Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức: Địa chỉ đỏ, tìm về...

BÍCH LIÊN 19/06/2013 08:57

Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức được khởi công xây dựng tại xã Đại Lãnh (Đại Lộc), thể hiện sự tri ân đối với thế hệ đi trước và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức (cũ) tại xã Đại Lãnh. Ảnh: Internet
Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức (cũ) tại xã Đại Lãnh. Ảnh: Internet

Dấu ấn chiến trường xưa

Thượng Đức sau 39 năm kể từ trận đánh oanh liệt ghi dấu trong lịch sử đã phủ một màu xanh bạt ngàn. Những người lính già nay quay lại chiến trường xưa không khỏi bùi ngùi xúc động. Bàn tay của người dân bản địa đã làm thay da đổi thịt trên “vùng đất chết” một thời, góp phần nguôi ngoai phần nào những ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội trong trận đánh ác liệt diệt Mỹ.

Lúc bấy giờ, chi khu quận lỵ Thượng Đức nằm trên địa bàn hiểm yếu, ba bề là núi cao có nhiều dốc đứng, phía đông bằng phẳng lại là nơi hợp lưu của hai dòng Vu Gia và sông Côn. Lợi dụng địa thế này, quân địch đã xây dựng Thượng Đức thành một vị trí phòng thủ mạnh để bảo vệ chi khu quận lỵ Ái Nghĩa và thành phố Đà Nẵng từ xa. Lực lượng địch ở Thượng Đức vào thời điểm chiến đấu lên đến 1.600 tên, được trang bị hỏa lực mạnh và địch đã từng tuyên bố nơi đây là “bất khả xâm phạm”. Sau một thời gian dài chuẩn bị và với 10 ngày đọ sức quyết liệt, đúng 8 giờ 30 phút ngày 7.8.1974, lá cờ chiến thắng của quân và dân ta đã phấp phới tung bay trên cứ điểm Thượng Đức.

Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”. - (Cố Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công)

Tham gia giải phóng Thượng Đức gồm có: Trung đoàn 66, Trung đoàn pháo binh 68, Tiểu đoàn phòng không 37 ly thuộc Sư đoàn 304; một tiểu đoàn công binh, một đại đội cối 160 ly, một đại đội trên lửa B72, một đại đội tên lửa phòng không A72 thuộc Quân đoàn 2. Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng LLVTND, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 304 xúc động: “Công trình tượng đài Thượng Đức được xây dựng là tâm nguyện không chỉ của những người lính đã từng chiến đấu nơi đây mà cả quân và dân trên khắp mọi miền hướng về địa chỉ đỏ của đất nước. Là người trực tiếp tham gia trận đánh, tôi đã chứng kiến không biết bao máu xương các anh đã ngã xuống tại Thượng Đức. Trong đó, có nhiều liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, nhiều ngôi mộ vẫn còn mang dòng chữ “vô danh”. Vì vậy, tượng đài như một nén nhang mà chúng tôi thắp cho người nằm lại…”.

Tri ân

Cũng theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, việc xây dựng tượng đài lần này là một trong những nghĩa cử cao đẹp mà Ban liên lạc CCB Sư đoàn 304 và các tổ chức xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp thể hiện sự tri ân trước anh linh những người đã không tiếc máu xương cho nền độc lập dân tộc. Theo đó, Ban liên lạc CCB Sư đoàn 304 đã phối hợp với các cấp địa phương, ngành chức năng lập dự án Tôn tạo tu bổ, xây dựng tượng đài chiến thắng, khu tưởng niệm Thượng Đức tại trung tâm quận lỵ Thượng Đức (cũ). Dự án đã được Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh đồng ý. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án gần 20 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng tượng đài mới khoảng 10 tỷ đồng được huy động từ nguồn đóng góp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Kinh phí tôn tạo hầm hào lô cốt khoảng gần 10 tỷ đồng là nguồn đóng góp xã hội hóa từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Riêng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam rà phá bom mìn trên diện tích khoảng 5ha, tạo điều kiện cho công tác trùng tu hầm hào lô cốt và xây dựng tượng đài được tiến hành thuận lợi.

Theo thiết kế, tượng đài Chiến thắng Thượng Đức tọa lạc trên diện tích 1.600m2, gồm các hạng mục: tượng, đài, sân hành lễ, cây xanh, điện chiếu sáng... Tượng đài làm bằng đá granite màu đỏ, hướng về phía đông bắc chếch 27o về phía Ái Nghĩa - Đà Nẵng. Sân hành lễ, tượng đài được đặt đăng đối trên một trục cố định; phần biểu tượng bông sen đỡ tượng được làm bằng đá granite nguyên khối. Phần đài gồm 2 phần chính: bệ đài cao 1,5m và đài chiến thắng cao 18,2m. Công trình do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng phối hợp với một đơn vị tư vấn thiết kế ở Quảng Nam thực hiện, được Hội đồng nghệ thuật tỉnh góp ý, thông qua. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức (1974-2014).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nhấn mạnh: “Việc xây dựng tượng đài lần này là bước hoàn chỉnh, đáp ứng quy mô, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Thượng Đức, tương xứng với tầm một di tích lịch sử cấp quốc gia, đáp ứng nguyện vọng của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, CCB Sư đoàn 304, Sư đoàn 234 cũng như toàn thể chiến sĩ, đồng bào đã sống, chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này. Sở VH-TT&DL, UBND huyện Đại Lộc cần triển khai khớp nối công trình tượng đài với các hạng mục di tích gốc tạo thành hệ thống quần thể di tích đồng bộ”.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức: Địa chỉ đỏ, tìm về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO