Khu xử lý rác thải bị “cấm đường”, bãi chứa rác đã quá tải, đơn vị không thể thu gom, vận chuyển dẫn đến tình trạng ùn ứ rác thải tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Ô nhiễm và phản cảm
Hai ngày qua, do bị ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, tại TP.Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh xuất hiện mưa, khiến lượng rác tập kết dọc quốc lộ 1, gần khu vực chợ, trường học, công trình công cộng... theo nước mưa chảy tràn ra môi trường. Trước đó, do rác chưa thể đưa đến khu xử lý rác Tam Xuân 2 và Tam Nghĩa (Núi Thành), người dân bất đắc dĩ đốt tại chỗ ở các bãi rác tự phát. Tuy nhiên, hình thức này chỉ có thể triển khai khi thời tiết nắng nóng, còn trời mưa thì hầu như không thực hiện.
Nửa tháng nay, một bãi rác lộ thiên “mọc lên” trước cổng Trường Mẫu giáo Anh Đào, thuộc thôn Tân Phú, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ). Trước đây, rác tập trung tại một số khu vực chính của tuyến đường thôn, chỉ sau một ngày là công nhân môi trường đến thu gom, vận chuyển đến bãi rác Tam Xuân 2 để xử lý, nhưng gần 2 tuần qua nằm sát đường, bốc mùi hôi thối. Theo quan sát, các thùng đựng rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam không còn chỗ chứa, việc tập kết rác bằng các bao bì sơ sài, động vật tha rác vương vãi trên đường. Do trời mưa, rác thải lại để lâu ngày không thu gom xuất hiện tình trạng ruồi, muỗi bu bám đầy bãi rác này. Bà Bùi Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Anh Đào nói: “Cổng trường học là nơi văn hóa công cộng, chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền cho các cháu ý thức giữ vệ sinh môi trường chung. Vậy nhưng bãi rác tự phát như thế này xuất hiện rõ ràng phản tác dụng giáo dục, lại gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh qua đường tiêu hóa, hô hấp cho trẻ. Qua các lần tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, cử tri địa phương kiến nghị nhiều lần nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí ô nhiễm nặng hơn”.
Theo ghi nhận vào sáng 1.9, dọc quốc lộ 1, đoạn qua thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành), dưới tấm bảng “Thực hiện nếp sông văn minh” là một bãi rác chảy tràn ra đường rất phản cảm. Nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường này nói: “Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm nhếch nhác mỹ quan nơi công cộng, việc người dân tùy tiện lập bãi tập kết để rác không đảm bảo vệ sinh chảy ra đường còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông”. Ngoài quốc lộ 1, theo ghi nhận của chúng tôi, quốc lộ 40B, quốc lộ ven biển 129, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, dòng sông, con suối đã bị người dân lén lút vứt và tập kết rác bừa bãi. “Điểm đen” ô nhiễm nặng nhất là các khu chợ. Nơi đây phát sinh lượng rác quá lớn. Lội vào khu vực tiểu thương buôn bán ở các chợ Tam Dân (huyện Phú Ninh), chợ Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), chợ Vườn Lài (Tam Kỳ) những ngày sau sự cố dân không cho đưa rác vào bãi xử lý Tam Xuân 2, mới thấy việc xử lý rác thải gần như bị tê liệt. Tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) gần quốc lộ 1, ngoài lượng lớn rác thải xả ra từ chợ, người dân các địa phương lân cận cũng chở rác đến đây đổ, khiến nơi đây hình thành nhiều khu phố… rác. Vì các bãi rác lộ thiên tồn tại lâu ngày chưa được vận chuyển đến khu xử lý rác tập trung nên hầu hết bãi rác xuất hiện tình trạng “ruồi bu kiến đậu”. Nhiều bãi rác còn chứa cả xác chết động vật.
Cần kiểm soát rác thải tại nguồn
Theo Công ty CP Môi trường Quảng Nam (đơn vị hiện thu gom rác trên 10 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh), lượng rác mỗi ngày xả ra trên dưới 1.000 tấn nhưng do dân cản trở không cho đưa rác vào khu xử lý Tam Xuân 2, đơn vị chỉ tổ chức thu gom được khoảng 400 tấn, số còn lại phải chấp nhận tồn đọng ở các địa phương. Công ty hiện chỉ ưu tiên thu gom rác ở nội thành TP.Tam Kỳ, huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn chở đến khu xử lý rác xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc).
Để khắc phục lượng rác thải tồn đọng tại các địa phương dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, bùng phát bệnh, hiện nay chính quyền cấp xã, phường tại TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Phú Ninh đã liên tục vận động người dân tăng cường phân loại rác thải tại nguồn để giảm phát sinh rác thải; khu vực tập trung lượng rác thải lớn đã sử dụng bạt che chắn; địa phương yêu cầu nhân dân không vứt ra kênh mương, sông suối, ao hồ và các khu vực công cộng. Trong khi đó, Sở TN&MT đang huy động lực lượng cán bộ, nhân viên hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật chuyên môn khử mùi, diệt côn trùng tại các điểm xử lý tạm thời.
Theo nhiều địa phương, lâu nay người dân vẫn giữ thói quen vứt toàn bộ rác thải sinh hoạt ra thùng rác để nơi công cộng, công nhân môi trường theo đó tự phân loại rác và vận chuyển đến chỗ xử lý. Nhiều khu vực nông thôn, người dân đóng phí thu gom, xử lý rác thải chỉ đạt dưới 70% khiến đơn vị thu gom rác gặp khó khăn về tài chính khi hoạt động. Cá biệt, tại một số xã, phường của TP.Tam Kỳ có nơi chỉ thu dưới 30% mức phí quy định tại Quyết định số 22 năm 2017 của UBND tỉnh. Thực tế, do người dân không chịu đóng tiền ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải đến khu vực tập trung đã gây sức ép cho nhiều địa phương hoàn thiện tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tại nhiều nơi chậm quy hoạch bãi rác, hoặc thiếu diện tích đất để chôn lấp nên lượng rác tồn lưu không được chôn lấp hợp vệ sinh ngày càng tăng, gây ô nhiễm nặng về môi trường không khí.
Theo chính quyền các địa phương, phân loại rác cần phải gắn liền với đầu tư hạng mục xử lý rác đúng tiêu chuẩn. Muốn vậy, Nhà nước cần phân cấp mạnh nguồn đầu tư xây dựng lò đốt đảm bảo quy chuẩn môi trường, kiểm soát lượng rác tồn kho, trong khi đó Quảng Nam hiện mới tiếp cận với công nghệ lò đốt tiên tiến, nhưng lại bị người dân phản đối. Sở TN&MT đánh giá, bất cập lớn trong xử lý rác thải là chưa phân loại rác thải tại nguồn triệt để, gây khó khăn lớn trong công tác xử lý chất thải rắn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ người dân xã Tam Xuân 2 tỏ ra lo lắng và kiến nghị về lâu dài nên di dời khu xử lý rác thải vì cho rằng cũng tại địa bàn, nhà máy nước BOO Phú Ninh đang vận hành lấy nguồn nước từ hồ Phú Ninh, nước từ khu xử lý thải ra lâu ngày sẽ ngấm xuống lòng hồ. Mặt khác, một bộ phận người dân cản trở vì bị xúi giục, kích động và tâm lý đám đông.
-----------------
Bài 2: Tìm sự đồng thuận