Văn hóa - Văn nghệ

Khúc hát ru từ người xứ Quảng

NGÔ SỬU 02/06/2024 07:22

Kho tàng những khúc hát ru của người xứ Quảng được nhận định khá phong phú, đa dạng...

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-5-4-141956-_dsc03824_phuong-thao.jpg
Trẻ ngon giấc với lời ru của bà. Ảnh: Phương Thảo

Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đang đá/ Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua/ Anh đi ra giúp nước thờ vua/ Xây lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha...

Dấu vết một khúc hát đối đáp còn hiện khá rõ ràng, về sau trở thành bài hát ru quen thuộc. Bản thân khúc hát quen tai này lại có khá nhiều dị bản. Mỗi vùng, mỗi xóm, mỗi nhà đã hát những lời khác nhau. “Ngó lên” rồi “ngó về” đâu cũng thấy giang sơn đang bày ra, đang dàn trải và như đang réo gọi cái tôi trong quê hương mỗi con người.

Dị bản là đặc tính của văn học truyền miệng, đặc biệt là những khúc hát ru. Nếu đặt các dị bản bên cạnh nhau rồi trả lời câu hỏi về tính nhất quán của nội dung, nghệ thuật, tìm cho được lý lẽ của”cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” thì khó lòng tránh khỏi những cơn lốc mù mịt của chữ nghĩa.

Vả chăng, đối với văn học dân gian địa phương, khi chưa tìm ra được văn bản gốc, lắm khi ta đành lạm dụng quy tắc “đắc ý phải quên lời”.

Trên bước đường Nam tiến ngày ấy, cha ông ta trong khi “gánh theo tên xã, tên làng trong những chuyến di dân” (Thơ Nguyễn Khoa Điềm) đã mang theo bài ca dao trữ tình của xứ Bắc Hà văn vật, hào hoa: “Mình về ta chẳng cho về/Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ/Câu thơ ba chữ rành rành/Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba/Chữ trung thì để phần cha/ Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình”.

Bài ca tình ái của ca dao phương Bắc có phải vì thế đã trở thành bài ca xây dựng của khúc hát ru kéo dài theo đường Nam tiến?

“Văn học dân gian luôn là người bạn đồng hành khắng khít và đặc thù của lịch sử” (M.Goorki). Nhiệm vụ lịch sử vào “buổi sinh thành và tái tạo” đòi hỏi con người phải biến rừng biển thiên nhiên thành núi sông gấm vóc, cho nên câu hát cất lên là tiếng lòng yêu nước, là trách nhiệm công dân, là lời huấn thị về đạo lý làm người.

Bài hát ru có thể không đơn thuần phổ biến ở xứ Quảng. Nhưng mỗi lần ru trẻ ngủ thì người Quảng Nam lại hát lên. Phong cách xứ Quảng với mô típ “Ngó lên... ngó xuống” vẫn đậm nét: “Ngó lên ngó xuống thì vui/ Ngó về quê mẹ ngùi ngùi nhớ thương” hay “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng”.

Về tới xứ Quảng, từ bài ca dao phương Bắc ban đầu, đã chuyển sang một lời đối đáp trong khúc hát dân ca xứ Quảng. “Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa/ Đố anh ba chữ thờ cha chữ nào?/ Chữ trung anh để thờ cha/ Chữ hiếu thờ mẹ, chữ hòa thờ em”.

Hình tượng chủ thể trữ tình cũng như ngôn ngữ rất mộc mạc, chất phác nhưng không kém phần sắc sảo, vì thế mà lời ru dễ đến với mọi người, mọi nhà. Ở đây không có cái vồ vập nắm áo đề thơ, không khư khư giành lấy chữ tình cho đôi lứa mà chủ yếu là nhắc nhở, yêu cầu, thậm chí là giao trách nhiệm gánh vác đất nước xã hội, gia đình trên vai tuổi trẻ.

Ở cuối bài ca, thế là “chữ tình” trên đất Bắc đã thành chữ “hòa” trên xứ Quảng chơn chất, thiệt thà: “chữ hòa thờ em”. “Em” nằm trong nghĩa anh em máu thịt một nhà.

Nhưng nếu xem đây là lời đáp của “anh” với nhân vật “em” khác phái, thì lại là ngôn ngữ tỏ tình, tinh tế nhưng cực kỳ dữ dội. Lợi dụng tính chất trùng điệp của thơ (cách nói của Jacobson), “anh” khéo léo lách mình vào hàng loạt các từ thờ vua, thờ mẹ, thờ cha nghe đến phát chán để cuối cùng nói cho được hai tiếng “thờ em”.

Khúc ru còn nhiều cách hiểu và có thể nói bao nhiêu dị bản thì có bấy nhiêu chữ và nghĩa khác nhau. Mong khúc ru còn được hát đến ngày sau để cháu con còn nhận diện được chân dung của tiền nhân trên bước đường dựng nước thuở ban đầu.

Điệu hát ru Quảng Nam là loại hình văn nghệ dân gian rất phổ thông với hai tính chất đơn giản và thường xuyên (đơn giản vì không cần có sân khấu, sân đình, không cần có đông khán thính giả). Thường xuyên vì bất cứ lúc nào cũng có thể hát được, bất luận ngày đêm. Hễ chỗ nào có tiếng khóc trẻ con là nơi đó, có lời hát ru.

Về địa lý, hát ru Quảng Nam mang đậm nét đặc thù của vùng sông nước Thu Bồn, vì nơi đây là điểm giao lưu pha trộn giữa ba nền văn hóa Việt Nam - Champa và Trung Hoa (dẫn theo Đỗ Xuân Quang).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khúc hát ru từ người xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO