Hơn 4 tháng nay, người dân ở cả hai khu tái định cư (TĐC) dưới chân núi Đầu Voi thuộc thôn 1 và thôn 2, xã Tiên An (Tiên Phước) sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Gần 120 hộ dân khu tái định cư xã Tiên An (Tiên Phước) đang thiếu nước sinh hoạt. |
Nhằm giúp bà con nằm dưới chân núi Đầu Voi, xã Tiên An thoát khỏi nguy cơ bị sạt lở núi, vào năm 2010 huyện Tiên Phước đã di dời 51 hộ dân đến nơi khu TĐC. Trong năm 2013, địa phương tiếp tục di dời thêm 68 hộ dân đến khu TĐC mới và năm 2014 sẽ tiếp tục chuyển thêm 10 hộ dân. Hiện tại, các hộ dân ở cả 2 khu TĐC đều đã ổn định cuộc sống. Ban ngày các hộ dân về lại nơi ở cũ để tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Đối với khu TĐC mới, cách đây không lâu huyện Tiên Phước đã kéo điện và đưa nước về giúp các hộ dân sinh hoạt, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguồn nước chưa sử dụng được bao lâu thì trận lụt vào tháng 11 năm ngoái đã cuốn trôi đường ống dẫn nước ở cả 2 khu TĐC khiến người dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Từ đó đến nay người dân phải loay hoay đi tìm nguồn nước từ các nơi mang về sinh hoạt. Ông Trần Văn Thắng, tổ trưởng khu TĐC mới cho biết: “Bà con nhân dân nơi đây hết sức vui mừng vì được huyện, tỉnh quan tâm xây dựng khu TĐC giúp mọi người an cư, lập nghiệp. Điện thắp sáng và nước sinh hoạt cũng được chính quyền lo cho người dân nhưng không may đường ống dẫn nước bị mưa lũ cuốn trôi khiến người dân rơi vào cảnh khốn khó. Cả hai khu TĐC này có hơn 120 hộ dân, sắp tới đây có thêm 10 hộ dân sẽ tiếp tục chuyển đến nhưng tình trạng nước nôi như thế này thì người dân rất lo lắng”.
Để có nước sinh hoạt, người dân ở hai khu TĐC phải đào giếng khá sâu, nhiều hộ đào trên 10m nhưng cũng không có nước vì khu vực TĐC nằm khá cao trên triền đồi. Một số hộ dân khác chung nhau kéo đường dây dẫn nước từ bên chân núi Đầu Voi về khu TĐC để sử dụng. Tuy vậy, do khoảng cách từ chân núi Đầu Voi về khu TĐC khá xa, cùng với đường ống dẫn nhỏ nên không đủ nước sử dụng trong những ngày nắng nóng. Anh Nguyễn Văn Sự chia sẻ: “Để có nước sử dụng, mấy hộ chúng tôi đóng góp gần 1 triệu đồng để làm hồ chứa và mua ống dây dẫn nước. Tuy vậy, nguồn nước rất hạn chế, những ngày nắng gắt thì nước chỉ đủ dùng để nấu nướng, còn mọi sinh hoạt khác như rửa chén, giặt giũ, tắm rửa phải xuống dòng suối phía trước khu TĐC. Do dùng nước suối không đảm bảo vệ sinh nên nhiều trẻ em nổi mụn ngứa, gãi luôn tay, nhưng không sử dụng nước ở đây thì biết lấy đâu ra”. Đối với những hộ dân không có kinh phí đào giếng, kéo dây dẫn nước, đành phải chấp nhận cảnh gánh nước hoặc dùng xe máy hay xe đạp để chở từng thùng, can nhựa nước từ nơi ở cũ về sử dụng. Chị Nguyễn Thị Quyên vừa mới dùng xe đạp chở được khoảng 20 lít nước bên nơi ở cũ sang, chia sẻ: “Không có nước sinh hoạt tôi phải đi chở từng can nhựa như thế này, nhưng nước cũng chỉ để uống với nấu nướng thôi, còn lại phải sử dụng nước suối chảy qua dưới khu TĐC. Nguồn nước suối này cũng không đảm bảo vệ sinh, bởi ở phía trên nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng có còn hơn không”.
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân khu TĐC nhiều lần kiến nghị lên chính quyền, nhưng đến nay đường ống dẫn nước vẫn chưa được sửa chữa và nước vẫn chưa về với người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hồng Phát - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên An cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng đã ghi nhận những kiến nghị của bà con khu TĐC về tình trạng đường ống dẫn nước bị hư hỏng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt. Chúng tôi đã cử đoàn đến kiểm tra thực tế và kiến nghị lên lãnh đạo huyện. UBND huyện cũng đang cố gắng tìm nguồn kinh phí sớm khắc phục sự cố phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho bà con nhân dân”.
NGUYỄN HƯNG - TRƯƠNG NHI