Khu công nghiệp (KCN)Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) là nơi tập trung nhiều công ty, nhà máy sản xuất với hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại là con em công nhân làm việc nơi đây rất khó vào các trường mầm non công lập nên đành chấp nhận gửi trẻ cho các cơ sở tư nhân với nguy cơ bất an rình rập.
Báo cáo của UBND xã Điện Ngọc và Điện Nam Bắc cho thấy, tính đến năm 2014 trên địa bàn 2 xã chỉ có hai trường mẫu giáo công lập chăm sóc gần 700 trẻ trên tổng số khoảng 2.800 trẻ (từ 1 - 5 tuổi), đồng nghĩa hơn 2.100 trẻ phải vào các cơ sở nhóm trẻ gia đình hoặc nhờ người thân chăm sóc.
Không yên tâm
Gần 2 năm nay chị Nguyễn Thị Hiền (xã Duy Châu, Duy Xuyên) buộc phải nghỉ việc ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc để ở nhà chăm con trai hơn 20 tháng tuổi. Chị Hiền không yên tâm khi gửi con vào các nhóm trẻ gia đình trong khi không thể gửi con ở trường công lập tại KCN. Đây cũng là tình cảnh chung của không ít công nhân đang làm việc trong KCN khi có con nhỏ. Với họ, chỉ có 3 sự lựa chọn là gửi con cho nhóm trẻ gia đình, mang về quê nhờ nội, ngoại nuôi hoặc nghỉ việc ở nhà tự chăm. “Chúng tôi không thể gửi con vào trường mẫu giáo công lập vì đã hết chỗ, còn gửi vào nhóm trẻ gia đình thì không an tâm nên ai ở gần thì gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, nếu ở xa đành chấp nhận nghỉ việc ở nhà nuôi con thôi” - chị Hiền tâm sự. Anh Phan Ngọc Quý (công nhân Công ty Dệt lưới Hồng Hải, KCN Điện Nam – Điện Ngọc) có con 3 tuổi đang gửi học ở nhóm trẻ tư thục Họa Mi chia sẻ, nếu không gửi con vào trường tư thục thì không còn cách nào khác vì gia đình ở xa mà vợ thì không thể nghỉ làm ở nhà giữ con mãi. “Ai không muốn con cái mình được vào trường có điều kiện tốt để an tâm cũng như giảm bớt tiền học phí, ăn uống hằng tháng nhưng đâu có được. Bây giờ chỉ mong sao các trường tư thục đối xử, trông coi con mình tử tế, được vậy là mừng rồi” - anh Quý cho biết.
Rất ít trường tư thục đáp ứng về diện tích và điều kiện chăm sóc trẻ. |
Thực tế, không chỉ công nhân lao động làm việc tại KCN không thể gửi con vào trường mầm non công lập mà con em của dân địa phương cũng khó được vào học do trường luôn quá tải nên chỉ còn cách gửi trẻ vào các cơ sở giữ trẻ gia đình. Hiện tại, trên địa bàn xã Điện Ngọc có 18 nhóm trẻ gia đình (3 nhóm trẻ chưa cấp phép) đang hoạt động, chăm sóc và nuôi dạy gần 1.000 trẻ 1 - 5 tuổi. Còn tại xã Điện Nam Bắc, dù số lượng cơ sở giữ trẻ tư thục có ít hơn (1 trường mẫu giáo và 3 nhóm trẻ gia đình) nhưng ngược lại phải chăm sóc gần 700 trẻ. Ngoài những yêu cầu về diện tích chưa đúng quy định, môi trường vệ sinh không đảm bảo… thì nhiều người trông trẻ còn chưa có trình độ chuyên môn về giáo dục mầm non dẫn đến những lo ngại về tai nạn, bạo hành và nhất là nguy cơ bùng phát các dịch bệnh.
Thiếu đất xây trường
Theo bà Nguyễn Thị Sáu – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, nguyên nhân của tình trạng quá tải trên là số trẻ em địa phương tăng cao đột biến trong vài năm trở lại đây cộng với con em của công nhân từ khắp nơi đổ về làm việc tại KCN, vì vậy chính quyền không thể giải quyết hết được. “Trước khi xây dựng Trường mẫu giáo Điện Ngọc (thôn Ngọc Vinh), xã chỉ tính toán số trẻ tại địa phương chứ chưa nghĩ đến nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân làm việc tại KCN nên việc quá tải là không tránh khỏi” - bà Sáu thừa nhận. Hiện nay, Trường mẫu giáo Điện Ngọc có tất cả 14 phòng học với số lượng học sinh theo học tối đa khoảng 430 trẻ. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra phổ cập của trường trong năm học 2014 - 2015, số lượng trẻ trong độ tuổi 3 - 5 tuổi của xã đã gần 890 trẻ, đồng nghĩa hơn một nửa trẻ trong số này không có cơ hội vào trường công lập.
Ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn khẳng định, việc xã hội hóa các trường mầm non đang là giải pháp tối ưu trong tình hình hiện nay khi mà quy định của Nhà nước chỉ cho phép trường công lập đón trẻ trên 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc nở rộ các cơ sở giữ trẻ tư nhân cũng cần phải được quản lý và kiểm soát, kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo hoạt động đúng quy định. Ngoài ra, huyện cũng đang đề nghị tỉnh tạo cơ chế thuận lợi về đất đai để có thể mở rộng đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non trong thời gian đến. “Lợi ích của KCN là việc chung của tỉnh nhưng vấn đề xã hội để huyện chịu một mình thì không được. Tôi nghĩ tỉnh cần có cơ chế cũng như rà soát lại các dự án chưa triển khai để trích đất ra cho địa phương đầu tư xây dựng hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư làm trường mầm non phục vụ nhu cầu hợp lý của người dân và công nhân lao động” - ông Tấn nói. |
Bà Ngô Thị Huế - Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Điện Ngọc cho biết, trong hai năm 2012 và 2013, chính quyền đã đầu tư xây dựng thêm 3 phòng học cho Trường mẫu giáo Điện Ngọc cũng như mở thêm 3 điểm phân bố tại các thôn nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần, hơn 50% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo là con em địa phương phải chấp nhận học tại các cơ sở mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình. Tại xã Điện Nam Bắc tình hình cũng không khá hơn, với số trẻ em người địa phương trong độ tuổi mẫu giáo đã hơn 550 trẻ (chưa kể số trẻ con em công nhân) nhưng Trường mẫu giáo Điện Nam Bắc chỉ có khả năng tiếp nhận 261 trẻ. Tình trạng quá tải này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian đến, tuy vậy việc mở rộng hay xây mới thêm trường là điều nằm ngoài khả năng của địa phương, chủ yếu do chưa có kinh phí.
Theo ông Đàm Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Điện Nam Bắc, việc thiếu trường lớp và vấn đề cấp bách hiện nay ở địa phương nhưng rất khó có thể giải quyết vì phụ thuộc vào kinh phí và mặt bằng. “Tháng 4.2013 xã đã đầu tư mở rộng trường mầm non lên thêm 4 phòng nhưng đến nay cũng chưa xong vì kinh phí hạn hẹp. Ngoài ra, quỹ đất hiện tại cũng không còn do diện tích của xã nhỏ lại vướng các quy hoạch…” - ông Trung nói. Còn theo ông Phạm Văn Huyến – Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, áp lực về thiếu trường lớp không riêng gì ở cấp mẫu giáo mà ngay các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cũng đang chịu sức ép này vì lượng học sinh sẽ tăng cao trong những năm đến. “Theo dự báo trong năm học 2015 - 2016, số học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong sẽ tăng thêm 2 lớp, còn Trường Tiểu học Phạm Như Xương tăng thêm 1 lớp, với tổng số hơn 100 em” - ông Huyến thông tin.
K.LINH – T.ĐẠI