Khu tái định cư Đồng Chàm: An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Hoàng Liên 09/04/2013 09:01

Gần một năm nay, 62 hộ dân khu tái định cư (TĐC) Đồng Chàm (xã Đại Sơn, Đại Lộc) dù đã an cư nhưng vẫn chưa yên tâm lập nghiệp, bởi từ sinh hoạt, đi lại cho đến sản xuất của bà con tại nơi ở mới vẫn còn khó khăn, thiếu thốn.

Chưa yên tâm

Được khởi công từ giữa năm 2011 và hoàn thành giữa năm 2012, khu TĐC Đồng Chàm có diện tích 2,5ha do Chi cục Định canh định cư tỉnh (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư đã khiến vùng đất cuối xã Đại Sơn khoác lên mình diện mạo mới. Đáng mừng khi một vùng đất hoang sơ được thay thế bằng cảnh nhà cửa san sát; nhà sinh hoạt thôn Tam Hiệp (thôn được sáp nhập từ 2 thôn Thác Cạn, Ba Tớt và một phần nhỏ thôn Đồng Chàm) được xây dựng khang trang… Mỗi hộ TĐC đều được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng và được giải quyết cho vay hơn 8 triệu đồng với lãi suất rất thấp để xây nhà kiên cố. Với người dân nơi đây, có được ngôi nhà ấm cúng che nắng che mưa là cả ước mơ bởi trước đây hầu hết đều sống trong những căn nhà tạm bợ, nguy cơ bị sạt lở, cuốn trôi vào mỗi mùa mưa lũ. Tuy nhiên, hiện cuộc sống của 62 hộ dân khu TĐC vẫn còn khó khăn bởi nhiều cái thiếu: thiếu đất sản xuất, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt mà quan trọng hơn là người dân vùng này thiếu sinh kế bền vững để xây dựng cuộc sống mới. “Cả đời tôi không dám mơ có được ngôi nhà xây. Ban đầu chuyển đến khu TĐC này tôi mừng lắm. Có điều, sống trong ngôi nhà mới này mà lòng vẫn chưa yên bởi gia đình tôi cũng như nhiều bà con nơi đây còn quá khó khăn về cái ăn, cái mặc huống chi nói chuyện ổn định kinh tế” - chị Trần Thị Thương, một người dân TĐC chia sẻ.

Những ngôi nhà kiên cố dần mọc lên tại khu TĐC Đồng Chàm.Ảnh: H.L
Những ngôi nhà kiên cố dần mọc lên tại khu TĐC Đồng Chàm.Ảnh: H.L

Theo chị Thương, khi vừa đến nơi ở mới, dân TĐC được một tổ chức từ thiện hỗ trợ một chiếc máy nổ phát điện. Tối đến, bà con có thể mở ti vi, có thể thắp sáng đủ để ăn tối, có điều máy nổ chỉ phát điện được 2 - 3 giờ. Thế nhưng, mấy hôm nay do máy nổ bị hư nên mấy đêm rồi thôn Tam Hiệp đìu hiu. Ngoài ra, hiện ở khu TĐC này người dân khó có thể chăn nuôi heo, gà hay trồng rau vì diện tích quá chật hẹp, đất lại bạc màu, thiếu nước tưới. Bà con nơi đây ai cũng cố gắng quay lại khu vực có nguy cơ sạt lở nặng của thôn Thác Cạn, Ba Tớt để làm nương rẫy kiếm kế sinh nhai. Người thì tận dụng rìa đất ven sông để trồng hoa màu, kẻ thì sống nhờ nương rẫy với cây trồng chính là thơm, keo lá tràm. Việc đi lại của bà con giữa nơi ở với nơi sản xuất hết sức khó khăn, có người chèo ghe, người không có ghe thì lội sông nước ngập đến nửa người, rồi băng bộ một quãng xa. “Mùa này sông cạn, lội qua được chứ mùa mưa nước chảy xiết thì chịu, ở nhà” - chị Thương nói.

Cạnh đó, việc học của con em vùng này cũng lắm gian nan. Mới đây, trường Mẫu giáo Đồng Chàm đã được xây dựng tại đầu thôn Đồng Chàm, cách khu TĐC khoảng 4km. Nhiều người vì không có phương tiện đi lại nên không thể đưa đón con, đành bấm bụng để trẻ ở nhà, một số trẻ em theo cha mẹ lên rẫy. Nhà văn hóa thôn Tam Hiệp được tận dụng làm trường học cho trẻ từ lớp 1 - 5 của khu TĐC. Nói là trường học nhưng chỉ có một lớp với vỏn vẹn 8 trẻ em thuộc 5 độ tuổi cùng theo học và cũng chỉ .một cô giáo phụ trách. Cô giáo Ngô Thị Kim Cúc chia sẻ: “Đa số bà con nơi đây phải lo cái ăn cái mặc nên việc cho con tới trường là cả một vấn đề. Để các em tới trường, có lúc tôi phải tới từng nhà vận động phụ huynh cho con đi học. Trước khi khai giảng năm học mới, tôi phải tới từng nhà nhắc nhở, sợ phụ huynh dẫn trẻ lên rẫy”. Bên cạnh đó, bà con đang đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Công trình nước tự chảy được lấy từ khe Hoa không đủ cung cấp cho 62 hộ dân TĐC. Chưa kể, nếu hộ đầu này hứng nước thì hộ đầu kia không thể có nước. Cũng bởi giao thông cách trở nên nông sản làm ra khó vận chuyển, tiêu thụ…

Tháo gỡ từng bước

Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ đề xuất cấp trên tìm phương án tháo gỡ khó khăn dần dần cho người dân TĐC. Thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ địa phương đã cấp phát cho bà con khu TĐC giống cây trồng, con vật nuôi nhằm giúp ổn định kinh tế. Thế nhưng, hiệu quả đem lại rất thấp do việc tiếp cận kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi của người dân còn hạn chế. Đến nay, địa phương đã thực hiện được 900m đường giao thông tại vùng TĐC, Chi cục Định canh định cư tỉnh đã thực hiện được 400m, còn khoảng 4.000m chưa đầu tư được nên vào mùa mưa lũ, việc đi lại của bà con sẽ rất khó khăn. UBND xã cũng đang đề nghị được phân bổ kinh phí làm đường từ Mõm Lợn (thôn Ba Tớt) lên Mò O (Thác Cạn) để nông dân vận chuyển nông sản được thuận lợi, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Tuy nhiên, theo ông Trung, phương án trên vẫn còn trên giấy tờ. “Đường điện trung áp đang được kéo về khu TĐC sẽ hạ áp không chỉ phục vụ nhu cầu thôn Tam Hiệp mà còn phục vụ cho thôn Đầu Gò và một phần Đồng Chàm. Nếu không có gì trở ngại, sẽ có điện cho bà con vào cuối năm nay.

Theo ông Trung, riêng nguồn nước phục vụ dân sinh, mùa khô năm nay nguy cơ nước khe Hoa bị cạn dòng là rất lớn, khó mà cung cấp nước cho dân. Trong khi đó, nguồn nước mặt của sông Bung, sông Vu Gia đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động khai thác vàng, lâm sản trái phép từ đầu nguồn. “Vấn đề nước sinh hoạt cho dân, địa phương không có kinh phí thực hiện phương án cấp nước. UBND xã đang dự định làm tờ trình đề nghị Chi cục Định canh định cư tỉnh thăm dò, đóng thêm một số giếng đào phục vụ nước sinh hoạt cho bà con khu TĐC” - ông Trung nói.

Hoàng Liên

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu tái định cư Đồng Chàm: An cư nhưng chưa lạc nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO