Cuộc sống thường ngày

Khúc đoạn thời... kinh tế mới

TRUNG VIỆT 23/06/2024 10:54

(Đặc san 21/6) - Tôi trở lại Cấm La (Quế Lâm) sau 24 năm. Phút ngang qua một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, Minh Thông (phóng viên đài Nông Sơn) nói “nhà thầy Mễ đó anh”. Vậy trường tiểu học với 4 lớp khác nhau ngồi chung một phòng do thầy Mễ dạy ở đâu? Thì đó, bên trái mình, là trường ngon lành đó.

khu-tai-dinh-cu-cho-dan-tu-na-lau-ra.jpg
Khu tái định cư Nà Lau.

Trời đất, vật đổi sao dời có khác. Nhớ đêm mưa lạnh thấu xương, tôi, Tấn Vũ (Báo Tuổi trẻ) và Lê Vũ (Báo Quảng Nam) mua con vịt xiêm về nấu. Không có mắm, chỉ có xí muối nêm, hầm lâu lắc mà thịt dai như dây su. Bếp là của thầy Mễ. Hôm sau lại vắt quần trên cổ lội suối ra lại sông để về.

1. Cái lớp học ngày đó tum hum với những đứa trẻ mà biết đâu giờ đã là cha mẹ. Xứ này người ta có thể không biết ai, chứ thầy Mễ, thiên hạ đều đồng thanh với lòng quý mến, rằng có những người tận tụy dạy như thầy, dạy miết cũng nên người để thoát kiếp cơ cực.
Một trong số họ là ông Nguyễn Công đang cởi trần, rời rạc thả những cụm từ ngắn cụt, tiếp tôi.

Nhà ông nằm cuối đường trong thôn. Tụt xuống dốc là bến. Sân ngổn ngang máy móc, xe máy, mấy đống đồ cũ, sau lưng bàn nước là 6 cái thùng nhựa đựng rượu và đống củi to. “Tôi không uống rượu - ông chỉ vô 6 xe máy góc cổng - xe của mấy đứa bên Thạnh Mỹ gửi, sáng ni tụi hắn qua, nói đi kiếm sâm chi đó. Nhà tôi là chỗ dừng chân của người ta, uống rượu thì chỉ có chết sớm” - ông nói.

Gương mặt như vạt rừng chi chít đường cày, sắt lại, chỉ có cái nhìn hơi mờ đục nhưng ánh lên vẻ quyết liệt. Xong nghĩa vụ quân sự năm 1985, ông rời quê Quế Phú, lên đây. “Anh ruột tôi đi trước, chứ ở lại không có đất làm nhà, thì đi. Nhà ban đầu cách đây 1km”.

Nhóm người đi kinh tế mới năm 1976 lứa anh ruột ông, tới 15 - 16 hộ, nhưng giờ sót lại gia đình ông Công. “Sao chú không về?”. “Về không tiền không của, không bằng đây khoai sắn qua ngày”. Lời ông như viên đá buổi vỡ đất, chặt cây, rơi không tiếng động. Những cánh rừng già chỉ có chim thú, nước độc, cây cỏ lút mặt và sốt rét ngự trị. Những đoàn người đi kinh tế mới sau giải phóng, xa thì Tây Nguyên, Bình Thuận, gần thì vùng trung du miền núi của tỉnh, lần lượt kéo đi. “Sốt rét ở đây khiêng ra tới trạm xá mất nửa tiếng, chứ ở Nà Lau đi thì một buổi đường”.

Gần 40 năm, để nhớ lại từng hồi run cầm cập, tím tái, co quắp. Hỏi ông thì ông im. Nhớ đâu ông nói đó. Tâm trạng khổ nạn, ai cũng vậy thôi, nó thường trực mà ẩn hiện chập chờn, vui vẻ chi mà nhớ, nhắc cũng bởi chẳng đặng đừng.

Tôi ngó máy cày bằng tay mới cứng dựng trong sân giữa ngổn ngang đồ nông cụ, hỏi ông là 68 tuổi rồi, sức đâu mà theo, thì ông nói con trai cày, ông mới mua 9 triệu đồng. Thông báo này như dấu chấm chuyện cơ cực áo cơm: “Chừ thì heo, gà tôi nuôi, ăn hết thì làm con khác, làm lúa, cũng khỏi mua. Thu nhập từ cỏ cây mây núi, rồi mấy héc ta keo, đất đai tốt không thua ở Đại Bường. Chừ xe lớn chạy tới nơi”.

Bà Phạm Thị Liên (vợ ông) đi chợ về. Xởi lởi khác hẳn chồng. Cô gái dân Mộ Đức (Quảng Ngãi), năm 18 tuổi đi thanh niên xung phong lên Ban Mê Thuột, gặp ông Công đi bộ đội trên đó, nên duyên vợ chồng.

“Trời ơi - bà cười mà nhăn nhúm, như nỗi cơ cực kinh hoàng ngày nào ùa về, tràn ra trên gương mặt - đi làm nhịn đói, tới nửa buổi hái khế rừng ăn, rồi uống nước khe. Nhớ hồi chuyển bụng đẻ, sốt lếch không nổi, chống gậy mà lên dốc dựng đứng, trạm xá thì xa, ổng nói “ráng lên em, em mà đẻ ra đây, anh không biết làm răng mà gùi”.

Tôi ngó qua ông, gặp cái im lặng đang nhìn bà trìu mến. Nụ cười đã giãn ra trên mặt họ. Nói như bà Liên, làm cũng có tiền, dành cho con cháu chứ già rồi, ăn mấy miếng.

vo-chong-ong-nguyen-cong.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Công.

2. Ông Trương Minh Đức (61 tuổi, quê Quế Châu), đi nghĩa vụ lao động khi không trúng nghĩa vụ quân sự, vào 20/4/1986. Nhà ông ở gần Trường Tiểu học Cấm La.

“Chính vì nghĩa vụ lao động mà không phải là thanh niên xung phong, nên chừ đâu có chế độ chính sách chi, giấy tờ nước lụt vô hư hết, có thằng còn giữ danh sách tổng hợp mấy chục đứa, nhưng không làm được” - ông Đức rít thuốc, miệng thóp lại.

Ông hoàn thành nghĩa vụ, không về quê, mà lập gia đình với vợ dân Hội An cũng đi kinh tế mới. “Đói kinh hồn, 18kg gạo 1 tháng, 4 hột gạo cõng 1 lát sắn bự chảng. Bị đau thương hàn, trạm xá ở đây kêu sốt rét, để gần chết, gia đình lên khiêng về Bệnh viện Quế Sơn. Đường không có, gánh lúa đi máy, bùn lút gối. Dân khổ lắm, đi đào sắn mà trời tối, bẻ một khúc, lấp lại kỹ, mai đào tiếp”.

Tôi ngó ông hom hem hơn tuổi. Bức vẽ của một thời hiện ra chua chát, trong ký ức và đối sánh với bây giờ như âm với dương, như sáng với chiều. Mọi thứ đã khác. Nhưng, như lẽ thường tình, niềm vui qua mau chứ nỗi buồn khổ thì nhớ lâu.

Ông cười: “Ở đây có con dủ dỉ, đêm nó kêu dụt dịt dụt dịt, mấy đứa nói đó là ma Mỹ kêu, sợ chết cha. Nói thiệt anh, nhà ở quê đất rộng lắm, do có vợ con mà ở đây. Tôi làm thôn đội trưởng 22 năm, chế độ chính sách không có do giấy tờ thủ tục rắc rối, tôi bỏ. Đất trồng keo ban đầu 30ha, nay còn 3ha, vì giao lại cho bên cao su. Thôi kệ, chừ mọi thứ đỡ rồi”.

Mọi thứ như xong một kiếp đời.

3. Mười mấy hộ ở sát nhau, trên nổng cao so với mặt đường, chỗ nhà ông Công chạy xuống chừng 3km. Đó là nơi cư ngụ của dân Quế Châu đi kinh tế mới trong Nà Lau, 25 năm ở đó, khi khu bảo tồn voi ra đời, thì xã quy hoạch ở đây, và họ ra lập làng mới.

Ông Phạm Thuấn (68 tuổi), mắt như chẳng muốn đọng vào đâu, dựa lưng vào tường mà đầu cứ cúi xuống. Có chi đó nén trong lòng, nên âm điệu cứ nhỏ giọt như mưa lên lá tranh, cứa sắc mà mềm buốt. “Hồi đó ở Nà Lau, cách đây 15km, đường đi không có, đất sản xuất ít, nước uống thì nước khe. Sốt thì thôi, khỏi bàn. Ra đây, mình trần thân trục chứ tài sản chi mô. Khổ lắm nên nghe nói ra là mừng” - ông nói chừng đó rồi dừng. Tôi cảm giác ngột ngạt như dông đang đến, đè ngang ngực ông.

Ra đây, xã cho cái nền 200m2, hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà, 1ha đất trồng keo. Mùa đầu tiên, bão làm cây gãy hết, lỗ. Đầu tư hơn 30 triệu, ông bán lại cho người ta, chuyển sang nấu rượu nuôi heo. Hai đứa con chết vì ung thư.

Bà vợ ông tên Phạm Thị Tịch bỗng hỏi ngược: “Mấy chú đi phỏng vấn thì được cái chi, bao người hỏi rồi?”. Rồi bà bỗng đổi giọng: “Ra đây đỡ hơn nhiều, sinh hoạt tốt hơn Nà Lau xa hoắc xa đế, đi chợ sáng tới chiều mới về tới nhà”.

Vậy đó, khi cái ăn cái mặc đi lại dập vùi, thì sự đổi thay, dù chỉ là nơi đi về, cũng khiến người ta thấy cuộc sống đã khác, dẫu có làm thuê làm mướn như bà Phạm Thị Hòa - hàng xóm nhà bà Tịch. Bà nói: “Ở trong nớ, làm chi cũng bị Ông Lớn (voi) phá”.

Lãnh đạo thôn Phước Hội (trước là thôn Cấm La, nhập thôn nên có tên thôn này) cho hay, năm 1976, có 63 hộ dân, thuộc 5 xã của huyện Quế Sơn cũ (Quế Xuân, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Cường, Quế Châu) đến vùng này làm kinh tế mới.

Chuyện đàn voi xung đột với người ở Nà Lau đã làm họ thiên di một lần nữa chốn cư ngụ của mình. Bao điều khốn khó khiến 5 hộ đã về quê cũ. Lãnh đạo xã cho biết, một thuở khó khăn chất chồng, bà con còn cầm cự được, nên bây giờ hầu hết có đời sống khá, ổn định, là chuyện đương nhiên.

Vội quá, tôi không kịp ghé thăm thầy giáo Mễ. Những cái nhìn xoáy vào tôi, như lớp lớp cây rừng thay nhau mọc lên đất này. Khô cằn có. Tốt tươi có. Họ đã dựng đời từ tay trắng và gian nan cùng cực. Những chiếc bóng nơi lam chướng nghìn trùng đã đổ dài theo tháng năm, để bây giờ mọi thứ nhớ lại là khoảnh khắc mà dằng dặc...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khúc đoạn thời... kinh tế mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO