Cuối tuần qua, tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) đã diễn ra lễ kỷ niệm 9 năm ngày Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Khu DTSQTG).
Người dân thực hiện chiến dịch “Cù Lao Chàm cam kết không sử dụng ống hút nhựa”. Ảnh: HẢI THỌ |
Hành trình 9 năm
Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng - kiêm Trưởng ban Quản lý Khu DTSQTG Cù Lao Chàm cho biết cách đây 9 năm, tức ngày 26.5.2009, tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Ủy ban Điều phối Quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm là Khu DTSQTG. Từ đó Cù Lao Chàm hòa vào mạng lưới 9 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam, 669 khu dự trữ sinh quyển tại 120 quốc gia trên thế giới. “Đây là danh hiệu quý giá, là một sự ghi nhận của UNESCO đối với những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng, của chính quyền, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài TP.Hội An với công cuộc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn tại vùng đất này” - ông Hùng bày tỏ.
Theo ông Hùng, trong số 9 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam, Cù Lao Chàm được UNESCO đánh giá là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự giao thoa, hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đây là đặc trưng quan trọng nhất mà Cù Lao Chàm cần gìn giữ và phát huy để thật sự mang lại lợi thế, tiềm năm trong phát triển du lịch sinh thái, ổn định sinh kế, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho TP.Hội An và Quảng Nam. Bởi 9 năm về trước, Cù Lao Chàm với hơn 80% người dân có cuộc sống phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản ven bờ, ngay trên các rạn san hô; vấn đề rác thải, nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên - môi trường còn nhiều hạn chế, du khách đến với Cù Lao Chàm còn rất ít.
Tuy nhiên, kể từ khi được định hướng phát triển du lịch và bảo vệ môi trường mà cụ thể nhất là nói không với túi ny lon… đã tạo nên sức bật, nhận thức của người dân thay đổi. Từ đó góp phần thu hút được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiều đoàn tình nguyện viên đến giúp người dân Cù Lao Chàm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Ông Nguyễn Văn Thạnh (thôn bãi Làng) - tình nguyện viên bảo vệ rùa biển cho biết chính nhờ sự giúp đỡ, người dân ở đây ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên, các loài động vật, hệ sinh thái đang cạn kiệt. “Khi giữ được nguồn tài nguyên này, sẽ là sự hấp dẫn rất lớn để thu hút du khách đến với Cù Lao Chàm và nhờ thế, du lịch mới phát triển bền vững được” - ông Thạnh chia sẻ.
Nâng tầm thế giới
Chín năm nhìn lại, để thấy những gì đã làm được, những gì chưa làm được, cũng như nhận ra những vướng mắc cùng nhau gỡ bỏ cho mục tiêu vào ngày 26.5.2019, khi Khu DTSQTG Cù Lao Chàm tròn 10 năm tuổi, sẽ đủ cơ sở để UNESCO xem xét việc duy trì danh hiệu và quảng bá hình ảnh Cù Lao Chàm - Hội An đến với toàn thế giới. Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên - môi trường cho rằng, chính sự quyết tâm của người dân, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ tích cực của nhiều bên, Cù Lao Chàm đã có được thành quả ngày hôm nay. Đồng thời mong rằng tinh thần này sẽ được tiếp tục để nâng tầm thương hiệu Cù Lao Chàm trên bản đồ du lịch thế giới.
Để hướng đến mục tiêu như trên khi Khu DTSQTG Cù Lao Chàm tròn 10 năm tuổi vào năm tới, UBND TP.Hội An đã ban hành quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 3.4.2018 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đánh giá định kỳ 10 năm khu sinh quyển (2009 - 2019). Trước đó, TP.Hội An cũng đã thiết lập chương trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sinh quyển, được UBND TP.Hội An phê duyệt trong Kế hoạch quản lý tổng hợp khu sinh quyển giai đoạn 2015 - 2019, tầm nhìn 2030. Qua các hội thảo và các đợt tham quan học tập kinh nghiệm thực tiễn, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định như: thu hút sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự tham gia của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như định hướng trong việc lựa chọn và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận khu sinh quyển cho các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, dựa trên nền tảng bảo tồn, phù hợp với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong khu sinh quyển.
Đặc biệt, thông điệp Ngày môi trường thế giới 2018 với chủ đề Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa, ngày 26.5, chính quyền TP.Hội An cũng đã phát động chương trình “Cù Lao Chàm cam kết không sử dụng ống hút nhựa”. Ống hút nhựa là loại rác phổ biến thứ 6 nằm trong số 10 loại rác thải thường thấy trên các đại dương. Hiện nay chính phủ nhiều nước, trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa đã tiến tới ban hành lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa như một số thành phố tại Thụy Sĩ, Philippines và sắp tới đây là vương quốc Anh. Đối với Cù Lao Chàm, trong quá trình tham vấn với chính quyền và người dân, đã nhận được sự đồng thuận cao. “Cách đây 9 năm, chúng ta phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ny lon” và chúng ta đã làm được. Thì bây giờ, tôi hy vong rằng với chiến dịch này, chúng ta vẫn sẽ làm được” - ông Hùng bày tỏ, sau khi phát biểu phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm cam kết không sử dụng ống hút nhựa”.
MINH HẢI - XUÂN THỌ