Khủng hoảng di dân: Người mở, kẻ đóng

QUỐC HƯNG 11/09/2015 10:40

Cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu dấy lên tranh cãi, khi nhiều quốc gia tuyên bố mở cửa đón dòng người tị nạn ồ ạt, nhiều quốc gia đóng chặt cửa biên giới.

Trước thảm cảnh dòng người tị nạn ngày càng tràn ngập các biên giới nhiều nước tìm đường vào châu Âu, nhất là sau hình ảnh gây xúc động cả thế giới khi một thi thể bé trai 3 tuổi người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hơn một tuần, câu chuyện về đóng mở biên giới hay tiếp nhận người tị nạn lại càng nóng lên.

Đến giữa tuần qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chính thức công bố kế hoạch phân bổ hạn ngạch về người tị nạn và kêu gọi 28 nước thành viên Liên minh châu Âu chấp nhận một “cơ chế” phân bổ bắt buộc số lượng người tị nạn cần được tiếp nhận. Con số người tới nước nào phụ thuộc vào GDP, dân số, tỷ lệ thất nghiệp và số đơn xin tị nạn đã xử lý của từng nước. Như vậy, sẽ có 160 nghìn người tị nạn bao gồm 40 nghìn người hiện đã có mặt trên lãnh thổ châu Âu, và 120 nghìn người khác hiện vừa đến Ý, Hy Lạp và Hungary được phân bổ. Cụ thể, Đức sẽ tiếp nhận nhiều nhất: 31.443 người, Pháp: 24.031 người, Tây Ban Nha: 14.931 người, Ba Lan: 9.287 người, Hà Lan: 7.214 người…, thấp nhất là Malta: 133 người.

Nhiều người tị nạn từ Iraq và Syria tập trung tại biên giới Hy Lạp để tìm đường vào châu Âu. (Ảnh: uisio)
Nhiều người tị nạn từ Iraq và Syria tập trung tại biên giới Hy Lạp để tìm đường vào châu Âu. (Ảnh: uisio)

Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh kế hoạch trên như một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng nhập cư. Trước đó, Đức cho biết có thể giải quyết chừng 800 nghìn trường hợp riêng trong năm nay và có thể tiếp nhận 500 nghìn người mỗi năm trong 5 năm tới. Ngay cả Anh và Pháp - nơi nội bộ trong chính phủ còn tranh cãi về vấn đề nhập cư, cũng tuyên bố mở cửa đón hàng chục nghìn người nhập cư từ Syria.

Nhiều nước không nằm trong khu vực châu Âu như Australia, Thủ tướng Tony Abbott ngày 9.9 vừa qua thông báo sẽ đón nhận bổ sung 12 nghìn người tị nạn Syria và Iraq. Còn nhà lãnh đạo Brazil, Dilma Rousseff cho biết sẽ tiếp tục “mở rộng vòng tay” chào đón những người tị nạn chạy lánh chiến tranh và nghèo đói để đến với đất khách sinh sống. Tới nay, Brazil đã tiếp nhận hơn 2.000 người tị nạn Syria, nghĩa là nhiều nhất trong số các quốc gia Mỹ La tinh. Ngay cả Nga cũng bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đón nhận người tị nạn. Vào ngày 9.9, ông Konstantin Romodanovsky, người đứng đầu Cơ quan di cư Liên bang Nga, nói với hãng tin TASS (Nga) rằng nước này chỉ sẵn lòng đón nhận người tị nạn Syria nhưng với điều kiện họ không phạm pháp.

Tuy vậy, nhiều quốc gia cương quyết không mở cửa biên giới để đón người tị nạn, với lý do riêng của mình cụ thể là lo ngại về nguy cơ bất ổn an ninh như các tay súng của Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể trà trộn vào dòng người tị nạn để vào lãnh thổ. Cụ thể như các quốc gia được xem là rất giàu có tại vùng Vịnh như Kuwait, Bahrain, Oman, QaRta, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất mặc dù rất gần với khu vực bất ổn Syria hay Iraq. Thay vào đó, các nước này đã tài trợ hàng trăm triệu USD để các nước láng giềng xây dựng các trại tị nạn hay bệnh viện cho người tị nạn… Trong khi đó, một số nước châu Âu tuyên bố rút dần các biện pháp khẩn cấp, đóng cửa biên giới để ngăn dòng người tị nạn.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khủng hoảng di dân: Người mở, kẻ đóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO