Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chủ Nhật, 15/12/2024
Không được tôn tạo, nâng cấp kịp thời, khiến nhiều hạng mục của di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) xuống cấp nặng, đình làng, nhà trưng bày hiện vật đóng cửa im lìm…
Bà và cháu tham quan hầm địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: H.PHÚC |
Di tích xuống cấp
So với 5 năm trước, di tích địa đạo Kỳ Anh bây giờ chẳng khác mấy. Vẫn con đường bê tông uốn lượn theo làng, vẫn tiếng rì rào từ các ngọn tre giữa trưa. Không khó để nhờ bất cứ người dân địa phương nào bỏ chút thời gian đưa đến tận miệng hầm địa đạo, bởi hơn ai hết họ tự hào về mảnh đất anh hùng của mình trong khói lửa chiến tranh. Anh Nguyễn Vĩnh Nuôi – cán bộ văn hóa thông tin xã Tam Thăng đưa tôi dạo quanh đình làng Thạch Tân, mượn thang bắc tường nhảy xuống miệng hầm địa đạo mà không khỏi chạnh lòng. Anh Nuôi bảo, do chưa được đầu tư kịp thời nên di tích xuống cấp thấy rõ. Cổng ngõ hư hỏng, đường hầm không điện, chỉ một trận mưa là nước ngập xăm xắp. Ở khu di tích chẳng có cây xanh, thùng đựng rác thải và cả người chào đón du khách. “Năm 2012, có 36 đoàn tham quan đến địa đạo, chủ yếu là các học sinh từ các trường cấp 2, 3 của tỉnh. Khách ngoài tỉnh đếm trên đầu ngón tay” – anh Nuôi nói.
Chúng tôi muốn vào đình làng Thạch Tân, nơi có hầm cứu thương, hầm chứa lương thực và các miệng thông ra địa đạo để thắp nén nhang thành kính các vị anh hùng liệt sĩ, nhưng đành phải ra về vì lối ra vào then cài cửa đóng. Nhìn vào phòng trưng bày hiện vật đặt trước đình cũng đóng cửa im lìm. Anh Nuôi cho biết, địa đạo do Trung tâm Văn hóa – thông tin TP.Tam Kỳ quản lý. Ở đây chỉ có một nhân viên hợp đồng bảo vệ địa đạo. Không phải du khách đến tham quan bất cứ lúc nào đình làng cũng đều mở cửa. Tôi liếc mắt vào khoảng trống cánh cửa nhìn chẳng thấy hiện vật nào được trưng bày ở bên trong phòng. Chợt nhớ cách đây 5 năm, ngành văn hóa và những người làm du lịch địa phương chào đón các vị lãnh đạo cấp cao, hay tổ chức tọa đàm bảo tồn và xây dựng điểm du lịch di tích quốc gia rất rầm rộ. Lúc đó, phòng trưng bày đầy ắp hiện vật, kỷ vật chiến tranh của vùng đất địa đạo; tổ chức hát bài chòi, ra mắt làng nghề dệt chiếu Thạch Tân; người đến nườm nượp… Còn bây giờ, đình làng hoang vắng đến lạ.
3.926 tỷ đồng xây dựng khu di tích địa đạo Kỳ Anh Ngày 1.2.2013, UBND tỉnh có Quyết định số 423/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch phân khu và ban hành quy định quản lý xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng địa đạo Kỳ Anh. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch hơn 427ha, tại hai thôn Thạch Tân, Vĩnh Bình và hồ Sông Đầm thuộc xã Tam Thăng. Trong đó, khu vực di tích chiếm 375ha. Dự án sẽ đầu tư qua nhiều giai đoạn, với nhu cầu vốn 3.926 tỷ đồng (vốn ngân sách chiếm 8%, vốn xã hội 92%). Giai đoạn đầu sẽ ưu tiên đầu tư các dự án sưu tầm tư liệu, hiện vật về di tích, bảo tồn địa đạo Kỳ Anh, ổn định an sinh xã hội, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật… Đây được xem là giải pháp dài hơi để đánh thức tiềm năng của di tích địa đạo Kỳ Anh, nhưng trước mắt, di tích này cần được “chăm sóc” kịp thời để cứu những hạng mục đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Không mở cửa thì làm sao du khách tìm đến? Mà nếu đến một lần, có ai còn thú vị trở lại? Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng thừa nhận thực tế, hạ tầng kết cấu của di tích quá yếu kém, nhiều hạng mục xuống cấp, đường hầm tăm tối, nước ngập lội lõm bõm. Nhiều năm địa phương thiết tha đề xuất tăng cường một hướng dẫn viên du lịch nhưng vẫn chưa được đáp ứng. “Nhiều lần dẫn khách đến thăm địa đạo, tôi nói thiệt cảm thấy rất khó chịu bởi nước ngập ngang đầu gối” – ông Phong nói.
Giải thích việc di tích lịch sử cấp quốc gia bị “bỏ rơi” suốt thời gian dài, ông Chu Quang Ngân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thông tin TP.Tam Kỳ cho biết, tỉnh đã giao cho ngành văn hóa địa phương quản lý, khai thác di tích địa đạo Kỳ Anh. Thế nhưng, do chưa thành lập được Ban Quản lý di tích nên không có nhân sự làm việc, thiếu hướng dẫn viên du lịch. Địa đạo đã xuống cấp nhưng chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng.
Cần khẩn trương vào cuộc
Hầm địa đạo Kỳ Anh có chiều dài khoảng 20km, xuyên thủng dưới lớp đất cứng và chắc ở độ sâu từ 1 - 1,5m, được thực hiện trong hai năm 1965-1967 dạng bàn cờ quanh co, uốn lượn theo làng Thạch Tân và Vĩnh Bình – xã Tam Thăng. Trong địa đạo có hầm cứu thương, kho chứa lương thực, hầm cảnh giới, hầm tác chiến, hệ thống thông hơi và hầm chỉ huy. Đây là căn cứ địa vững chắc cho vùng đông Tam Kỳ. Đầu tháng 2.2013, UBND tỉnh chính thức phê duyệt quy hoạch phân khu và ban hành quy định quản lý xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng địa đạo Kỳ Anh nhằm hình thành một quần thể di tích lịch sử, gắn kết với các giá trị di sản thiên nhiên, lịch sử, con người. Đã có những phác thảo về lộ trình đầu tư, chủ yếu từ nguồn vốn huy động xã hội nhưng nhiệm vụ mang tính cấp thiết nhất là bảo tồn di tích, ổn định an sinh xã hội, cảnh quan môi trường, hạ tầng và sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình xuống cấp, có nhiều khả năng biến thành phế tích.
Bà Lê Thị Hiến, 78 tuổi, một nhân chứng sống ở làng Thạch Tân đề nghị, không cần những “dự án vẽ vời”, những công trình đồ sộ mọc lên, vùng đất này chỉ cần người ta đánh thức những giá trị thiêng liêng, bảo tồn và phát huy hết những gì vốn có của di tích. Còn Chủ tịch UBND xã Tam Thăng Châu Thanh Phong mong muốn, đình làng, địa đạo sẽ luôn mở cửa thường ngày. Trong khi chờ đợi sự đầu tư quy mô, ngành văn hóa tỉnh, thành phố cần khẩn trương bố trí nhân sự, hướng dẫn viên để khi du khách đến thăm không phải mù mờ thông tin về mảnh đất anh hùng có địa đạo Kỳ Anh.
HỮU PHÚC