Do khu vực cuối kênh hồ chứa Đông Tiển nên hàng chục năm qua cả 6 sào ruộng của vợ chồng anh Tám Châu Xuân ở xã Bình Định Nam (Thăng Bình) luôn bấp bênh nguồn nước tưới. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ nhiều khâu, trong 2 vụ của năm 2016 này họ mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất lúa ấy sang canh tác một số loại cây trồng cạn chủ lực nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Anh Tám hồ hởi nói: “Chú Tư mi biết không, vụ đông xuân tui trồng giống đậu phụng TB25 trên 6 sào đất lúa đó và thu về tổng cộng 900kg đậu khô. Bán ngay tại nhà cho tư thương với giá 1kg là 25.000 đồng thì kiếm được 22,5 triệu đồng. Hè thu vừa rồi, tui trồng bắp lai xen canh với đậu xanh, kết quả cũng rất khả quan. Cụ thể, bắp lai thu được xấp xỉ 2 tấn hạt khô, bán với giá 1kg là 5.500 đồng, đạt giá trị 10,8 triệu đồng; còn đậu xanh thì thu về 90kg, bán 30.000 đồng/kg, kiếm thêm 2,7 triệu đồng. Như vậy, với việc sản xuất 3 loại cây trồng cạn ấy trên 6 sào đất lúa chuyển đổi, trong năm nay gia đình tui có mức thu nhập 36 triệu đồng. Từ thành công lớn này, thời gian tới tui sẽ tiếp tục áp dụng phương thức đó”.
Năm nay, nhiều mô hình trồng đậu phụng trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: TƯ RUỘNG |
Theo tìm hiểu của Tư tôi, năm 2016 các đơn vị liên quan đã hỗ trợ gần 100 hộ dân ở quê anh Tám Châu Xuân chuyển 10ha đất lúa không chủ động nước tưới sang thực hiện mô hình đông xuân tỉa đậu phụng, hè thu trồng bắp lai xen canh đậu xanh. Thực tế cho thấy, với hướng canh tác đó, năm nay bình quân 1ha đất nhà nông có tổng thu nhập 86,6 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng 53,8 triệu đồng/ha, tăng 47,5 triệu đồng/ha so với trước đây nông dân gieo sạ lúa.
Tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2016 do UBND tỉnh tổ chức trong tuần qua, Giám đốc Sở NN&PTNT - Huỳnh Tấn Đức cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình trạng khô hạn và nhiễm mặn ngày càng xảy ra khốc liệt. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại và giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, mấy năm gần đây ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực vận động, hỗ trợ nông dân chuyển hàng loạt chân đất lúa bấp bênh nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực như sắn, bắp lai, đậu phụng, mè, đậu xanh, dưa hấu… Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ tính riêng trong năm nay toàn tỉnh đã chuyển 1.289ha đất lúa khó khăn về khâu thủy lợi sang canh tác nhiều loại hoa màu. Nhìn chung, hầu hết số diện tích chuyển đổi vừa nêu đều cho hiệu quả cao gấp 2 - 5 lần so với làm lúa.
Lãnh đạo tỉnh cho rằng, trước diễn biến hết sức khó lường của thời tiết thì việc các cơ quan có trách nhiệm khuyến cáo và hỗ trợ nhà nông chuyển những diện tích đất lúa không chủ động tưới sang sản xuất một số loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt, cho mức thu nhập cao được xem là hướng đi tất yếu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tới công tác này cần phải thực hiện một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn chứ không nên dừng lại ở các mô hình trình diễn.
TƯ RUỘNG