Đầu tháng 11.2019, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bắt đầu tổ chức lại lực lượng BVR, thành lập các tổ BVR chuyên trách, thay cho hình thức giao cho cộng đồng làng quản lý như trước đây. Tổ BVR số 2 của đơn vị biên chế với 8 thành viên, thường xuyên phân chia nhau tuần tra, kiểm soát trong lâm phận được giao. Hầu hết các thành viên trong tổ BVR này đều là thanh niên địa phương, có sức khỏe tốt qua đợt “sát hạch” chặt chẽ để phục vụ cho công tác thường xuyên tuần tra trong rừng. Theo quy chế hoạt động của lực lượng này, mỗi tháng một thành viên sẽ đảm bảo việc tuần tra 22 ngày ở những khu vực rừng tự nhiên, những khu vực dễ xảy ra phá rừng và rừng khu vực giáp ranh.
Ông Zơ râm Nơi (thành viên của Tổ quản lý BVR số 2, thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh) cho biết, từ khi thay đổi mô hình giữ rừng và cụ thể hóa trách nhiệm và quyền lợi, khi được ký hợp đồng vào tổ BVR, hầu hết các thành viên đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, tất cả các chuyến tuần tra, truy quét đều được ghi nhật ký hằng ngày và giám sát chặt chẽ. Nếu để xảy ra tình trạng phá rừng thì nhóm sẽ chịu các hình thức xử lý. Theo ông Trần Thanh Việt - Tổ trưởng Tổ BVR số 2, từ ngày đơn vị thành lập các tổ BVR chuyên trách, những khu vực thường xảy ra phá rừng trước đây, nhất là vùng giáp ranh được kiểm soát.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích 75.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 69.000ha. Diện tích lâm phận của khu bảo tồn nằm ở địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn và giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Năm 2019, nhiều diện tích giao khoán bảo vệ cho cộng đồng đã được chuyển đổi về đơn vị tự quản lý. Tháng 11.2019, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành lập 2 tổ BVR chuyên trách.
Nhận thấy sự bất cập trong quản lý là rừng dù đã khoán cho cộng đồng dân cư bảo vệ nhưng khi xảy ra phá rừng thì trách nhiệm chung chung, nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành lập 2 tổ BVR chuyên trách. Hai tổ BVR này có tổng cộng 20 thành viên, chủ yếu tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ ở 3 xã Phước Công, Phước Năng và Phước Mỹ (huyện Phước Sơn). Theo đánh giá của chủ rừng này, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có nhiều xã giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên là cửa ngõ của nạn buôn bán, vận chuyển gỗ lậu, khi vùng này đóng cửa rừng thì áp lực lên khu bảo tồn là rất lớn. Tuy nhiên, từ ngày chuyển đổi sang mô hình BVR chuyên trách, đã hạn chế đáng kể tình trạng lấn chiếm đất rừng để mở rộng diện tích làm rẫy. Ông Phạm Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết, đơn vị đang chủ động lập kế hoạch tuần tra, truy quét trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Bước đầu mô hình tổ BVR chuyên trách hoạt động hiệu quả nên sắp đến đề xuất sẽ mở rộng thành lập thêm nhiều tổ quản lý, BVR.
Cuối năm luôn là thời điểm dễ xảy ra các vụ phá rừng, khai thác lâm khoáng sản trái phép, nhất là khu vực giáp ranh giữa Quảng Nam với các tỉnh lân cận. Vì vậy, ngoài chủ động lên phương án, kế hoạch tuần tra, truy quét ở thời điểm nhạy cảm, theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, về lâu dài còn phải tính toán kiện toàn lực lượng BVR theo hướng không đông nhưng đủ mạnh, để rừng thực sự có chủ.
Vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là “điểm nóng” dai dẳng của tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép, là nơi luôn nằm trong kế hoạch truy quét của lực lượng liên ngành dịp cuối năm. Để công tác giữ rừng đạt hiệu quả, chủ rừng này đã thành lập 2 tổ bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách.