏ học vì không có chỗ nội trú” - Hiệu trưởng Phạm Tuấn nói. Vẫn còn thiếu nhà đa năng, phòng chuyên dụng thực hành hóa sinh..., nhưng cơ sở vật chất đã đảm bảo cho gần 300 em học sinh nội trú, để các giáo viên có đủ cơ sở triển khai các mô hình dạy và học. Chương trình Rung chuông vàng tổ chức 2 lần/năm, trường cũng thành lập đội xung kích  (có nhiệm vụ kiểm tra các bạn nội trú học bài vào ban đêm) hay lập ra mô hình tủ sách thôn bản…

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS A Xan được xây dựng khang trang.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS A Xan được xây dựng khang trang.

Tại trường PTDT bán trú Tiểu học Ga Ry, Hiệu trưởng Trương Kim Hồng cũng tự hào: “Năm ni đón nhận hai niềm vui, là trường xây dựng xong và được kéo điện từ nhà máy thủy điện Ga Ry”.

Trăn trở Ch’Ơm

Băng đường lầy để tới xã Ch’Ơm, chúng tôi lại chứng kiến sự học nơi đây hãy còn gian khó. Tại gươl làng đặt ở trung tâm xã, những học sinh Cơ Tu đang chuẩn bị ngủ trưa thấy khách lạ ùa ra đón. Em Bliêng Tơn, học sinh lớp 5 trông bẽn lẽn trong bộ quần áo cũ. Nhà em ở thôn Zơ Rượt, giờ phải tranh thủ ngủ lấy sức để lội bộ hơn 5 cây số khi tan học buổi chiều.  Không điện, không trạm y tế là “hiện trạng” của Ch’Ơm. “Xã có đến 100% hộ nghèo. Sống còn khó khăn chứ nói chi đến việc học”, ông A Lăng Hưng - Chủ tịch UBND xã nói. Rồi ông chỉ tay qua ngôi trường tiểu học Ch’Ơm: “Tui nghĩ đó là ngôi trường cũ nát nhất ở Quảng Nam!”.

Những tấm ván bằng gỗ tạp ghép lại, đủ 5 phòng để thành một ngôi trường với mái tôn, nền đất. Thầy giáo Trần Hữu Nhất, hiệu trưởng, chia sẻ: “Thiếu phòng học nên chúng tôi không triển khai học cả ngày cho tất cả điểm trường. Chỉ có 11 phòng tạm, kể cả trường chính lẫn điểm trường. Trường cần xây dựng thêm 3 phòng học ở A Tu, 4 phòng học mầm non ở các thôn Zơ Trượt, Hjúh, A Tu”. Nhà bán trú của giáo viên là dãy chòi lụp xụp. Bùi Thị Ba, cô giáo trẻ nhất trường (sinh năm 1992, quê Tam Tiến - Núi Thành) kể: “Em vừa lên đây dạy năm đầu tiên ở điểm trường A Tu, không ngờ quá khó khăn như thế! Em dạy trong một cái chòi heo hút, không có nhà công vụ nên giáo viên phải ở nhà dân”.

Nhà công vụ của giáo viên trường tiểu học Ch’Ơm.
Nhà công vụ của giáo viên trường tiểu học Ch’Ơm.

Có đến 18 giáo viên nữ trong tổng số 28 giáo viên, toàn là người trẻ. Có điều, như cô giáo Bùi Thị Ba tâm sự, giáo viên nữ đã khổ nhưng học sinh còn  khổ hơn. Trường có 4 lớp ghép trong tổng số 18 lớp, nhiều lớp ghép chỉ 6 - 7 học sinh, lại không có bán trú. Các điểm trường A Tu, Cha Nốc, Hjúh, Réh còn lụp xụp hơn trường chính, thiếu điện. Cô giáo Ba nói thêm, Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) triển khai ở đây đã được 2 năm, hỗ trợ ăn trưa cho học sinh theo mức 10 nghìn đồng/em/ngày, nhưng giá cả ở đây quá đắt đỏ nên suất ăn không đảm bảo chất lượng. Hiệu trưởng Trần Hữu Nhất, người dạy học lâu năm nhất ở trường này, cứ mỗi lần về quê là tranh thủ vận động gom nhiều quần áo cũ chở lên. “Hiện chưa có một tổ chức từ thiện nào lên tới Ch’Ơm vì đường sá xa xôi. 248 học sinh trong trường đang rất cần hỗ trợ các vật dụng thiết yếu như áo quần cũ, đồ dùng học tập” – thầy giáo Nhất kêu gọi.

Lời kêu gọi của hiệu trưởng Nhất cho thấy dù sự học ở khu 7 (gồm 4 xã Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry) có nhiều thay đổi, vẫn còn “vướng” ở Ch’Ơm. Ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Giang thừa nhận: “Trừ trường Tiểu học Ch’Ơm, từ 6 năm trở lại đây các điểm trường chính ở khu 7 đã được xây dựng khang trang, việc học ở các trường này cũng đảm bảo hơn. Huyện rất muốn xây dựng trường Tiểu học Ch’Ơm nhưng hiện vẫn chưa có nguồn kinh phí nào để thực hiện”.

THIÊN LÝ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu 7, buồn vui chuyện học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO