Tết đến rồi. Ai cũng thêm một tuổi rồi. Để con mắt có thể thấy rằng, mùa xuân luôn luôn vừa giống mọi mùa xuân cũ, vừa khác trong… hơi thở thời gian. Vì sao vậy? Bởi vì, trên những con đường đi hay đến, bên cạnh những đóa nở sớm hay nở chậm, hoa vẫn một sắc tươi vàng. Và còn bởi vì nhiều nguyên nhân khác, ví như, mùa xuân thường gợi nhớ những ngày ẩm ướt đã qua! Cũng có nghĩa, sống luôn là sự xét duyệt lại hành trình tư tưởng của nhân loại. Để biết rằng, con người luôn cần sự đổi mới. Như một câu nói… cũ: Nhật nhật tân, hựu nhật tân.
Tân, là mới. Vậy thế nào là mới? Làm sao để mới? Chợt nhớ hai chữ DUY TÂN. Cũng có nhiều nghĩa nhiều lý lắm. Theo tự điển, ấy là cải cách theo cái mới (thường dùng để nói về những cuộc vận động cải cách tư sản cuối thời phong kiến ở một số nước Á Đông). Còn có thêm nghĩa khác, là "đổi mới về tư duy". Thực ra thì hai cái chữ Duy tân này “dính” đến nhiều chuyện lắm, đã có mặt từ hơn một thế kỷ trước rồi. Tỷ như Duy Tân là tên một tổ chức chống Pháp do Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm… thành lập tại Quảng Nam, chủ trương chống Pháp bằng vũ trang bạo động. Tỷ như, là phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng tại Quảng Nam, chủ trương bất bạo động với khẩu hiệu “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Hoặc là cuộc khởi nghĩa Duy Tân do Trần Cao Vân, Thái Phiên tổ chức… Tựu trung, dù là tổ chức, là phong trào hay là cuộc nổi dậy, tất cả đều thể hiện quyết tâm tấn công vào bầu khí im lìm rời rã của xã hội Việt Nam thời đó, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp và sự thống trị của nhà nước phong kiến mà một trong những thể hiện là tiếng than não nuột trong bài Á tế á ca: Nói ra sởn gáy động lòng/ Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than/ Cũng có lúc bầm gan tím ruột/ Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra / Cũng xương cũng thịt cũng da/ Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long/ Thế mà chịu trong vòng trói buộc/ Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than (*). Hoặc là, lời gọi kêu thống thiết của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu: Người, dân ta; của dân ta/ Dân là dân nước, nước là nước dân/ … Sông phía Bắc, bể phương Đông/ Nếu không dân cũng là không có gì (Hải ngoại huyết thư).
Nói đến cái chữ DÂN, thì còn có những lời “cãi” nhau. Có ý kiến cho rằng, tư tưởng dân chủ đã hiện diện từ thời các vua nhà Trần, vốn có gốc từ xa lắc xa lơ 2500 năm trước, ví như "dân là quý, tiếp đó là xã tắc, vua là thấp" (Mạnh Tử), "vua là thuyền, thứ dân là nước, nước có thể chở thuyền, cũng có thể làm lật thuyền" (Khổng Tử gia ngũ). Đó là chuyện của người cai trị. Còn với người dân, chuyện dân chủ là để giải quyết không chỉ về dân quyền mà dường như cao hơn - là về chuyện nhân quyền, nghĩa là vượt lên khỏi chuyện chính trị để hướng đến thân phận con người?
Nhà văn Lỗ Tấn, qua con mắt của một người ngỡ là bị bệnh điên, đã “tổng kết” lịch sử nhân loại, rằng: Nhìn qua các dòng chữ, chỉ thấy ba chữ: Ăn thịt người. Lịch sử thường lặp câu chuyện như thế, vì gốc rễ của cái giống người, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, là… tham-sân-si. Vậy phải làm sao để cuộc sống của nhân loại “bớt bớt” được chút nào hay chút ấy sự đau khổ? Phải đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, dân trí, dân quyền. Bởi vì, con đường của nhân loại là hành trình tiến đến nhân quyền.
Chân dung chí sĩ Phan Châu Trinh và hành trạng cùng tư tưởng của ông lại hiện ra, trong nhận định của nhà sử học Daniel Héméry: “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh, theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận”.
Khuôn mặt ấy hiện ra, rỡ ràng trong ánh hy vọng của mùa xuân đang đến…
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
(*): Á Tế Á ca ("Bài ca Châu Á"); tên gọi khác là Đề tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh quốc dân), Nam hải bô thần ca (Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam), là một bài thơ diễn ca yêu nước được lưu truyền tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Cho đến nay vẫn chưa rõ tác giả (Nguyễn Thiện Thuật, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Dương Bá Trạc?).