Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Điện Bàn, vụ đông xuân 2012-2013, 5 sào đất lúa của anh Ba Điện Nam (gieo sạ vào trà cuối) phải sử dụng các loại giống ngắn ngày như HT1, TH3-3, PC6... Thế nhưng, vì không nắm bắt thông tin, anh Ba mua 25kg giống dài ngày Xi23 về canh tác. Do bố trí giống không phù hợp nên trong quá trình sinh trưởng, những ruộng lúa này bị sâu bệnh tấn công. Anh Ba cho biết, dịch hại hoành hành trên diện rộng nhiều đợt khiến vụ này năng suất lúa bình quân mỗi sào chỉ đạt 280kg khô, giảm 40kg so với đông xuân năm ngoái.
Không riêng anh Ba Điện Nam, dịp nghỉ lễ vừa rồi, lội khắp vùng đông Điện Bàn, Tư tôi thấy còn rất nhiều cánh đồng lúa chưa gặt, mặc dù theo kế hoạch thì 20 - 25.4 là đồng loạt cắt rộ. Ông Đặng Hữu Lên – Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, để hạn chế thiệt hại do tình trạng nhiễm mặn vào thời điểm gần cuối vụ gây ra, trước khi triển khai sản xuất vụ đông xuân ngành nông nghiệp đã nhiều lần yêu cầu nông dân các xã vùng đông phải đưa những loại giống ngắn ngày vào gieo sạ trà cuối. Thế nhưng, thực tế có hơn 200ha đất canh tác bằng các loại giống dài ngày. Ông Lên nói: “Theo dự kiến thì ngày 10.4 ngành thủy lợi sẽ tiến hành cắt nước để tập trung gia cố, sửa chữa lại hệ thống kênh mương, trạm bơm điện nhằm chủ động phục vụ tưới vụ hè thu 2013 sắp tới. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, hơn 200ha lúa bố trí sai cơ cấu giống ở vùng đông mới bước vào giai đoạn trổ đòng rộ và ngậm sữa. Vì vậy, các đơn vị khai thác thủy lợi buộc phải kéo dài thời gian cung ứng nước thêm 10 ngày nữa”.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài vùng đông Điện Bàn thì ở những địa phương nằm trong khu vực tưới của các trạm bơm điện thường xuyên bị nhiễm mặn thuộc huyện Duy Xuyên và một số vùng cuối kênh trên địa bàn huyện Thăng Bình, Phú Ninh... nông dân vẫn sử dụng giống lúa dài ngày để gieo sạ với diện tích lớn, dù ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu phải cơ cấu nhiều loại giống lúa ngắn ngày. Ông Muộn nói: “Qua kiểm tra ở các nơi làm sai hướng dẫn của ngành chuyên môn thì những giống lúa dài ngày đều không cho năng suất cao hơn các giống lúa trung và ngắn ngày. Hơn nữa, tính chống chịu với thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh của những giống dài ngày lại kém. Sử dụng giống lúa dài ngày, thời gian sinh trưởng kéo dài, nông dân phải tốn thêm một đợt bón phân. Ngoài ra, còn gây khó khăn cho việc bố trí khung thời vụ và cung cấp nước tưới trong điều kiện nắng hạn ngày càng gay gắt”.
Vụ hè thu tới, Quảng Nam sẽ triển khai gieo sạ 45 nghìn héc ta lúa. Trước nguy cơ khô hạn sẽ xảy ra khốc liệt, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho nhà nông, ngành nông nghiệp tỉnh quyết định đưa những giống lúa chủ lực trung và ngắn ngày vào sản xuất trên 90% diện tích, còn các giống lúa dài ngày chỉ bố trí 10% diện tích. Theo Tư Ruộng tôi, để nông dân thực hiện đúng chủ trương này, ngay từ bây giờ các đơn vị liên quan và chính quyền 18 huyện, thành phố cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi lịch thời vụ, cơ cấu giống. Muốn làm được việc đó, nhất thiết phải nhanh chóng củng cố, kiện toàn lại đội ngũ khuyến nông viên cơ sở để phát huy tối đa vai trò của lực lượng này.
TƯ RUỘNG