Khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà: Sớm bàn giao, khắc phục tình trạng xuống cấp

NGUYÊN ĐOAN 01/03/2021 08:07

Đó là một trong các nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân sau khi có chuyến khảo sát thực tế tại Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà và làm việc với UBND huyện Duy Xuyên cùng các ngành liên quan.

Một điểm sạt lở ta luy dương khiến lượng rất lớn đất đá tràn xuống đường dẫn vào Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. Ảnh: N.Đ
Một điểm sạt lở ta luy dương khiến lượng rất lớn đất đá tràn xuống đường dẫn vào Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. Ảnh: N.Đ

Hư hỏng, xuống cấp

Di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định 2164 ngày 8.6.2012. Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào cho thế hệ trẻ, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục, công trình với tổng kinh phí đầu tư hơn 46,2 tỷ đồng và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (20.10.2017).

Sau các cơn bão lũ xảy ra cuối năm 2020, nhiều đoạn đường dẫn vào khu di tích bị sạt lở nghiêm trọng ở cả ta luy âm và ta luy dương; đất đá trên các triền dốc đổ dồn xuống cống, ngầm và tràn trên đường với khối lượng rất lớn. Đặc biệt, đoạn đường từ nhà đón tiếp đến di tích (khoảng 500m) cây và dây leo ngã ra đường chằng chịt rất khó đi lại.

Trong khi đó, các hạng mục ở khu di tích phục dựng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể: Tại di tích nhà bí thư, nhà phó bí thư, nhà văn phòng, nhà hội trường, nhà ăn, toàn bộ hệ thống cửa bằng gỗ bị mối mọt làm hư hỏng; tường bằng khung gỗ ghép ván bị hư hỏng nặng; mặt trên của mái lợp lá, mặt dưới lớp cót ép tre đã bị mục nát, nước mưa dột nhiều chỗ. Bên trong nhà, bàn ghế và vật dụng bằng tre, gỗ cũng bị hư hỏng, không còn sử dụng được; tất cả ảnh tư liệu bị hỏng. Mái nhà bia di tịch thấm nước, chảy xuống nền gây nấm mốc, một phần lan can mái bị gãy.

Chuyến khảo sát thực tế của đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân dẫn đầu vào tuần qua cũng ghi nhận, tại khu nhà trưng bày và đón tiếp chưa có điện; các tủ bục trưng bày không có khóa, một số tủ không có kính bảo vệ hiện vật; mùi ẩm mốc rất nặng do lâu ngày không mở cửa, thiếu bàn tay quản lý, chăm sóc của con người.

Tại cuộc làm việc chiều cùng ngày, ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định, trách nhiệm của huyện là phải cùng với tỉnh chăm lo bảo vệ, phát huy được giá trị của Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là hiện nay địa phương chưa được Sở VH-TT&DL bàn giao để quản lý như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Tỉnh sớm cho chủ trương để huyện nhận khắc phục các hạng mục, công trình bị xuống cấp do thiên tai, sửa chữa các nhà di tích theo hướng bền vững, giữ đúng nguyên trạng di tích gốc; đầu tư hệ thống điện mặt trời phục vụ nhu cầu tại nhà trưng bày, đón tiếp du khách. Cùng với đó, bố trí con người làm công tác quản lý, chăm sóc khu di tích…” - ông Cảnh kiến nghị.

Sớm quyết toán, bàn giao

Theo tìm hiểu, các hạng mục, công trình của Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà đã được nghiệm thu chuyên ngành theo quy định, tại Thông báo số 1323 ngày 21.8.2019 của Sở Xây dựng; Thông báo số 3346 ngày 26.12.2019 của Sở GT-VT và được bàn giao cho UBND huyện Duy Xuyên vào ngày 13.3.2020. Công trình đã được thanh tra tại Quyết định số 122 ngày 4.5.2020 của Thanh tra tỉnh.

Riêng Sở VH-TT&DL vẫn chưa có biên bản nghiệm thu bàn giao cho UBND huyện Duy Xuyên các hạng mục của công trình thuộc dự án Bảo tồn và phát huy các giá trị Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà theo tinh thần Công văn số 5969 ngày 7.10.2019 của UBND tỉnh và nội dung tại buổi bàn giao ngày 13.3.2020. Sở VH-TT&DL cũng chưa trình UBND tỉnh, Sở Tài chính thẩm tra phê duyệt quyết toán và kiểm toán độc lập.

Giải trình về các vấn đề liên quan, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 13.3.2020, sở đã chuẩn bị hồ sơ, phối hợp với các ngành liên quan, UBND huyện, đơn vị thi công khảo sát, bàn hướng khắc phục các vấn đề còn khiếm khuyết. Do chờ hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục liên quan với các phòng chuyên môn huyện nên chưa bàn giao chính thức giữa sở với địa phương.

“Cơ sở pháp lý để bàn giao, không có vấn đề gì vướng nữa. Với trách nhiệm của sở, chờ kiểm toán xong sẽ kết thúc thanh quyết toán. Đề nghị UBND huyện Duy Xuyên thống nhất nhận bàn giao toàn bộ để quản lý, khai thác, phục vụ theo đúng tinh thần Quyết định 08 năm 2018 của UBND tỉnh về quản lý di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh” - ông Hồng nói.

Thừa nhận việc chưa phát huy được giá trị, sự xuống cấp nghiêm trọng của các hạng mục, công trình, ông Hồng cũng kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí khắc phục, duy tu bảo dưỡng hằng năm và nhân lực đảm nhiệm việc quản lý, vận hành, phục vụ tại khu di tích này.

Thống nhất với các kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở VH-TT&DL khẩn trương hoàn thành quyết toán đối với khối lượng còn lại của dự án. Đồng thời yêu cầu UBND huyện Duy Xuyên, Sở VH-TT&DL tiến hành tiếp nhận, bàn giao nguyên trạng đối với Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. “UBND tỉnh đã có chủ trương bàn giao sớm, hoàn toàn phù hợp với Nghị định 166 ngày 25.12.2018 của Chính phủ về cơ chế quản lý, bảo vệ, vận hành, phát huy giá trị di tích. Chính quyền địa phương quản lý mới phát huy tốt giá trị của khu di tích; cần nhận bàn giao sớm nhằm xử lý các vấn đề đang đặt ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh. Về bộ máy quản lý sau khi bàn giao, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, UBND huyện Duy Xuyên thành lập tổ quản lý, giao Trung tâm VH-TT&PT-TH huyện làm cơ quan chủ quản, với sự hỗ trợ từ tổ quản lý bảo vệ rừng hiện nay. Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu tỉnh giao thêm biên chế, con người và UBND huyện Duy Xuyên có kế hoạch tiếp nhận, sử dụng hợp lý, khắc phục tình trạng không có nhân lực chuyên môn quản lý, chăm sóc khu di tích như thời gian qua…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà: Sớm bàn giao, khắc phục tình trạng xuống cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO