Các chủ đầu tư của 54 dự án vào Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đều cam kết thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai xây dựng, nhiều dự án vẫn còn dang dở.
|
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: T.D |
Ngổn ngang...
Theo báo cáo của Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, 10 năm qua, khu đô thị mới đã có 54 dự án (trong đó có 23 dự án kinh doanh bất động sản) đăng ký đầu tư trên diện tích đất giao khoảng 1.472ha với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng. Hiện một số dự án đã thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng gần 600ha, tái định cư cho gần 500 hộ, nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách 69,114 tỷ đồng, ký quỹ bảo đảm đầu tư 23 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư của các dự án quý I/2013 hơn 82,5 tỷ đồng (vượt xa tổng giá trị đầu tư cả năm 2012 đến 7,5 tỷ đồng), nâng tổng giá trị đầu tư đến hết quý I/2013 của các dự án là 1.082 tỷ đồng. Ông Đặng Hoàng Duy, Trưởng ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, nhờ thu hút nhiều loại hình đầu tư ngoài các dự án bất động sản như y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề… đã làm thay đổi bộ mặt đô thị. “Cơ chế thoáng mở, thân thiện đã thu hút nhiều dự án và sự kiên quyết thu hồi các dự án kéo dài quá lâu hoặc chậm triển khai để chuyển đổi cho các chủ đầu tư có năng lực tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm… đã làm giảm phiền hà cho các hộ dân trên vùng dự án” - ông Duy nói.
Không ai nghi ngờ về ý tưởng và dự báo tương lai về một đô thị sẽ hình thành ở phía bắc Quảng Nam kết nối với TP.Đà Nẵng năng động. Tuy nhiên, hiện khu đô thị mới này vẫn còn là một trảng cát mênh mông, ngổn ngang nhiều công trình dở dang. Theo thống kê, hiện 2 dự án BT là đường nối 607 đến 603 A chỉ mới xong thủ tục chọn nhà đầu tư mới để quý III/2013 triển khai thi công 2km, đường 603 nối dài thì 400m đoạn đầu đã xong phần mặt đường cấp phối, 2,4km tiếp theo cũng mới lập xong phương án giải phóng mặt bằng, xong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư ì ạch. Hiện tại khu đô thị mới này cũng mới có 5 dự án đã và đang hoàn thành, 16 dự án tiếp tục triển khai và 7 dự án đã dừng thi công hoặc chưa triển khai. Số còn lại đang trong giai đoạn thăm dò hoặc hoàn tất các thủ tục đầu tư. Ban quản lý vẫn đang “kêu cứu” chính quyền tỉnh về việc thúc đẩy các chủ dự án, đầu tư sớm xây dựng hoàn chỉnh tuyến ĐT 603, 607, sông Cổ Cò và tiếp tục ghi vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng hai tuyến nối từ ĐT 607 đến ĐT 603 A và ĐT 603 nối dài…
Nhà đầu tư than phiền
Chủ đầu tư của 54 dự án tại khu đô thị mới này đều cam kết sẽ theo đuổi dự án tới cùng. Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban mới đây, hầu hết chủ đầu tư đều cho rằng, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng khá ách tắc trong nhiều năm lẫn khó khăn chung của nền kinh tế khiến dự án phải triển khai chậm hay phải tạm dừng để chờ thị trường hồi phục. Theo ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH&SXTM Bách Đạt, công ty đã ký hợp đồng với trung tâm khai thác quỹ đất huyện hai năm rồi nhưng vẫn không thể thực hiện giải phóng mặt bằng. “Không có con đường đưa đất vào dự án thì làm sao nhà đầu tư triển khai được. Hay như dự án 7B chi trả đền bù rồi mà doanh nghiệp ra làm đường thì dân không cho, không biết kêu ai. Chúng tôi rất muốn chính quyền và ban quản lý có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp” - ông Vinh nói. Theo bà Lê Anh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Chí Thành, doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì khủng hoảng nên “khẩn cầu” chính quyền và ban quản lý gia hạn thêm thời gian nộp tiền để theo đuổi dự án đến cùng. Nhiều doanh nghiệp than phiền 10 năm qua công tác đền bù giải tỏa vẫn chưa xong. Nhiều nhà đầu tư khác cho rằng, khi dự án triển khai thì vướng giải tỏa, dân vẫn tiếp tục đòi quyền lợi trên phần đất đã chi trả bồi thường.
Tiến độ đầu tư ì ạch đã khiến ban quản lý và địa phương sốt ruột. Ông Đặng Hoàng Duy - Trưởng ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc khẳng định sẽ tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai để có thêm những giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các nhà đầu tư sớm hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư để triển khai dự án. Đối với số dự án dừng thi công hoặc chưa triển khai, nếu không thực hiện đúng cam kết tiến độ đầu tư, đơn vị sẽ lập các thủ tục trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, quyết tâm của ban quản lý trong việc làm sạch môi trường đầu tư và nỗ lực của một số dự án sẽ không đủ để thực hiện hóa ước mơ đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành khu đô thị mới. Trong đó, việc khớp nối toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và các thiết chế văn hóa trong khu đô thị mới để Điện Bàn trở thành đơn vị hành chính cấp thị xã thuộc tỉnh vào năm 2015 sẽ khó thành hiện thực với điều kiện thiếu hụt kinh phí và tiến độ đầu tư chậm chạp của các dự án như hiện nay!
TRỊNH DŨNG