Năm 1997 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, cũng là lúc cả nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7). Vấn đề Khánh Thọ được báo chí trung ương và địa phương xới lên. Câu chuyện bắt đầu nóng trên bàn nghị sự. Phòng Văn hóa thông tin thị xã Tam Kỳ lúc bấy giờ cử cán bộ tìm gặp nhân chứng, thu thập chứng cứ, chủ yếu về giếng Đốc Kết, rồi tổ chức một cuộc hội thảo ngay tại địa phương. Một số ý kiến cho rằng cần khai quật giếng để xác định rõ và đưa hài cốt các liệt sĩ vào nghĩa trang an táng. Nhưng cũng có ý kiến phản biện cho rằng tại giếng còn có hài cốt của Quốc dân đảng chôn chung ở đấy. Không có kết luận chắc chắn nào được đưa ra, chính quyền thị xã Tam Kỳ lập hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh ra quyết định khoanh vùng bảo vệ. Ngôi mộ tập thể giếng Đốc Kết vẫn giữ nguyên, sau một thời gian được UBND thị xã Tam Kỳ tôn tạo và xây dựng tại đây một nhà bia tưởng niệm.
|
Hài cốt liệt sĩ tìm thấy ở rừng Cấm Khánh Thọ tháng 5.2001 được đưa vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thái. |
Ngày tháng cứ trôi, thỉnh thoảng rừng Cấm lại xôn xao khi có thân nhân nhờ nhà ngoại cảm đến tìm hài cốt. Cũng có người tìm được, nhưng nói chung sự việc không gây chấn động lớn, cho đến một ngày… Đó là một ngày kỳ lạ và may mắn - có thể nói như thế. Một ngày cuối tháng Giêng năm 2001, những người thợ xây dựng khu văn hóa thôn Khánh Thọ lên giàn giáo gác dầm mái hiên. Bỗng dưng giàn giáo sập, dầm bê tông cốt thép rơi xuống quật đổ cây trụ xây bằng gạch. Những người thợ gạt đất xung quanh, làm lại móng trụ cho vững hơn, bất ngờ lộ ra một hài cốt. Thông tin được cấp báo, UBND xã Tam Thái tổ chức khai quật, trong một diện tích hẹp đã tìm thấy 8 hài cốt. Lúc đó nghe tin, tôi tức tốc chạy về. Một người thợ nói như tâm sự: “Các liệt sĩ thiêng thật, xô đổ cây trụ để chỉ chúng tôi biết mình nằm đây, chứ không làm sao mà biết được”.
Sự kiện tìm thấy 8 hài cốt tại khu vực đình Khánh Thọ đã buộc ngành LĐ-TB&XH và chính quyền xem xét nghiêm cẩn lại chứng tích Khánh Thọ. Ngày 16.5.2001 cuộc tìm kiếm lần 2 bắt đầu. Sau một tuần đã tìm thấy thêm 23 hài cốt liệt sĩ. Như vậy, chỉ trên diện tích gần 20m2 đã phát hiện được 31 hài cốt. Lúc này mới vỡ lẽ ra rằng, các hầm hào quanh đình Khánh Thọ mà ta đào thời kháng chiến chống Pháp đã bị bọn Quốc dân đảng biến thành huyệt mộ. Một cán bộ xã Tam Thái, thành viên Ban tìm kiếm hài cốt kể: “Các liệt sĩ bị bọn chúng đối xử thật tàn nhẫn. Có người bị chôn ngồi, có người nằm co quắp. Đặc biệt, có 3 người nằm chồng lên nhau”. Điều này cho thấy quy mô tội ác của kẻ địch gây ra tại rừng Cấm Khánh Thọ lớn hơn nhiều những gì ta biết được. Chính quyền xã Tam Thái thu thập thông tin, xác định thêm một số địa điểm và đề nghị cấp trên lập kế hoạch cho mở rộng khu vực khai quật.
Đợt tiếp theo, qua thông tin nhân dân cung cấp, chính quyền xã Tam Thái tổ chức khai quật tại vườn ông Trần Văn Ấn, tìm được 20 hài cốt. Địa điểm này nằm hơi xa khu vực chùa Khánh Thọ, ít ai ngờ đây là nơi kẻ địch giết nhiều người của ta như vậy. Tháng 7.2007, địa phương tổ chức đợt khai quật thứ tư tại khu vườn ông Huỳnh Thanh Xuân, tìm được 7 hài cốt. Tổng cộng qua 4 đợt tìm kiếm, chính quyền xã Tam Thái đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ 58 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Khánh Thọ.
Cứ mỗi lần thông tin tìm thấy hài cốt liệt sĩ tại rừng Cấm lan ra, một số thân nhân từ Núi Thành, vùng đông Tam Kỳ lại về dự lễ an táng, với hy vọng biết đâu trong số người nằm ở đấy có người thân của mình. Khói nhang bảng lảng chiều nghĩa trang, những gương mặt rưng rưng dòng lệ đã viết nên khúc tưởng niệm Khánh Thọ, tuy hơi muộn nhưng là khúc vĩ thanh có hậu. Ngày 8.2.2007, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định công nhận rừng Cấm Khánh Thọ là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại nền đình Khánh Thọ Đông, một bia di tích cũng được dựng vào năm 2011.
Năm nay tròn 60 năm ngày Hiệp định Genève được ký kết, huyện Phú Ninh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các sự kiện đấu tranh tại Chiên Đàn (xã Tam Đàn), An Lâu (Tam Lãnh) và tại Chứng tích rừng Cấm Khánh Thọ (Tam Thái). Ông Lê Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: “Nhà bia tưởng niệm tại giếng Đốc Kết đã được tu bổ. Nguyên trước đây phần nền trước nhà bia được thiết kết theo hình bán nguyệt, ôm một nửa ngôi mộ tập thể. Ý tưởng thì hay nhưng công trình xây xong, mùa mưa nước từ trên mái chảy thành dòng cắt đôi ngôi mộ, trông thật xót xa. Vì vậy UBND huyện Phú Ninh đã đầu tư thêm 518 triệu đồng để xây mới mái trước”.
Có thể còn nhiều người đã hy sinh tại rừng Cấm Khánh Thọ nhưng sẽ không bao giờ được tìm thấy. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vật đổi sao dời. Nhưng đất Khánh Thọ vẫn hát mãi khúc tưởng niệm gợi nhớ những ký ức đau thương và tinh thần bất khuất kiên trung của bao đảng viên cộng sản cùng người dân đã ngã xuống vì một niềm tin đất nước hòa bình, thống nhất.
DUY HIỂN