(QNO) - Cộng đồng người Quảng nói chung và đặc biệt người Quảng ở khu Bảy Hiền nói riêng đóng vai trò kinh tế và văn hóa trong tổng thể văn hóa TP.Hồ Chí Minh.
Làng dệt
Vì đến Sài Gòn lâu đời nên cộng đồng người Quảng ở khu Bảy Hiền đã trở thành cộng đồng cư dân TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây với 90% dân cư có gốc gác từ Quảng Nam. Hầu hết sống bằng nghề dệt vải hoặc những nghề có liên quan đến nghề dệt như: nghề nhuộm, buôn bán vải sợi, nghề may, nghề mộc, cơ khí,…
Nói đến khu vực Bảy Hiền, mọi người sẽ nhắc đến làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, là cái nôi của ngành dệt thủ công ở Sài Gòn -Gia Định trước giải phóng, có nhiều đóng góp cho kinh tế tiểu thủ công nghiệp TP.Hồ Chí Minh từ sau giải phóng đến nay.
Các cụ lớn tuổi ở đây cho biết, làng dệt Bảy Hiền ra đời từ những năm 1957-1958, nhưng theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết nghề dệt của người Quảng ở đây đã có từ trước năm 1954. Qua thời gian, ban đầu Bảy Hiền chỉ là vùng đất hoang sơ toàn cao su và lúa đến cuối năm 1972, đầu năm 1973 Bảy Hiền có đến 2.000 khung cửi, mỗi năm sản xuất hơn 16 triệu mét vải lụa. Đến những năm 1975-1985, Bảy Hiền là đơn vị sản xuất hàng gia công cho Nhà nước thông qua phong trào hợp tác hóa. Năm 1976, Bảy Hiền có 33 tổ hợp tác sản xuất, năm 1977, hợp tác xã thí điểm ra đời, là HTX duy nhất của ngành dệt và là một trong 5 HTX đầu tiên của thành phố. Nhìn chung, giai đoạn 1975-1985 ngành dệt Bảy Hiền được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của quận Tân Bình, thu hút nhiều lao động nhập cư người Quảng.
Giai đoạn 1986-1990: làng dệt Bảy Hiền giải thể các HTX chuyển đổi sang cơ chế thị trường theo sự chuyển đổi của chính sách kinh tế sau Đại hội Đảng lần VI. Các hộ dệt hoàn toàn chủ động trong sản xuất. Thời điểm năm 1991 được đánh giá là năm phát triển cao nhất, làng dệt Bảy Hiền có hơn 6.000 khung dệt các loại, có 35 máng mắc sợi, 9 hồ nhuộm in bông, sản xuất hơn 24 triệu mét vải/năm, có giá trị tổng sản lượng gần 2 tỷ đồng. 10 năm gần đây, làng dệt Bảy Hiền sa sút do khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan…
Trải qua nhiều năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp dệt may người Quảng đã có những đột phá trong sản xuất, kinh doanh hàng dệt may cho TP.Hồ Chí Minh, có thương hiệu và xuất khẩu đi nhiều nước. Điển hình là dệt may Thái Tuấn, Công ty dệt Quảng Hiền, Công ty dệt Toàn Thịnh…
Văn hóa Quảng ở TP.Hồ Chí Minh
Cộng đồng người Quảng ở khu Bảy Hiền được xem là “khu người Quảng”, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian (cúng xóm, lễ kỳ yên, cúng đình, cúng nhà thờ họ…), đặc sản ẩm thực Quảng Nam, các mối quan hệ dòng họ bền chặt, quan hệ cộng đồng cởi mở, gần gũi… làm nên bức tranh cộng đồng cư dân TP đa dạng, đa màu sắc vùng miền.
“Cốt cách” đặc trưng của người Quảng là trọng tình nghĩa, sống đạo lý có trước có sau, có tôn ty trật tự. Trong dòng họ, họ quý trọng ông bà tổ tiên, nguồn cội. Xem trọng các nghi lễ thờ cúng và nghi thức lễ hội. Vì vậy, trong gia đình, nghi lễ gia giáo phong kiến được áp dụng khá triệt để. Do đó, trong giao tiếp, ứng xử, họ được cha mẹ dạy cách ăn nói, đi đứng, ăn mặc, thái độ nghiêm túc… Điều này cũng có mặt rất tốt về giáo dục lễ giáo trong gia đình, dòng tộc, nhưng bên cạnh đó yếu tố gia trưởng và trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề.
Vì sinh ra ở vùng quê nghèo khó, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên tính cần kiệm được trui rèn qua nhiều năm tháng. Do đó người Quảng làm được 8 - 9 đồng thường muốn kiếm thêm cho đủ 10 đồng để dành phòng khi trái gió trở trời (khác hẳn với người Nam Bộ có thể ứng tiền xài trước, làm lụng trả sau). Họ có quan niệm “liệu cơm gắp mắm” nên chuyện vay nợ ít khi xảy ra. Cũng nhờ tiết kiệm, chịu khó làm ăn nên người Quảng sau một thời gian ngắn họ mua được đất xây nhà.
Người Quảng dù sinh ra ở vùng quê nghèo nhưng sự hiếu học và trọng người tài không đâu sánh bằng. “Nghèo cũng cho con đi học kiếm cái chữ” là tâm niệm của họ.
Chính các yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội của vùng đất đã tạo nên “Quang Nam background” giúp cho công việc và cuộc sống nơi xứ người của họ rất nhiều. Và đa số người xứ Quảng ra đi lập nghiệp đều thành công.
Cộng đồng người Quảng ở SG có phải là nhóm di dân đông đảo nhất? Riêng người Quảng có vùng sống quần tụ, có nghề riêng, có chợ riêng bán riêng những loại thực phẩm mình ưa dùng. Cái cách ăn mì Quảng của người Quảng cũng có phần cho thấy tinh thần dân tộc mãnh liệt của người xứ này. Nhưng ngược lại, họ đang sống ở SG và vẫn đang sống rất tốt ở SG. Có thể nói gì về Sài Gòn và người Sài Gòn qua câu chuyện này?
Chưa có thống kê cụ thể nào so sánh người nhập cư từ các địa phương đến TP một cách chính xác nên khó có thể khẳng định cộng đồng người Quảng nhập cư đến TP đông nhất được.
Riêng về tính chất cố kết cộng đồng: người Quảng thường sống quần tụ trong cùng 1 khu vực. Ban đầu thường theo tính chất gia tộc. Họ sẵn lòng giúp đỡ con cháu, xóm giềng khi gặp khó khăn với tiêu chí “thừa trong nhà mới ra người ngoài” (tức ưu tiên người trong gia đình, dòng họ trước). Hoặc theo nghề nghiệp: ví dụ nghề dệt, nghề may ở BH, họ mang con cháu, họ hàng, người làng vào phụ việc, sau đó dạy nghề cho họ. Ngoài ra, do sinh sống nơi có môi trường miền Trung khắc nghiệt, bão lũ thường xuyên nên tinh thần tương thân, tương trợ vốn là một trong những yếu tố tạo nên tính cách của họ.
Người Quảng ở BH đến nay trải qua nhiều thế hệ, con cháu của họ đã sinh ra, lớn lên trên tp này. Những người Quảng thế hệ 7, 8, 9x cũng trở thành người ở SG, họ gắn bó với tp này, đã và sẽ trở thành công dân tp. Tuy nhiên, bản sắc về nguyên quán QN – Đà Nẵng sẽ luôn hiện diện trong tiềm thức và cả trong cách ứng xử, giao tiếp và làm việc.
Chính nhờ có vốn sống được rèn luyện, giáo dục trong gia đình và tôi luyện trong môi trường nhiều khó khăn do địa hình, thiên tai, người Quảng có ý chí vượt lên khó nghèo, vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình. Do đó, khi hòa nhập vào tphcm, có nhiều điều kiện thuận lợi, họ có cơ hội làm ăn, sinh sống, lập nghiệp lâu dài, làm giàu cho bản thân, gia đình và rộng hơn là đóng góp cho TP ngày càng phát triển hơn.
“Khu người Quảng Bảy Hiền” góp phần tạo nên một mảng không gian đặc sắc trong đô thị thành phố HCM. Những người con xứ Quảng luôn làm tốt hai vai trò là người con xa xứ và công dân Thành phố mang tên Bác.
NGUYỄN THỊ HOÀI HƯƠNG