Văn hóa

"Khuôn mặt mới" của ảnh báo chí

HỨA XUYÊN HUỲNH 22/06/2024 20:20

(Đặc san 21/6) - Giờ đây, nếu thấy tác giả ảnh báo chí có dòng chữ “Ảnh được tạo từ AI”, thì bạn đừng quá ngạc nhiên. Lịch sử nhiếp ảnh và ảnh báo chí đang bước sang một kỷ nguyên mới, quá khác xa thuở ban đầu…

1(1).jpg
Những bức ảnh “được tạo từ AI” xuất hiện ngày càng nhiều trên nhật báo.

“Tơ tóc không sai mảy may”

“Thuở ban đầu” mà tôi muốn nhắc đến, là quãng hơn 160 năm trước, lúc một người Quảng Nam chứng kiến và mô tả phương pháp để làm ra một bức ảnh ở phương Tây.

Những dòng mô tả này chép từ di cảo của Trúc Đường Phạm Phú Thứ, khi cụ hiện diện trong sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Tây Ban Nha trong vòng 9 tháng tính từ tháng 6/1863.

“Trước hết, thấy lấy nước thuốc xoa vào miệng kính rồi đặt vào ống; người đứng phía trước nhìn thẳng vào miệng ống, hình người sẽ do ánh sáng mặt trời in vào miếng kính, tơ tóc không sai mảy may” (“Tây hành nhật ký”, NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh - 2000, trang 66).

“Phương pháp chụp ảnh” cụ Phạm ghi nhận được khi sứ bộ đến Paris (Pháp) vào một ngày cuối tháng 9/1863: “Lúc đó, thần đẳng vận triều phục chỉnh tề để lên lầu chụp ảnh. Một ngày trước, Aubaret, viên quan phụ trách công việc nghênh tiếp sứ đoàn, đã báo tin Quốc trưởng Pháp muốn được coi hình ảnh của sứ bộ nên các đại thần đã cho gọi thợ ảnh sẵn sàng chụp…”.

Chỉ chừng đó thông tin về “kỹ thuật” nhiếp ảnh phương Tây được ghi chép lại trong “Tây hành nhật ký”. Nếu dẫn thêm nữa là những dòng nhận xét về sở thích chụp hình của người phương Tây, hoặc kể thêm về những lần chụp ảnh sau đó nữa để làm quà tặng…

Cũng chính 3 vị đứng đầu trong phái đoàn được vua Tự Đức cử sang Pháp cũng được xếp vào nhóm người Việt đầu tiên được chụp ảnh: Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản.

Ngược thời gian gần 20 năm về trước, dưới triều vua Thiệu Trị, xứ Quảng từng “đón” một tay máy phương Tây đến chụp ảnh, và bức ảnh này được xếp vào nhóm bức ảnh đầu tiên chụp ở Việt Nam.

Thay đổi chóng mặt

“Nhật ký du hành Trung Quốc vào các năm 1843, 1844, 1845” (Journal d’un Voyage en Chine en 1843, 1844, 1845) của Jules Itier có in bức ảnh với dòng chú thích: “Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong”.

Jules Itier là thành viên phái bộ Pháp sang Trung Hoa ký Hiệp ước Whampoa. Ông chụp bức ảnh nhân lúc chiếc tàu chở phái đoàn trên đường về có lệnh dừng khẩn cấp tại vịnh Đà Nẵng hồi cuối tháng 5/1845.

2(1).jpg
“Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong”, bức ảnh đầu tiên chụp ở Việt Nam do Jules Itier thực hiện, chụp ở vịnh Đà Nẵng.

Thực ra, lần ấy Jules Itier chụp tổng cộng 3 bức hình tại xứ Quảng, gồm pháo đài Non-Nay, vịnh Đà Nẵng và Ngũ Hành Sơn. Nhưng trong hồi ký, chỉ thấy in một bức ảnh pháo đài, trở thành bức ảnh chụp đầu tiên về một nơi ở Đàng Trong cho dù tiêu bản chụp pháo đài Non-Nay “chưa phơi sáng đủ nên hình ảnh không rõ nét” như giới chuyên môn sau này phân tích…

Bức ảnh chụp pháo đài Non-Nay, tức Đồn Hai, sử dụng kỹ thuật daguerréotype. Đấy là kỹ thuật nhiếp ảnh mới phát minh ở phương Tây thời điểm đó, hình ảnh hiện trực tiếp trên một bảng đồng bóng loáng phủ lớp hóa chất bắt ánh sáng chứ không phải từ phim âm bản.

Theo thời gian, cách thức chụp ảnh thay đổi dần với những phát minh tiếp nối và thay thế lẫn nhau. Từ những chất liệu ban đầu như tấm đồng được tráng bạc và sắt thật mỏng, hoặc giấy và da thuộc tráng qua với các chất hóa học có tác dụng nhạy sáng, người ta chuyển sang dùng nhựa trong suốt, rồi thay nhựa bằng thủy tinh.

Đến giữa cuối thế kỷ 19, cuộn film có chất liệu giấy tạo hình theo dạng ống ra đời, sang đầu thế kỷ 20 đã có loại khác thay thế mang tên “Safety film”…

Ở Việt Nam, tính riêng giai đoạn từ những ngày kháng chiến và kéo dài ra sau năm 1975, sự thay đổi cũng chóng mặt. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường gạo cội từng kể lại chuyện họ phải vất vả đi mua từng lon Methol, Hydnoquinon, Natri Sunfit, Hypo... để pha chế thành thuốc tráng phim, rồi tự làm buồng tối ngay trên những chiếc thuyền để đưa vào chiến khu.

Những người làm báo, giới chơi ảnh vẫn còn phải “đồng hành” với máy ảnh chụp bằng cuộn film mãi cho đến khi những chiếc máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện sau năm 1980. Giờ đây, smartphone càng gia tăng sự tiện lợi, giúp phóng viên trở nên đa năng hơn khi tác nghiệp đa phương tiện.

Và rồi, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) nhập cuộc, góp thêm “góc nhìn” mới về ảnh báo chí.

Công nghệ: giới hạn và bùng nổ

“Ảnh được tạo từ AI”, “ảnh do AI thực hiện”… những dòng chú thích như thế xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các tờ nhật báo. Một thư ký tòa soạn chia sẻ rằng, với những đề tài có phần nhạy cảm như lừa đảo công nghệ, những bức ảnh có yếu tố dàn dựng kiểu như kẻ gian trùm khăn đen đã trở nên nhàm chán, cũ kỹ.

Cho nên, để có ảnh minh họa bài viết khác lạ một chút, đến lượt AI vào cuộc. Các kỹ thuật viên ra tay, “lệnh” cho phần mềm tạo ảnh bằng AI thao tác theo ý của mình.

Một người Mỹ đã chụp ảnh nhanh theo phong cách cổ điển từ một bữa tiệc tại gia bằng AI và gây “sốt” trên mạng xã hội từ năm ngoái. Những bức ảnh “nhân tạo” kiểu này dĩ nhiên còn mắc một số lỗi, thí dụ sai lệch về hình dáng. Khuôn mặt người trên ảnh, thoạt nhìn thấy giống như thật, thực ra đấy là kết quả làm việc của cỗ máy sau khi kết hợp nhiều khuôn mặt khác.

Rất nhiều tiện ích hỗ trợ người dùng, kể cả cho báo chí, nếu muốn có một bức ảnh minh họa. Cách thức tạo ảnh bằng AI cũng được các chuyên gia chia sẻ rộng rãi.

Chỉ cần có công cụ, phần mềm (trình tạo ảnh bằng AI), nêu ý tưởng (nhập câu lệnh mô tả)…, mô hình máy học sẽ quét hàng triệu hình ảnh và văn bản liên kết để dự đoán hình ảnh nào phù hợp rồi tạo ra hình ảnh hoàn toàn mới. Thử tìm kiếm về các công cụ tạo ảnh bằng AI tốt nhất hiện nay trên Google, ngay lập tức bạn sẽ được tư vấn với hàng loạt cách thức.

Nhưng trong một công cụ tìm kiếm, có những dòng lưu ý: “Bạn có thể sử dụng hình ảnh nhưng không được phép giữ bản quyền vì những người khác cũng có thể dùng hình ảnh này cho mục đích cá nhân hoặc thương mại của họ”.

Cũng như những bức ảnh minh họa vốn dĩ đang dừng lại ở những đề tài nhạy cảm hay ảnh chụp một bữa tiệc tại gia theo phong cách cổ điển…, tất cả đều chấp nhận những giới hạn của công nghệ.

Để tạo ra 15 tỷ bức ảnh, con người từng phải mất tới 150 năm, lấy mốc từ khi có bức ảnh đầu tiên trên thế giới xuất hiện (khoảng sau năm 1826) cho đến thời điểm xuất hiện tấm hình thứ 15 tỷ (năm 1975). Trong khi đó, chỉ vỏn vẹn 1 năm, các mô hình AI đã kịp tạo ra khoảng 15 tỷ bức ảnh. Số liệu đáng tin cậy này do tạp chí nhiếp ảnh Everypuxel Journal vừa đăng tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Khuôn mặt mới" của ảnh báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO