Người dân khu vực nông thôn vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra khá phổ biến. Một phần là do họ thiếu hiểu biết, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ người dân cố tình vi phạm pháp luật. Nổi lên là việc người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán; xả rác thải ra đường; ném đất, đá lên tàu lửa; ngồi trên xe máy lưu thông không đội mũ bảo hiểm… Thực trạng trên khiến ngành chức năng “đau đầu” dù các bên liên quan tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, sử dụng nguồn kinh phí khá lớn cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhưng chưa thấy nơi nào tại Quảng Nam triển khai xây dựng thôn, bản, khối phố văn hóa giao thông (VHGT).
Theo chúng tôi, trước hết mô hình này sẽ “huy động” được cán bộ, đảng viên, công nhân viên, học sinh và quần chúng nhân dân đang sinh sống trong khu dân cư tham gia. Đồng hành với họ, ban công an địa phương phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông công an huyện, thành phố thống nhất xây dựng các tiêu chí về VHGT, trên cơ sở tiêu chí mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành. Sau khi tổ chức họp dân, tuyên truyền kết hợp sân khấu hóa ngay tại địa bàn thì vận động nhân dân phải thống nhất ký cam kết thực hiện. Việc kiểm tra người dân có nghiêm túc làm đúng theo các quy tắc khi tham gia giao thông hay không sẽ được giám sát từ lực lượng chức năng, ban nhân dân, các tổ chức hội, đoàn thể, tộc họ và chính bà con chòm xóm với nhau. Đặc biệt, mô hình trên cũng giúp lực lượng chức năng phân loại trường hợp nào cá biệt vi phạm TTATGT nhiều lần, cán bộ không gương mẫu cần phải đưa ra kiểm điểm trước tộc họ, toàn thể nhân dân để làm gương.
Thực tế, ở Quảng Nam thời gian qua chuyện người dân “nhìn nhau” mỗi khi chuẩn bị điều khiển phương tiện lưu thông trên đường là có thật. Người dân có tâm lý so bì, “noi gương” những người cốt cán trong thôn, khu phố, bản làng không nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Mô hình khu dân cư VHGT nếu được triển khai sẽ khiến mỗi người tự xem lại mình và tự điều chỉnh hành vi bản thân, nếu không sẽ được “xướng tên” trên hệ thống loa truyền thanh mỗi ngày. Được biết, mô hình này ở Quảng Bình bước đầu đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Vậy tại sao chúng ta không học hỏi áp dụng?
SÁU CÒI