Sau chặng đường 15 năm, sức hút đầu tư là thành tựu nổi bật của Khu kinh tế mở Chu Lai. Từ khi thành lập đến nay, Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 93,8 nghìn tỷ đồng (hơn 4,52 tỷ USD); trong đó 111 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đã thực hiện 68.300 tỷ đồng. Chu Lai tham gia giải quyết việc làm cho hơn 26.000 lao động thường xuyên, góp phần tạo sự ổn định về mặt chính trị - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, vùng đông nam của tỉnh và Khu kinh tế mở Chu Lai tập trung xây dựng và hình thành 6 nhóm dự án trọng điểm gắn với các nhà đầu tư chiến lược. Các nhóm dự án này có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 10.000ha trải dài qua 4 địa phương gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, được xem là động lực mới của Chu Lai trong giai đoạn hiện nay.
ĐÔ THỊ DU LỊCH, GIẢI TRÍ, NGHỈ DƯỠNG CAO CẤP
Nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An đang triển khai, tiếp tục hiện thực hóa chủ trương phát triển đô thị ven biển vùng đông nam của tỉnh. Nhóm dự án này có quy mô phát triển theo quy hoạch khoảng 4.000ha, trên phạm vi 4 xã của huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, là khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, với các sản phẩm dịch vụ đặc thù. Điểm nhấn là Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với vốn đầu tư 4 tỷ USD, do liên danh giữa 3 tập đoàn Chow Tai Fook, Suncity group và Vinacapital đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án khai thác xây dựng khoảng 163ha, với mức đầu tư 500 triệu USD. Theo chủ đầu tư, từ đầu năm 2019, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động tại địa phương. Tất cả lao động được đào tạo bài bản về chuyên môn khách sạn lưu trú, dịch vụ du lịch theo chuẩn quốc tế. Điều này đem lại nguồn đóng góp ngân sách cho tỉnh, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng dịch vụ du lịch tại chỗ.
Khách tham quan, vui chơi ở Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ngoài ra, năm 2018 Tập đoàn Vingroup chính thức đưa dự án Vinpearl Nam Hội An với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, tọa lạc tại 2 xã Bình Dương và Bình Minh (huyện Thăng Bình) có quy mô diện tích 200ha vào hoạt động. Nơi đây đã, đang đầu tư xây dựng một loạt khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, giải trí có thưởng, khu vui chơi cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ với những hạng mục như khối khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các hình thức căn hộ dịch vụ…
XÂY DỰNG TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP Ô TÔ
Nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô có quy mô khoảng 2.000ha, thuộc Khu công nghiệp Tam Hiệp và Tam Anh. Nhóm dự án trọng điểm này do Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện, cùng với chuỗi dự án lớn khác triển khai trong giai đoạn 2016 - 2018, có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó Thaco đầu tư trực tiếp 20.372 tỷ đồng.
Phân xưởng sản xuất xe bus của Công ty CP Ô tô Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đối với dự án này, Khu kinh tế mở Chu Lai đã giao 210ha cho chủ đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải và xây dựng 2 tuyến đường. Đến nay, một số dự án đưa vào hoạt động gồm: nhà máy xe con mới với công nghệ hàn laser, công nghệ sơn tân tiến nhất (công suất 100.000 xe/năm), nhà máy xe tải mới (hơn 100.000 xe/năm), nhà máy xe buýt (5.000 xe/năm), nhà máy xe buýt mini 12 - 16 chỗ (10.000 xe/năm).
Với chủ trương từng bước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, thay vào đó tự sản xuất, Thaco Trường Hải đang trở thành đầu tàu trong việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DỆT MAY
Nhóm công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ, trong đó lấy Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng gắn với Công ty Panko và Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc là nhóm nhà đầu tư chiến lược. Nhóm dự án này được kỳ vọng sẽ là bước đột phá mới cho vùng đông Tam Kỳ, giúp ngành dệt may có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ).Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tính đến nay, KCN Tam Thăng có 10 doanh nghiệp FDI, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào KCN này, với tổng vốn đăng ký gần 200 triệu USD. Trong đó, có 6 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 135 triệu USD và 40 tỷ đồng. Theo Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (đơn vị được giao quản lý KCN Tam Thăng), đến nay diện tích sử dụng đất của KCN Tam Thăng gần 100ha. Tập đoàn Panko đã đặt chân đầu tiên đến vùng đất này để xây dựng nhà máy dệt may Panko, với vốn đầu tư 70 triệu USD. Từ vùng cát trắng hoang hóa, giờ đây KCN Tam Thăng đã khá đồng bộ về hạ tầng điện - đường - nước thải xử lý và dọn sạch mặt bằng chào đón nhà đầu tư với kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng đông Tam Kỳ.
NGUỒN NĂNG LƯỢNG MỚI TỪ CHU LAI
Nhóm dự án khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí đang được xúc tiến đầu tư, trong đó lấy dự án Trung tâm Khí - điện miền Trung (400ha) đầu tư tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil (Hoa Kỳ) hợp tác đầu tư làm hạt nhân. Dự án này khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88km về phía đông. Theo khảo sát, trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ khí này khoảng 150 tỷ mét khối.
Các nhà máy xử lý khí - điện từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ được xây dựng tại vùng ven biển Núi Thành, sẽ tạo nguồn năng lượng mới từ Chu Lai. Ảnh: ĐỨC HẠNH |
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600 - 700MW, dự kiến vận hành vào năm 2023. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện này sẽ đặt tại huyện Núi Thành. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, hiện Quảng Nam chuẩn bị 1.000ha mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai nhanh dự án khi hoàn thành các thủ tục đầu tư. Trong đó, có 160ha phục vụ cho Exxon Mobil, 200ha để phục vụ cho dự án nhà máy điện khí…
MỞ RỘNG DỊCH VỤ, HÌNH THÀNH TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP HÀNG KHÔNG
Với lợi thế đắc địa của một sân bay quốc tế nằm ở khu vực miền Trung Việt Nam và chiến lược phát triển của địa phương, khu vực, Quảng Nam đang tiếp tục xúc tiến các nguồn lực đầu tư sân bay Chu Lai thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, vận chuyển hành khách, trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Năm 2018, sân bay Chu Lai đón khoảng một triệu hành khách và nhu cầu vận chuyển đang gia tăng. Ảnh: ĐỨC HẠNH |
Từ một sân bay bị bỏ hoang sau chiến tranh, sân bay Chu Lai được tổ chức quy hoạch lại là một trong 4 sân bay lớn nhất của cả nước (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành, Chu Lai) theo tiêu chuẩn cấp 4F. Đến nay, hạ tầng trong và ngoài sân bay đã được đầu tư nâng cấp và đã đưa vào khai thác các tuyến nội địa, với quy mô 1,7 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu hiện tại và đến năm 2020. Hiện các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar khai thác loại máy bay lớn, lượng hành khách và hàng hóa đi và đến sân bay Chu Lai không ngừng gia tăng (năm 2005 đạt 155 nghìn lượt khách, năm 2018 đạt khoảng 1 triệu lượt hành khách và hơn 1.000 tấn hàng hóa). Dự báo nhu cầu hành khách và hàng hóa qua sân bay Chu Lai tiếp tục tăng trong thời gian tới.
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI HẬU CẦN NGHỀ CÁ
Quy hoạch và tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản trong đó lấy mô hình thực hiện dự án nông nghiệp sinh thái của Công ty CP Vinpearl (Thăng Bình), nhóm các nhà đầu tư thực hiện dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tại xã Tam Quang làm động lực. Đây là nhóm dự án trọng điểm không những phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, tiêu thụ cho tỉnh và vùng duyên hải Trung Trung Bộ, mà còn ứng dụng phát triển các sản phẩm công nghiệp khác, góp phần bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm.
Khu vực cảng cá Tam Quang đang được đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá.Ảnh: ĐỨC HẠNH |
Dự án cảng cá Tam Quang đang triển khai có tiêu chí loại I, quy mô đầu tư gồm bến cập tàu liền bờ có tổng chiều dài 254m, rộng 10m; đường vào trục chính, đường nối ngoài cảng dài 176m, rộng 26m, đường dọc bến dài 250m, rộng 13,5m; khu nước trước bến, san nền, hệ thống báo hiệu. Dự án được đầu tư từ ngân sách hơn 121 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam làm chủ đầu tư. Cảng cá Tam Quang có vai trò rất quan trọng, là đầu mối tập trung phân phối hàng hải sản cho khu vực, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần phát triển ngành thủy sản và kinh tế - xã hội của tỉnh.
MINH ĐỨC - BÍCH HẠNH (thực hiện)