Không đột ngột và lập tức bị công luận biết đến như các vụ thảm sát Chợ Được, Chiên Đàn, Cây Cốc, Vĩnh Trinh,… cuộc giết chóc ở Khánh Thọ (xã Tam Thái, Phú Ninh ngày nay) diễn ra âm thầm trong thời gian dài. Đất Khánh Thọ đã chứng kiến cuộc đấu tranh bi tráng và bất khuất của bao đảng viên, đồng bào yêu nước.
BÀI 1: CÓ MỘT "ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN"
Vùng đất Khánh Thọ vốn có bề dày lịch sử, văn hóa, nổi tiếng với nghệ thuật hát tuồng. Thời 9 năm chống Pháp, các nghệ sĩ địa phương vẫn thường diễn các vở tuồng để giáo dục lòng yêu nước. Nguyên thủy tại Khánh Thọ có một khu rừng do làng quản lý, dân không ai được tự ý khai thác nên gọi rừng Cấm. Rừng Cấm ken dày sim, rang cùng các loại cổ thụ, trong đó rất nhiều cây cốc. Từ đầu thế kỷ XIX, dân trong vùng đã dựng tại đây một ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Làng. Qua nhiều lần trùng tu, trở nên khang trang đặt tên chùa Khánh Thọ, nay đổi tên thành chùa Trân Bửu. Đối diện với khu vực chùa là chợ Khánh Thọ.
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chùa được dỡ, xếp cất. Năm 1947, các đơn vị Vệ quốc đoàn của ta, sau đó có thêm bộ đội Pathet Lào mượn khu vực chùa và rừng Cấm làm nơi huấn luyện, đào hầm hố, dựng đồn bốt để tập công đồn. Cuối năm 1949, Trường Tam Kỳ 2 được thành lập tại đây. Để tránh máy bay Pháp lùng sục, bắn phá, các lớp học được dựng rải rác trong rừng, xung quanh đào rất nhiều hầm để thầy trò trú ẩn khi có báo động. Học sinh của trường sau này một số người đã thành danh như Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy… Hiệu trưởng nhà trường bấy giờ là ông Đốc Kết. Vợ chồng ông từ Đà Nẵng tản cư vào dạy học, sinh sống trong khu vực chùa Khánh Thọ, có đào một cái giếng để lấy nước uống và trồng rau màu nên dân làng thường gọi là giếng Đốc Kết. Sau năm 1954, Trường Tam Kỳ 2 giải tán, ông bà Đốc Kết về lại Đà Nẵng, khu vực chùa Khánh Thọ bị bỏ hoang.
Sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm nhanh chóng thiết lập chính quyền tay sai và ra sức thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” trên khắp miền Nam. Trên vùng đất Tam Kỳ (bao gồm cả Núi Thành, Phú Ninh ngày nay) địch lập 4 đơn vị hành chính cấp trung gian gồm khu Bắc, khu Nam, khu Đông và khu Tây. Đây thực chất là các trại giam cầm, ám hại cán bộ, đảng viên của ta. Ông Võ Thành Nguyên - lão thành cách mạng xã Tam Thái cho biết: “Khu Tây ban đầu đóng tại Ngọc Nha, nhà cửa làm bằng tranh tre, nay khu vực này đã chìm dưới lòng hồ Phú Ninh. Sở dĩ chúng chọn đóng cơ quan khu Tây ở đây vì tại thác Mui có một xoáy nước ngầm, chảy về đâu không ai biết nhưng dân trong vùng lưu truyền rằng khi ném trái bòng xuống không thấy nổi lên. Lợi dụng xoáy nước này bọn đao phủ khu Tây đã giết và phi tang nhiều thi thể tù nhân. Năm 1955, Quốc dân đảng ở Quảng Nam ly khai, kéo lên vùng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) lập căn cứ Nam Ngãi - Bình Kỳ để chống Diệm. Một lần chúng đã đột kích xuống tận khu Tây, đốt cháy trụ sở hành chính ở đây, bọn ngụy quyền khu sợ hãi bèn chuyển về Khánh Thọ”. Từ đây đất Khánh Thọ bắt đầu những trang sử đẫm máu và cũng là nơi chói ngời tinh thần kiên trung, bất khuất của những đảng viên cộng sản và những người dân yêu nước.
Quận trưởng Tam Kỳ bấy giờ là người xã Tam Thái. Trong 9 năm kháng chiến, tên quận trưởng tham gia nhóm gián điệp của Pháp, hoạt động tại vùng Tam Kỳ - Tiên Phước. Tên quận trưởng còn xây dựng bọn ngụy quyền khu Tây đắc lực đều là dân Tam Thái. Bọn quốc dân đảng cùng những kẻ bất mãn chính quyền cách mạng thời kháng chiến cũng thừa cơ ngóc đầu dậy, cấu kết với nhau truy tróc cán bộ, đảng viên của ta mà trước đây chúng biết khá rõ. Thâm độc và hèn hạ hơn, ngụy quyền khu Tây còn dùng tiền mua chuộc một số kẻ nghèo khó, biến họ thành những “đao phủ” giết người không run tay.
Thực ra, ban đầu bọn địch thuê nhà của một người đàn bà tại chợ Khánh Thọ để làm trụ sở. Thấy tiền nhiều bà ham, nhưng sau đó chứng kiến chúng ác độc quá nên bà sợ hãi không cho thuê nữa. Ngoài khu vực chùa, bọn địch còn lấy đình Khánh Thọ Đông, giỏ Khánh Xuân (giỏ là tên gọi của điếm canh thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945) nhốt tù. Mưu mô giết tù nhân được chúng tính toán rất kỹ. Để không bị lộ, chúng thường hoán đổi tù nhân giữa các khu, nên bị đưa lên Khánh Thọ thường là người vùng đông và nam Tam Kỳ. Buổi chiều chúng giải tù nhân lên, đến tối giao cho các tên “đao phủ” đưa đi hành quyết. Các hầm hố cá nhân trong khu vực rừng Chùa, các giao thông hào quanh đình Khánh Thọ Đông trở thành những huyệt mộ đào sẵn để chúng vùi xác nạn nhân. Nhưng nhiều nhất vẫn là giếng Đốc Kết. Đề phòng lộ dấu vết, chúng cấm người dân không được vào các khu vực này. Tuy nhiên những tội ác tày đình như vậy làm sao lọt qua mắt của bao người dân địa phương đang quan sát với sự phẫn uất.
----------------------
Bài 2: Một thời bi tráng
DUY HIỂN