Nhiều năm nay, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh là “vùng đất hứa” của giới thổ phỉ, lâm tặc nên việc bảo vệ rừng rất khó khăn. Thời gian tới, ngành chức năng cho biết sẽ áp dụng nhiều giải pháp giữ rừng hiệu quả.
Đắc Pring, Đắc Pre, Ta Bhing (Nam Giang)... nằm trong KBTTN Sông Thanh một thời từng là vùng đất phá sơn lâm khét tiếng. Diện tích vùng lõi và vùng đệm khu bảo tồn này rộng 75.000ha bao trùm cả địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Trước đây phá rừng từ hệ lụy tận thu vàng gốc, thì nay tài nguyên rừng tiếp tục bị xâm hại từ đối tượng lâm tặc lẫn giới thổ phỉ. Thủ đoạn xâm hại khá tinh vi, các đầu nậu, cá nhân tổ chức đường dây phá rừng thông thường cài cắm đồng bào dân tộc thiểu số vào, bởi phần lớn bà con nhận thức hạn chế về những hành vi vi phạm. Hàng chục nghìn héc ta được giao khoán cho người dân địa phương bảo vệ, nhưng có bộ phận người dân lại tiếp tay cho lâm tặc hoặc trực tiếp triệt hạ gỗ rừng tự nhiên. Trong khi đó, cuộc chiến với đối tượng hủy hoại rừng gần như không cân sức, lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng thì mỏng.
Nói về khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng, theo Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, thời điểm hiện tại chỉ có 15 cán bộ kiểm lâm, mới đáp ứng được 10% biên chế, hợp đồng theo Nghị định số 117/NĐ-CP. Với tư cách chủ rừng, ngoài nhiệm vụ quản lý bảo vệ, Ban Quản lý KBTTN Sông Thanh còn phải làm các nhiệm vụ khác như trồng rừng thay thế, các dự án tài trợ như dự án Trường Sơn xanh, dự án BBC - GEF, dự án trồng dược liệu dưới tán rừng… Nguyên nhân khách quan, theo Ban Quản lý KBTTN Sông Thanh là do 2 nước Lào và Campuchia hiện đã có chủ trương đóng cửa rừng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nhập khẩu cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước. Thêm nữa là do nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, trang trí nội thất của người dân còn rất cao; kể cả nhu cầu gỗ làm nhà của người dân địa phương. Ngoài ra, việc mở rộng quốc lộ 14D từ cầu Bến Giằng đi cửa khẩu Đắc Ốc dẫn đến nhu cầu làm nhà tại các xã Cà Dy, Ta Bhing, Tà Pơ, Chà Vàl, La Dêê là rất lớn.
Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian đến kiểm lâm sẽ phác họa được bản đồ, vẽ lại đường đi của gỗ lậu từ các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy để có giải pháp bảo vệ rừng tận gốc. Ngành lâm nghiệp sẽ tính toán thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng, theo hướng không giao cho nhóm hộ mà giao cho cộng đồng làng; thành lập các đội quản lý rừng chuyên trách. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu giải pháp, thay vì quản lý theo lưu vực, sẽ tính đến chuyện quản lý theo đơn vị hành chính, tách riêng công tác quản lý nhà nước về thực thi pháp luật bảo vệ rừng (kiểm lâm) ra khỏi ban quản lý rừng. Các ban quản lý rừng sẽ hoạt động như một đơn vị sự nghiệp. Dự án giám sát, cảnh báo tình trạng phá rừng bằng công nghệ cao sẽ được các huyện miền núi nhân rộng. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giữ rừng, nhưng trách nhiệm sẽ được xác định rõ ràng chứ không chung chung như hiện nay.
TRẦN NGUYỄN