Khu công nghiệp Tam Thăng: Dấu son trên vùng cát

NHẬT PHONG 24/03/2020 13:06

Đến nay, Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng vẫn là địa chỉ thu hút đầu tư hàng đầu trên địa bàn tỉnh và ấn tượng bởi chữ “nhanh” trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư. Đặc biệt đây là KCN đầu tiên của cả nước có nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy xử lý nước thải và nhà máy tái chế nước.

Đến nay, Khu công nghiệp Tam Thăng vẫn là địa chỉ thu hút đầu tư hàng đầu trên địa bàn tỉnh.Ảnh: T.D
Đến nay, Khu công nghiệp Tam Thăng vẫn là địa chỉ thu hút đầu tư hàng đầu trên địa bàn tỉnh.Ảnh: T.D

Động lực phát triển

KCN Tam Thăng giờ như một đại công trường. Trên những phần đất theo các con đường dọc ngang như bàn cờ trong KCN, các dự án đang hối hả đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch.

Điển hình, giai đoạn 1 của dự án sản xuất sợi vải mành, sợi ny lon, sợi thép với tổng giá trị đầu tư 210 triệu USD của Tập đoàn đa quốc gia Hyosung – phụ trợ ngành ô tô (Hàn Quốc) đã hoạt động sau 2 năm tiến hành đầu tư. Một dự án khác của tập đoàn này (40 triệu USD) cũng đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng...

Theo Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (Chủ đầu tư KCN Tam Thăng), tính đến 31.12.2019, KCN Tam Thăng đã thu hút 23 dự án đầu tư. Chiếm phần lớn là FDI với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 515 triệu USD đã đổ vào thực hiện hơn 400 triệu USD. Số còn lại là dự án nội địa với tổng vốn thực hiện 157 tỷ đồng/338,6 tỷ đồng tổng vốn đăng ký đầu tư.

KCN này xuất hiện nhiều tập đoàn, công ty quốc gia có thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới tham gia như Panko (dệt may), Hyosung (phụ trợ ngành ô tô), OCC của Hàn Quốc, Fashion Garments (Hong Kong), kể cả những nhà đầu tư “khó tính” của Đức như Amann, Wendler… Hiện đã có 16 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động với tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 72%.

Nhiều dự án đang hoạt động hiệu quả tại KCN Tam Thăng.Ảnh: T.D
Nhiều dự án đang hoạt động hiệu quả tại KCN Tam Thăng.Ảnh: T.D

KCN Tam Thăng đã “mọc” trên vùng cát đầy ấn tượng. Chỉ sau 5 năm, KCN này đã chứng minh bằng những con số thuyết phục và những điều mới mẻ.

Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai vẫn còn nhớ như in ngày đặt nền móng khai mở vùng cát này. Ngày ấy chưa xa, trên những nổng cát, mới thấy bóng người qua đã mất hút. Con đường, làng mạc hoang vắng đến rợn người. Số đông lao động lên đường tha hương tìm kiếm kế sinh nhai vì không biết làm gì trên những nổng cát đầy nắng, vài mảnh ruộng bên rìa cát đếm trên đầu ngón tay; không đường, không điện, không hệ thống nước sinh hoạt!

Giờ đây, đường sá mới trải nhựa phẳng lỳ ngang dọc. Những người cũ mỗi một lần trở lại thăm quê là thấy “bay mất” mấy xóm nghèo của đám bạn học cũ, lại một lần giật mình khi nghe thấy giá nhà đất mới tăng. Giá trị đất đai, nhà cửa, ruộng vườn khu vực này vọt lên nhanh chóng, trở thành địa chỉ bất động sản được nhiều người quan tâm. Dân địa phương đã tìm thấy cơ hội từ sự phát triển của KCN. Không cần phải bỏ đất vườn tược ra phố kiếm sống như ngày trước! “Không có KCN Tam Thăng, sẽ không có sự phát triển sôi động của vùng đất này như hiện tại” - ông Chúng nói.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Không chỉ sáng giá về tốc độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, Tam Thăng còn định danh một KCN đầu tiên ở Việt Nam trong việc tiên phong có nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy xử lý nước thải và nhà máy tái sử dụng nước. Tam Thăng đang hướng đến một KCN xanh-sạch-đẹp. Thế nhưng không mấy người biết được sự khác biệt của KCN này.

KCN Tam Thăng vốn là 1/5 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003. Sau hơn 11 năm không tìm kiếm nổi một nhà đầu tư hạ tầng, UBND tỉnh đã quyết định giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho hay khi nhận nhiệm vụ, doanh nghiệp đã đứng trước nhiều bài toán nan giải. Nhưng nhờ quyết tâm, ủng hộ của chính quyền và cư dân vùng dự án, một loạt điều chỉnh quy hoạch, lập dự án, thiết kế hạ tầng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập thủ tục thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch vị trí và đầu tư tuyến đường trục chính quốc lộ 1 đi KCN Tam Thăng… đã hoàn tất sau 5 tháng.

Một bản ghi nhớ đầu tư được Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai ký với Panko - nhà đầu tư dệt may lớn nhất Hàn Quốc đến Tam Thăng khi KCN chưa hình thành, kết cấu hạ tầng ngoài KCN chưa có gì, đã mở đường cho tiến trình phát triển của KCN này.

Nhờ sự ủng hộ của địa phương, sự quyết tâm của Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, chỉ 3 tháng sau ngày khởi công (24.3.2015), song song giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng, hơn 30ha đất đã được giao cho “con sếu đầu đàn” Panko xây dựng nhà máy dệt (70 triệu USD) như “món mở hàng” cho KCN. Kéo theo đó là Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc (hơn 6.000 doanh nghiệp thành viên) đã chọn KCN này để đầu tư các dự án đầy tham vọng.

Chủ tịch Panko - ông Choi young Joo nói không thể tin trong một thời gian ngắn mà Quảng Nam đã thỏa mãn được yêu cầu của nhà đầu tư. KCN Tam Thăng là một địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiềm năng để phát triển một cơ sở công nghiệp vững mạnh, lâu dài và môi trường đầu tư tốt.

Vượt qua nỗi lo về thiếu mặt bằng sạch như thường thấy, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai đã thực hiện cơ chế đặc biệt chưa từng có tiền lệ: 80% tiền bồi thường đã ứng trước cho dân chuyển đến nơi mới có cuộc sống tốt hơn nơi cũ, 20% còn lại sẽ chi trả khi phương án bồi thường được phê duyệt. Một khu tái định cư đã hình thành theo hình thức đổi đất.

Chỉ 1 năm sau, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai đã có 100ha đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Không chỉ vậy, một nhà máy xử lý nước thải công suất 28.000m3/ngày đêm (nước thải ra môi trường loại A đạt quy chuẩn Việt Nam) do Panko và nhà máy tái sử dụng nước do Công ty RTS hiện thực hóa với giai đoạn 1 là 13.000m3/ngày đêm hoạt động chính thức giữa năm 2018.

“Việc nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho cả KCN là việc làm mới mẻ trong quá trình phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam. Đặc biệt, đây là KCN đầu tiên ở Việt Nam có nhà máy tái sử dụng nước thải. Điều này đã lý giải nguyên nhân vì sao KCN Tam Thăng có sức hút đặc biệt với nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và gần đây là các nhà đầu tư đến từ châu Âu” - ông Chúng nói.

Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho biết đang lập các thủ tục để triển khai KCN Tam Thăng mở rộng về phía Thăng Bình, góp phần hiện thực hóa Kết luận 15 của Tỉnh ủy Quảng Nam về các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế vùng đông Quảng Nam. Viễn tượng vùng đất nghèo khó vùng đông Thăng Bình sẽ thay đổi nhanh chóng là điều đang được nghĩ tới khi KCN Tam Thăng là động lực phát triển cho cả khu vực.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu công nghiệp Tam Thăng: Dấu son trên vùng cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO