Trong những năm 1965 - 1966, quân giải phóng đã làm chủ và thiết lập chính quyền cách mạng ở hầu hết xã thôn từ vùng Tây, vùng Trung, vùng Đông, dồn địch vào thế co cụm tại quận lỵ Quế Sơn và các chốt điểm có vị thế quân sự quan trọng.
Vùng giải phóng của ta áp sát quận lỵ, dân ở các làng quê đều trụ bám tại chỗ; chính quyền thôn xã được thiết lập, mỗi xã có trung đội du kích tập trung, mỗi thôn có tiểu đội du kích được trang bị vũ khí đồng thời lấy vũ khí địch đánh địch; các hội đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh thiếu niên hoạt động vô cùng sôi nổi, nam thanh nữ tú theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng hăng hái lên đường tòng quân nhập ngũ, đi dân công tải đạn ra chiến trường... Ngay giữa cuộc chiến tranh, nhưng các làng xã đều có trường cấp I; tại Sơn Trung, Sơn Thạch có trường cấp II, các em từ vùng Đông như Phú Hương, Phú Diên, Phú Thạnh cũng mang gạo muối theo đường dây lên ăn ở nhờ nhà dân học để kiếm cái chữ. Giao thông liên lạc giữa các vùng giải phóng tương đối an toàn, đi công tác, đi cõng mắm muối, lương thực từ vùng Đông lên vùng Trung, vùng Tây Quế Sơn hoặc cao hơn nữa về phía Phước Sơn và theo chiều ngược lại khá thuận lợi.
Tháng 3.1965 Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, sau đó trên toàn chiến trường miền Nam, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chuyển từ Chiến lược chiến tranh đặc biệt sang Chiến lược chiến tranh cục bộ. Tại thung lũng Quế Sơn, năm 1967 Sư đoàn không vận số 1 Mỹ đến chiếm đóng Cấm Dơi, hình thành liên cứ điểm Cấm Dơi - Hòn Chiêng - Dương Trúc - Dương Là - Dốc Đỏ và nhiều chốt điểm khác tạo thành một trong những lá chắn kiên cố trên vùng trung du Quảng Nam, án ngữ phía tây nam Đà Nẵng. Các xã Sơn Lãnh, Sơn Thắng, Sơn Khánh, Sơn Trung, Sơn Thượng... nằm chung quanh quận lỵ Quế Sơn phải chịu sự khống chế, đánh phá vô cùng khốc liệt của liên quân Mỹ ngụy. Từ lúc này bộ đội huyện và du kích các xã thôn tại vùng Quế Sơn phải đối đầu với Sư đoàn không vận số 1 là một trong những đơn vị lính viễn chinh thiện chiến nhất được trang bị các phương tiện chiến tranh mạnh nhất trong quân đội Mỹ. Chúng tăng cường càn quét, xúc tát dân vào các khu dồn, quyết tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân chúng, cắt đứt mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với quân Giải phóng. Mỗi lần lính Mỹ này đi càn quét chúng cho máy bay trực thăng quần kín trời bắn rốc-kết nát đất, đổ quân thần tốc chiếm lĩnh trận địa, áp đảo đối phương. Phong trào chiến tranh nhân dân tại vùng trung du Quế Sơn đứng trước thách thức mới. Trong tình hình vô cùng khó khăn ấy, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 thuộc Quân khu 5 về trụ tại đây đánh bại nhiều cuộc càn quét, mở chiến dịch tấn công tiêu diệt một số chốt điểm quan trọng nằm trong liên cụm cứ điểm Cấm Dơi, giành lại ưu thế trên chiến trường, giữ vững vùng giải phóng, phục hồi khí thế quần chúng. Nhìn rộng ra cả tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi hoặc xa hơn nữa trên toàn chiến trường miền Nam qua gần 3 năm trước sự đánh phá vô cùng khốc liệt của liên quân Mỹ ngụy và chư hầu bằng những cuộc hành quân tìm diệt, bình định trên quy mô lớn với ý đồ đánh nhanh thắng nhanh nhưng quân Giải phóng vẫn trên thế tiến công, liên tiếp phá tan ý đồ chiến lược của địch, phần lớn các vùng giải phóng ở mọi miền đều trụ vững, quân và dân ta tin tưởng tuyệt đối công cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhất định thành công, đất nước nhất định thống nhất, độc lập, hòa bình. Trên mặt trận ngoại giao ta giành được những thắng lợi to lớn, nhân dân thế giới, ngay cả nhân dân Mỹ ngày càng hiểu biết về tính chính nghĩa, ủng hộ mạnh mẽ công cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa.
Đánh giá sức mạnh tổng hợp, xét thế và lực của ta trên toàn chiến trường cộng với sức mạnh của phong trào đấu tranh đòi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam của nhân dân Mỹ và toàn thế giới đã xuất hiện thời cơ thuận lợi cho ta, Trung ương quyết định huy động toàn lực mở đại chiến dịch “Tổng công kích và nổi dậy”, tiến công vào khắp các đô thị miền Nam, nhằm đánh gục ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà trắng, mở ra khả năng buộc họ phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán với ta để kết thúc cuộc chiến, thống nhất nước nhà bằng con đường hòa bình.
Trong những tháng cuối năm 1967, hòa cùng khí thế chung của tỉnh, Khu 5 và toàn miền Nam, quân và dân Quế Sơn chuẩn bị để “Có lệnh là đi/ Tư thế sẵn sàng”, theo chủ trương cấp trên sẽ tấn công quận lỵ, buộc bọn ngụy quân ngụy quyền đầu hàng cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân.
Cuối năm Đinh Mùi (1967) tại các làng quê thuộc vùng giải phóng Quế Sơn sôi sục khí thế chuẩn bị cho một chiến dịch lớn cận kề diễn ra. Các đơn vị thuộc Huyện đội như Đại đội V10, hai trung đội độc lập 81, 75, các đơn vị du kích xã, thôn trên toàn huyện đã được phân công mục tiêu tấn công, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy cướp chính quyền... Những đoàn quần chúng ở vùng giải phóng kéo vào quận lỵ đấu tranh được biên chế thành các đại đội, cánh quân có người lãnh đạo, dẫn đầu chỉ huy theo một hệ thống tổ chức chặt chẽ... Huyện ủy phân công ông Chung Châu Long - Phó Bí thư Huyện ủy phụ trách các xã vùng Tây như Sơn An, Sơn Tân, Sơn Bình, Sơn Hiệp.... và một số xã vùng Trung nằm phía tây và tây bắc quận lỵ như Sơn Lãnh, Sơn Khánh, Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Thắng; các xã thuộc phía đông quận lỵ như Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Thanh, Phú Diên, Phú Phong, Phú Hương, Phú Thọ, Phú Cường... do Bí thư Huyện ủy Hà Đông làm tổng chỉ huy. Mỗi đoàn biểu tình của từng xã, từng thôn đều do Chủ tịch xã, thôn trưởng và lực lượng cốt cán như Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Nông hội, Hội phụ nữ... đảng viện, đoàn viên thanh niên, quần chúng trung kiên có du kích hỗ trợ dương khẩu hiệu, băng rôn cầm loa dẫn đầu hô khẩu hiện, trực tiếp đối thoại, đưa yêu sách của nhân dân đối với địch...
Sâu về phía Trường Sơn, có hành lang vận tải vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dưới những tán đại ngàn che chở, bộ đội chuyển quân; bộ đội hành lang, thanh niên xung phong, dân công gùi cõng, thồ tải bằng xe đạp vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch tăng lên đột biến, kẻ qua người lại như mắc cửi.
(Còn nữa)