Khuyến cáo về sản xuất lúa đông xuân

MAI LINH 26/11/2018 02:07

Theo ngành nông nghiệp, vụ đông xuân 2018 - 2019 sắp tới, toàn tỉnh sẽ triển khai sản xuất 42.000ha lúa. Để đảm bảo vụ mùa mang lại thắng lợi, ngoài việc đề nghị nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống thì cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo nhà nông thực hiện một số nội dung sau:

Nếu sử dụng công cụ sạ hàng, lượng giống bố trí cho 1 sào từ 1 - 1,2kg đối với lúa lai và 2 - 2,5kg đối với lúa thuần. Ảnh: MAI LINH
Nếu sử dụng công cụ sạ hàng, lượng giống bố trí cho 1 sào từ 1 - 1,2kg đối với lúa lai và 2 - 2,5kg đối với lúa thuần. Ảnh: MAI LINH

Áp dụng gói kỹ thuật  “1 phải, 5 giảm”

Để tăng hiệu quả sản xuất lúa và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân áp dụng rộng rãi gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”. Đó là: phải dùng những loại giống lúa cấp xác nhận có chất lượng cao và giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát khi thu hoạch. Trong đó, cần chú ý:

- Lượng hạt giống lúa gieo sạ cho 1 sào:

+ Sạ bằng công cụ sạ hàng: Từ 1 - 1,2kg đối với lúa lai và 2 - 2,5kg đối với lúa thuần.

+ Sạ bằng vãi tay: Từ 2 - 2,5kg đối với lúa lai và 3 - 3,5kg đối với lúa thuần.

- Giảm lượng phân hóa học hợp lý: Tăng lượng phân chuồng, phân hữu cơ; giảm phân đạm với lượng bón khoảng 8 - 10kg urê/sào đối với giống lúa ngắn ngày, 10 - 12kg urê/sào đối với giống lúa dài ngày và lúa lai (đã tính quy đổi lượng đạm của các loại phân khác thành urê); tập trung bón ở lần bón thúc 1 và bón thúc 2, bón đòng không vượt quá 2kg urê/sào.

- Giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và có biện pháp xử lý thích hợp. Đặc biệt, lưu ý phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, nhất là các giống nhiễm nặng.

- Tưới nước tiết kiệm: Đông xuân tới, tỉnh có chủ trương là các công trình thủy lợi không cấp nước tưới cho việc gieo sạ. Vì vậy, trong thời gian đến nông dân phải đắp bờ giữ nước để làm đất, đổ ải, xuống giống. Vào vụ, nhà nông cần thực hiện hiệu quả phương thức tưới “ướt - khô xen kẽ” nhằm giúp đất thông thoáng, rễ lúa ăn sâu, huy động tốt dưỡng chất, chống đổ ngã. Cách tưới như sau: Giữ đủ nước (2 - 3cm) từ lúc cây lúa mọc mầm đến khi bón thúc lần 1, sau đó để ruộng tự khô và tưới lại trước khi bón thúc lần 2. Tiếp đó, để ruộng tự khô đến khi nứt chân chim thì cho nước vào ruộng từ 3 - 5cm, tiếp tục làm như vậy cho đến khi lúa làm đòng. Từ lúc lúa làm đòng, giữ nước thường xuyên trong ruộng đến lúc vào chắc hạt thì rút nước để khô ruộng nhằm hạn chế tình trạng đổ ngã và dễ thu hoạch.

Nhược điểm của một số giống lúa

Theo ngành chuyên môn, các giống lúa 13/2, BC15, TBR225, OM4900, Thiên ưu 8 dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn trong vụ đông xuân. Vì vậy, nhà nông cần chủ động phát hiện để phòng trừ bệnh sớm. Đồng thời thực hiện phương thức bón phân cân đối, hạn chế bón phân urê trên những chân ruộng xanh tốt.

Trong khi đó, các giống lúa OM4900, BC15, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, SV181 hay mẫn cảm với thời tiết rét lạnh, trổ gặp mưa. Do vậy, nông dân cần bón phân cân đối, tăng cường bón phân chuồng và kali để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu.

MAI LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khuyến cáo về sản xuất lúa đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO