Giai đoạn 2021 - 2030, Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai đã định vị chiến lược cho hành trình phát triển, khắc phục khó khăn, đón đầu luồng gió đầu tư mới vì sự phát triển chung của Quảng Nam.
Bức tranh tươi sáng
Khu KTM Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào ngày 5.6.2003, là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với mô hình khu kinh tế tổng hợp, áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, phù hợp theo thông lệ quốc tế.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý và yếu tố thuận lợi để xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển của khu cũng như vùng đông nam Quảng Nam đến năm 2030.
Qua 18 năm xây dựng và phát triển (2003 - 2021), Khu KTM Chu Lai đã tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng đường bộ, đường biển, hàng không. Quy hoạch hệ thống cảng biển Chu Lai thành cảng loại I và đang được Bộ GTVT thẩm định để cập nhật vào Quy hoạch hệ thống cảng quốc gia cùng một số dự án động lực quy mô lớn tiêu biểu như đường ven biển 129 kết nối Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đường Võ Chí Công - PV), dự án trung tâm khí điện và năng lượng sau khí, sân bay Chu Lai được xã hội hóa đầu tư. Nhiều dự án khác mà tỉnh đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực phát triển mới.
BQL tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án và đã tạo được tiếng vang, từ đó có nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến tìm hiểu. Phần lớn DN đã đầu tư đều hoạt động sản xuất ổn định, góp phần giải quyết nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Khu KTM Chu Lai có 180 dự án với tổng vốn đầu tư là 122,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,6 tỷ đô la Mỹ (48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 721 triệu USD, 132 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 106,5 nghìn tỷ đồng). Trong đó, 113 dự án đã hoạt động với tổng vốn thực hiện 43,3 nghìn tỷ đồng.
Vận hội mới
Năm 2021 là năm bản lề của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường, nguy cơ thách thức đối với nền công nghiệp nước ta vẫn còn nhiều, nhất là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng thấp; đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Việc xây dựng các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài, lựa chọn DN có thương hiệu, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình sản xuất, dịch vụ phù hợp với lợi thế của Quảng Nam nói chung và vùng ven biển của Khu KTM Chu Lai nói riêng gặp khó khăn lớn. Do vậy, đổi mới các phương thức xúc tiến đầu tư, nâng cao việc xúc tiến đầu tư tại chỗ là một trong những giải pháp ưu tiên trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2021 - 2025 và hướng đến năm 2030, đứng trước những thách thức của bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những cơ hội mới và trên cơ sở khắc phục khó khăn, yêu cầu đặt ra đối với Khu KTM Chu Lai và vùng đông nam phải là khu vực động lực để phát triển Quảng Nam.
Cùng với đó, sắp xếp lại các nhóm dự án trọng điểm theo Kết luận số 25-KL/TU, trong đó hạn chế phát triển các dự án công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may tại vùng đông; đề xuất các nhóm dự án mới phù hợp điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai và yêu cầu phát triển mới.
Theo Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai, trong mỗi nhóm dự án trọng điểm, xác định một dự án động lực gắn với các khu chức năng để từng bước hình thành các cực phát triển các nhóm ngành công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, logistics và đô thị; xây dựng chính sách, thể chế cho các khu phi thuế quan và dịch vụ logistics, xây dựng chính sách hỗ trợ cho khu công nghiệp công nghệ cao, gắn với vai trò phát triển từng khu để tạo động lực mới trong phát triển đảm bảo đồng bộ, bền vững, hướng đến tiêu chí xanh, thân thiện môi trường. Cùng với đó, BQL tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đồng hành khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đa dạng nguồn lực đầu tư
Để tận dụng cơ hội khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước EU hay ASEAN, BQL sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Khu KTM Chu Lai. Mục đích đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các nhà đầu tư.
Huy động các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu kinh tế. Đặc biệt, kêu gọi đầu tư bến cảng tiếp nhận tàu 5 vạn tấn, hạ tầng khu công nghiệp, xây dựng trường đào tạo nghề, các khu nhà ở công nhân, khu nhà ở xã hội để cải thiện môi trường đầu tư.
Đẩy mạnh hợp tác với Đà Nẵng, Quảng Ngãi, các địa phương và cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả liên kết phát triển, cùng khai thác không gian phát triển chung sân bay Chu Lai; phát triển hạ tầng giao thông kết nối; có chính sách liên kết phát triển vùng đông - tây của tỉnh.
BQL đẩy mạnh tạo dựng, quảng bá hình ảnh Khu KTM Chu Lai; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách ưu đãi, quy định pháp luật và môi trường đầu tư qua nhiều kênh truyền thông. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2021, đặc biệt là các dự án đã có quy hoạch phân khu, trong đó chú trọng các ngành nghề công nghệ mới như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới.
Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cơ chế, chính sách đặc thù cho nhóm các dự án lớn trọng điểm; huy động các nguồn vốn để đầu tư kết hạ tầng quan trọng để xúc tiến, kêu gọi đầu tư.